Xài hàng hiệu, đi xe xịn, nhưng thích xin mì gói hàng xóm

30/08/2022 - 11:59

PNO - Cô ấy lái xe trị giá vài tỷ đồng, mặc trên người cả "cây hàng hiệu", thế mà lại suốt ngày đi "mượn" mì gói và quên đóng tiền điện.

 

M. là tín đồ của hàng hiệu, ăn mặc thời thượng, xài chiếc túi trị giá cả trăm triệu đồng. (Ảnh minh hoạ).
M. là "tín đồ" của hàng hiệu, ăn mặc thời thượng, xài chiếc túi trị giá cả trăm triệu đồng (Ảnh minh họa)

Khu chung cư chúng tôi mới có cô hàng xóm chuyển về. Do ở đây nhà nào biết nhà đó nên cư dân cũng chẳng biết đó là chủ nhà mới hay chỉ là khách thuê. Cô gái này chừng 30 tuổi, ở một mình, bề ngoài toát lên vẻ sang trọng, sành điệu.

Một lần, tôi dắt con gái xuống sân chơi thì gặp cô hàng xóm mới trong thang máy, mùi nước hoa sực nức, thơm lừng. Chúng tôi mỉm cười, gật đầu chào nhau lịch sự.

Gia đình tôi đang ăn cơm trưa thì cô hàng xóm chạy sang gõ cửa, hỏi nhà tôi có bị cúp điện không, hay chung cư có lịch bảo trì điện vì bên cô bị mất điện. Nhân viên kỹ thuật lên kiểm tra, mới biết cô quên đóng tiền nên bị cắt điện.

Không phải chỉ một lần nhà cô hàng xóm bị cắt điện như thế. Cô chuyển về đây được 6 tháng thì tới 3 lần bị cắt điện do… quên.

Sau những lần qua gõ cửa hỏi han vụ điện đóm, cô gái cởi mở với tôi hơn, tự giới thiệu mình tên là M., làm trưởng phòng tại một công ty nước ngoài liên quan tới mỹ phẩm. Theo như M. kể, đãi ngộ của công ty cho nhân viên rất khá, lương của cô vài ngàn USD/tháng.

Một buổi chiều, đón con đi học về, tôi gặp M. trong hầm xe. Cô gái í ới bảo tôi chờ rồi cùng vào thang máy, bởi cô để quên thẻ từ ở nhà. Sau khi đậu chiếc xe thương hiệu của Đức trị giá hơn 3 tỷ đồng xong xuôi, M. điệu đàng đi đến chỗ mẹ con tôi hỏi: “Chị đi xe gì thế?”.

Lúc nhìn ra thấy gia đình tôi đi một chiếc xe thương hiệu phổ thông, cô nói: “Xe đó à, nhà chị có mấy xe?”. 

Tôi bắt đầu khó chịu vì cách hỏi han thiếu tế nhị của hàng xóm, nhưng vẫn kiên nhẫn trả lời: “Xe chị chỉ đưa đón con cái đi học thôi, nên có một xe là đủ rồi”. Cô ấy không nhận ra, vẫn tiếp tục "tư vấn": “Chị mua thêm một cái xe Đức như em mà đi, xe kia đi gia đình, còn mình đi riêng thì lái xế xịn cho đẹp”.

Cảm thấy cách nói chuyện của M. khoa trương, không phù hợp nên tôi chỉ cười thay cho câu trả lời.

10 giờ tối hôm ấy, M. lại qua bấm chuông cửa nhà tôi. Cô hỏi tôi có mì gói không, cho mượn một gói bởi chưa kịp đi chợ nên nhà chẳng có gì ăn. Tôi đưa mì gói cho M., lịch sự nói rằng thi thoảng nhỡ bữa thì cứ sang lấy đồ về mà ăn, vì nhà tôi có trẻ con nên lúc nào cũng để sẵn dự phòng.

Thế là kể từ đó, lâu lâu con tôi lại kể: "Mẹ ơi, hôm qua cô M. lên xin mì gói với trứng, hôm trước cô xin cháo ăn liền…".

Dù lái xế xịn vài tỷ đồng, mang trên người cả cây hàng hiệu nhưng M. chuyên quên đóng tiền điện và hay qua nhà tôi xin mì gói về ăn. (Ảnh minh hoạ).
Dù lái xế xịn vài tỷ đồng, mang trên người cả cây hàng hiệu nhưng M. chuyên quên đóng tiền điện và hay qua nhà tôi xin mì gói về ăn (Ảnh minh họa)

Hôm nay, đi làm về, tôi lại gặp M. trong thang máy, vẫn sực nức mùi nước hoa như thường lệ. Mà dù thang máy không có ai, nhưng ngửi mùi nước hoa là chúng tôi đều biết M. vừa đi ra ngoài hoặc mới trở về. M. mặc một cây đồ hiệu từ giày tới đồng hồ, túi xách, chiếc đầm ngắn ngang đùi, khoét hở hai bên eo. 

Tôi gà mờ cũng biết được nếu chiếc túi trên tay cô hàng xóm không phải đồ nhái thì cũng giá trị cả trăm triệu đồng.

M. nhìn tôi rồi bảo: “Mai bên trung tâm thương mại V. ở  quận 1 sale đồ hiệu đấy, chị đi shopping cùng em không? Chị xài túi gì thế, mua hẳn cái túi hiệu mà xài”. Tôi từ chối bảo rằng đồ mình còn nhiều, tôi làm việc trong môi trường công sở nên quần áo và túi như vậy phù hợp rồi.

Khi ba mẹ con vào tới nhà, con gái lớn của tôi có tỏ vẻ xót vì mẹ bị cô hàng xóm “soi” túi và quần áo. Con bé bảo tôi: "Mẹ à, mẹ cũng có thể mua vài chiếc túi mấy chục triệu dùng được mà, sao mẹ không mua?".

Nghe con thắc mắc, tôi chỉ bình thản cười. Tôi trêu con bé: “Mẹ không đam mê túi xách hiệu, mẹ đam mê hai chị em con. Tiền mua túi hiệu mẹ đầu tư cho hai đứa con”.

Con gái tôi lại tiếp tục hỏi: “Thế sao mẹ không mua một chiếc xe Đức cho riêng mình để đi làm như cô M.?”. Tôi trả lời con: “Vì cô ấy chỉ có một mình, còn mẹ có các con và ba, mẹ thích đi chung với cả nhà nên xe phải thật rộng. Lâu lâu nhà mình còn chở theo cả chó đi chơi còn gì?”.

Lúc này ba mẹ con tôi lại nghe tiếng nói chuyện ngoài hành lang, nhìn qua lỗ cửa thấy cô M. đang tranh cãi với nhân viên kỹ thuật của tòa nhà. Con trai út của tôi thốt lên: “Cô M. lại quên đóng tiền điện hả mẹ?”.

Tuyết Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI