WHO kêu gọi các nước ưu tiên du lịch thiết yếu, đệ nhất phu nhân Brazil dương tính SARS-CoV-2

31/07/2020 - 08:16

PNO - Cố vấn trưởng chương trình phát triển vắc-xin của Mỹ Moncef Slaoui lạc quan cho biết sẽ có vắc-xin COVID-19 cho tất cả mọi người vào cuối năm nhưng hy vọng sẽ sớm hơn.

Đệ nhất phu nhân Brazil dương tính SARS-CoV-2

Sáng 31/7, Bộ Y tế Brazil báo cáo thêm 57.837 trường hợp nhiễm mới SARS-CoV-2, nâng tổng số bệnh nhân tại đây lên hơn 2,6 triệu người.

Dữ liệu mới này được đưa ra ngay sau khi văn phòng Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro tuyên bố đệ nhất phu nhân Michelle Bolsonaro, thử nghiệm dương tính với COVID-19. Hiện, sức khỏe của phu nhân trong trạng thái tốt và đang tuân thủ các phác đồ điều trị.

Trong khi đó, Jair Bolsonaro cho biết ông cảm thấy sức khỏe hơi yếu hơn so với một ngày trước đó, hiện ông đang dùng thuốc kháng sinh và thử máu. Tổng thống đã thử nghiệm dương tính với virus corona vào đầu tháng này, sau thời gian dài điều trị đến ngày 26/7, Jair Bolsonaro đã hồi phục và xét nghiệm âm tính. 

Dù tình hình dịch bệnh gia tăng mất kiểm soát nhưng chính phủ Brazil vẫn quyết định bãi bỏ lệnh cấm du lịch, kêu gọi tái mở cửa nền kinh tế trước sự phản đối của người dân nước này.

Brazil tiếp tục gia tăng số người chết và nhiễm mới SARS-CoV-2.
Brazil tiếp tục gia tăng số người chết và nhiễm mới SARS-CoV-2.

WHO kêu gọi các nước ưu tiên du lịch quốc tế thiết yếu

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết các quốc gia nên dần dỡ bỏ các lệnh cấm du lịch quốc tế dựa trên đánh giá rủi ro kỹ lưỡng và phải ưu tiên di chuyển cần thiết cho các trường hợp khẩn cấp như hỗ trợ nhân đạo, hồi hương…

Sự gia tăng các bệnh nhân nhiễm mới SARS-CoV-2 ở nhiều nơi trên thế giới đã buộc các quốc gia tái áp dụng một số biện pháp hạn chế đi lại.

WHO kêu gọi các nước tiến hành phân tích lợi ích rủi ro từ các mô hình dịch tễ học và truyền bệnh địa phương, các biện pháp y tế và xã hội để quyết định các ưu tiên, trước khi nối lại du lịch quốc tế.

Đầu tuần này, WHO cho biết các lệnh cấm du lịch quốc tế không thể tồn tại lâu dài và các quốc gia sẽ phải làm nhiều hơn để giảm sự lây lan của dịch COVID-19 mới trong biên giới của mình.

Tính đến sáng 31/7, trên thế giới ghi nhận hơn 17 triệu ca nhiễm và gần 670.000 người chết.

Người đứng đầu chương trình phát triển vắc-xin COVID-19 của Mỹ lạc quan về kết quả nghiên cứu

Cố vấn trưởng chương trình phát triển vắc-xin của Mỹ Moncef Slaoui lạc quan cho biết sẽ có vắc-xin COVID-19 cho tất cả mọi người vào cuối năm nhưng hy vọng sẽ sớm hơn. “Chúng tôi sẽ tiêm vắc-xin cho mọi người trong năm 2021. Vắc-xin phòng ngừa COVID-19” - Moncef Slaoui nói.

Slaoui đã nói chuyện với phóng viên CNN Elizabeth Cohen trong khi tham quan một địa điểm thử nghiệm lâm sàng vắc-xin ở Savannah, Georgia. Ông nói rõ, các thử nghiệm lâm sàng ở giai đoạn 3 - bước cuối cùng trước khi chính phủ phê duyệt - đang được tiến hành ở Hoa Kỳ cho 2 loại vắc-xin, một do Moderna thực hiện và một do Pfizer sản xuất. Chiến dịch Warp Speed cũng đang tài trợ cho 6 nỗ lực phát triển vắc-xin khác.

Slaoui hy vọng sẽ có vài chục triệu liều vắc-xin vào tháng 12/2020 và đầu tháng 1/2021 cho nhóm người có nguy cơ cao nhiễm virus corona, bao gồm người già và những người có tình trạng bệnh tiềm ẩn như tăng huyết áp, tiểu đường và bệnh tim mạch.  

Chung Thu Hương (theo CNN và Reuters)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI