Y bác sĩ nỗ lực chống lại thông tin sai về vắc-xin

26/02/2021 - 21:21

PNO - Sau một ngày chiến đấu với COVID-19 ở tiền tuyến chống dịch, nhiều y bác sĩ lại tiếp tục lên mạng để chống những thông tin sai lệch về vắc-xin.

Bác sĩ Nakhasi đang xem xét kết quả của bệnh nhân trên máy tính trong lều phân loại bên ngoài Bệnh viện Cộng đồng Martin Luther King Jr., Los Angeles
Bác sĩ Nakhasi đang xem xét kết quả của bệnh nhân trên máy tính trong lều phân loại bên ngoài Bệnh viện Cộng đồng Martin Luther King Jr., Los Angeles

Cuộc chiến thông tin

Bác sĩ Atul Nakhasi không thể ngừng nghĩ về sân vận động Dodger - địa điểm tiêm chủng gần căn hộ của anh ở thành phố Los Angeles (bang California, Mỹ) đã bị đóng cửa trong một thời gian ngắn bởi những người phản đối vắc-xin. Nakhasi thật sự lo sợ bởi với anh, sự trì hoãn này là một hành động “gây hại cho cộng đồng” và là một ví dụ về việc những người phản đối vắc-xin sẵn sàng dùng mọi cách để thể hiện quan điểm. Từ đó, Nakhasi tin rằng, mình phải làm gì đó để ngăn chặn tình trạng trên.

Suy nghĩ này lởn vởn trong tâm trí khi Nakhasi nói chuyện với gia đình của một thanh niên khoảng 20 tuổi, bị tổn thương phổi do COVID-19 đến mức không thể tự thở. Vắc-xin có thể đã thay đổi cuộc đời chàng trai trẻ. Vì vậy, khi Nakhasi về nhà vào buổi tối hôm đó, dù cảm thấy kiệt sức, anh đã cầm lấy điện thoại và mở Twitter.

Anh viết: “Với tư cách là một bác sĩ tuyến đầu, tôi cho rằng, hành động của những người phản đối vắc-xin đã gây tổn hại cho công chúng. Cứ 8 phút, lại có một người dân Los Angeles chết vì căn bệnh này”.

Bác sĩ 33 tuổi này chia sẻ: “Kết thúc ngày làm việc, sau khi chiến đấu vì sự sống của người khác suốt hơn 9 giờ, tôi về đến nhà và cảm thấy như cuộc chiến không bao giờ dừng lại. Nó chỉ diễn ra ở một môi trường khác”.

Chiến đấu ngay từ bây giờ

Nakhasi là một trong vô số nhân viên chăm sóc sức khỏe chiến đấu chống lại COVID-19 trên cả hai mặt trận. Ngoài dành thời gian làm việc ở các bệnh viện, nhiều y bác sĩ còn tự nguyện dấn thân vào “cuộc chiến thông tin”. Đó là một cuộc chiến không cân sức. Những tuyên bố vô căn cứ thường lan truyền nhanh hơn so với sự thật. Và những người đưa thông tin sai lệch nhanh chóng trả đũa bằng những lời lẽ đầy đe dọa.

Trước đại dịch, Nakhasi hầu như không sử dụng mạng xã hội. Giờ đây, anh là đồng sáng lập của #ThisIsOurShot - một chiến dịch kỹ thuật số nhằm quảng bá thông điệp tích cực về vắc-xin thông qua mạng lưới hơn 25.000 nhân viên chăm sóc sức khỏe. 

Asha Shajahan - bác sĩ ở Detroit, bang Michigan, Mỹ và là một trong những người lãnh đạo chiến dịch #ThisIsOurShot - đang cố gắng đưa ra chương trình giảng dạy cho các bác sĩ về cách xử lý thông tin sai lệch trên mạng xã hội. Shajahan lưu ý: “Nhìn chung, các bác sĩ thường có xu hướng tập trung vào việc riêng vì họ quá bận rộn. Nhưng trong suốt đại dịch, nhiều người đã nhận ra tầm quan trọng của tác động tập thể”.

Mawata Kamara - y tá phòng chăm sóc đặc biệt và cấp cứu ở bang California - chọn cách chia sẻ trải nghiệm tiêm chủng của mình.
Mawata Kamara - y tá ở bang California - chọn cách chia sẻ trải nghiệm tiêm chủng của mình

Mawata Kamara - y tá phòng chăm sóc đặc biệt và cấp cứu ở bang California - chọn cách chia sẻ trải nghiệm tiêm chủng của mình. Là một phụ nữ da màu, mang thai 29 tuần, Kamara (36 tuổi) biết rằng, cô có thể gắn kết với hai nhóm đối tượng đặc biệt khi nói về vắc-xin, đó là người Mỹ gốc Phi và phụ nữ mang thai. Kamara giải thích: “Mọi người muốn nhận thông tin từ những người họ có thể tin tưởng hoặc những người họ tin rằng đang trải qua những điều tương tự như họ”.

Tương tự, tiến sĩ Nikki Kanani - Giám đốc y tế chăm sóc ban đầu của Dịch vụ Y tế quốc gia Anh (NHS) - đã đặt ra kế hoạch chi tiết để giải quyết tình trạng do dự trước vắc-xin. Theo bà, làn sóng phản đối vắc-xin “thường bắt nguồn từ các vấn đề lịch sử và sự mất lòng tin rộng rãi về chính sách”, nên các y bác sĩ cần phải làm nhiều hơn nữa để giải quyết những mối quan ngại này một cách thích hợp. 

Tại Úc, các bác sĩ đón nhận và tư vấn cho hàng trăm cuộc điện thoại từ những bệnh nhân “sợ hãi” trước buổi tiêm phòng vắc-xin COVID-19. Do đó, Sander van der Linden - giáo sư tâm lý học tại Cambridge (Anh) - cùng giáo sư Stephan Lewandowsky - nhà tâm lý học người Úc tại Đại học Bristol (Anh) - đã phát triển và thử nghiệm trò chơi nhỏ gồm một loạt video ngắn, được thiết kế để người xem nhận biết kỹ thuật lan truyền thông tin sai lệch trên mạng trực tuyến.

Riêng Nakhasi nói rằng, anh và các chuyên gia y tế khác đang có một vị trí đặc biệt để truyền bá thông tin và thông điệp giúp cứu sống nhiều người theo đúng nghĩa đen. Đặc ân đó cũng là một trách nhiệm. Anh kết luận: “Chúng tôi nhận ra rằng, nếu không phải chúng tôi thì ai sẽ làm điều đó? Và nếu không phải bây giờ thì khi nào?”. 

 Tấn Vĩ (theo Washington Post)

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI