WHO: Toàn cầu đang đối mặt với cuộc khủng hoảng tài trợ y tế tồi tệ nhất

02/05/2025 - 12:22

PNO - Ngày 1/5, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã cảnh báo rằng sức khỏe toàn cầu đang gặp nguy cơ nghiêm trọng khi nguồn tài trợ cạn kiệt.

Một đứa trẻ bị suy dinh dưỡng tại một bệnh viên ở Gaza. Ảnh: Aljazeera
Một đứa trẻ bị suy dinh dưỡng tại một bệnh viện ở Gaza - Ảnh: Aljazeera

Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết, cơ quan này đang phải đối mặt với sự gián đoạn lớn nhất trong lịch sử tài chính y tế toàn cầu khi các khoản đóng góp giảm mạnh trên mọi phương diện.

Để ứng phó, WHO đã sửa đổi kế hoạch tài chính, cắt giảm chi tiêu hiện tại và đề xuất cắt giảm 21% cho ngân sách năm 2026-2027. Theo đó, sẽ cắt giảm từ 5,3 tỉ USD xuống còn 4,2 tỉ USD cùng với việc cắt giảm nhân sự đáng kể.

“Tất nhiên là rất đau đớn nhưng chúng tôi không thể làm gì khác” - ông Tedros nói, cảnh báo rằng việc cắt giảm ngân sách sẽ tác động trực tiếp đến hệ thống chăm sóc sức khỏe trên toàn thế giới, đặc biệt là ở các quốc gia dễ bị tổn thương nhất.

WHO có kế hoạch cắt giảm ở mọi cấp độ hoạt động, bao gồm trụ sở chính tại Geneva (Thụy Sĩ) và các văn phòng khu vực và quốc gia. Một số văn phòng ở các quốc gia giàu có hơn có thể đóng cửa hoàn toàn.

Trợ lý Tổng giám đốc phụ trách hoạt động kinh doanh Raul Thomas cho biết, khoảng 25% ngân sách lương của WHO trong 2 năm tới vẫn chưa đề cập và nói thêm rằng còn quá sớm để nói sẽ có bao nhiêu vị trí bị mất việc.

WHO hiện đang dựa vào một số ít quốc gia để có 80% ngân sách thông qua các khoản đóng góp tự nguyện và cơ quan này đang phải tìm mọi cách để các có nguồn tài trợ nhằm tồn tại lâu dài.

Chỉ riêng trong năm nay, với khoản thiếu hụt gần 600 triệu USD, các quan chức WHO đang kêu gọi các nhà tài trợ hành động nhanh chóng. WHO cảnh báo rằng, nếu không có sự tài trợ mới, khả năng ứng phó với các trường hợp khẩn cấp về sức khỏe quốc tế và duy trì các dịch vụ cơ bản sẽ sụp đổ.

Trọng Trí (theo Aljazeera)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI