Vứt bỏ ngay 10 thói quen này để tránh lo âu

20/10/2020 - 06:19

PNO - Rối loạn lo âu là căn bệnh phổ biến ở mọi lứa tuổi. Đặc biệt ở người trưởng thành có nhiều nguyên nhân gây ra lo lắng hơn.

Dưới đây là những điều hàng ngày có thể khiến tình trạng lo âu thêm nặng hơn.

1. Uống nhiều cà phê

Nikki Martinez - một nhà tâm lý học tại Chicago, Illinois (Mỹ) giải thích: ''Nhiều người có thói quen uống cà phê mỗi ngày, tuy nhiên caffeine trong cà phê có thể khiến cơ thể lo lắng, bồn chồn. Liều thấp của caffeine được cho phép nằm trong khoảng từ 50mg đến 200mg. Nếu uống hơn 400mg cùng một lúc có thể dẫn đến cảm giác bị kích thích thái quá, lo lắng và mang lại các triệu chứng như tim đập, buồn nôn hoặc đau bụng.''

Tiến sĩ Julie Radico - nhà tâm lý học lâm sàng Mỹ chia sẻ: "Caffeine không phải là kẻ thù, nhưng tôi khuyến khích mọi người biết giới hạn lành mạnh và tiêu thụ nó một cách chiến lược vì chúng có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng lo âu".

2. Đọc tin tức xấu

Beth Salcedo, MD - một bác sĩ tâm thần cho biết: “Mỗi ngày đọc tin tức bạn sẽ đều thấy thật khủng khiếp với các câu chuyện đều tập trung vào bạo lực, chiến tranh, thiên tai, bệnh tật... Nhưng điều đó không có nghĩa là bạn cần theo dõi hoàn toàn những gì đang diễn ra trên thế giới.''  Thay vào đó, Tiến sĩ Salcedo khuyên chúng ta chỉ nên xem tin tức mỗi ngày một lần và hạn chế đọc những tin tiêu cực làm ảnh hưởng đến tâm trạng.

3. Cơ thể thiếu nước

Nếu uống không đủ nước, bạn sẽ không chỉ bị khô miệng. Theo một nghiên cứu trên Tạp chí Dinh dưỡng, ngay cả tình trạng mất nước nhẹ cũng có thể gây rối loạn tâm trạng. Một nghiên cứu khác thực hiện về việc thay đổi lượng nước đối với người uống nhiều và uống ít nước để xem điều gì sẽ xảy ra. Và kết quả cho biết rằng việc tăng lượng nước cho những người không uống nhiều nước có lợi cho tâm trạng của họ.

Và việc giảm lượng nước đối với những người đã quen với việc uống nhiều hơn cũng làm giảm cảm giác bình tĩnh và cảm xúc tích cực. Bạn phải uống đủ nước hàng ngày để tránh cảm giác mất cân bằng. Đây cũng là cách bạn có thể phân biệt sự khác biệt giữa lo lắng và trầm cảm.

4. Lượng đường trong máu thấp

Tiến sĩ Hafeez cho biết: ''Những người đang bị căng thẳng và lo lắng thường cảm thấy rằng sự thèm ăn của họ không còn nữa. Tuy nhiên, bỏ bữa dẫn đến lượng đường trong máu giảm khiến cảm giác lo lắng kéo dài. Và bạn đã rơi vào một vòng luẩn quẩn''. 

5. Chế độ ăn uống không cân bằng

Không cung cấp đủ chất dinh dưỡng, đặc biệt là vitamin B có thể tàn phá tâm trạng và khiến bạn cảm thấy lo lắng dù không có lý do. Tiến sĩ Hafeez nói: “Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng chế độ ăn thiếu thịt bò, thịt heo, thịt gà, rau xanh, trái cây và trứng có thể dẫn đến trầm cảm. Những người đột ngột loại bỏ những thực phẩm này ra khỏi chế độ ăn uống thường xuyên cũng có thể làm họ cảm thấy lo lắng và cáu kỉnh" .

6. Phụ thuộc vào mạng xã hội

Mạng xã hội mang đến cho bạn niềm vui, nhưng dành quá nhiều thời gian trên mạng có thể trở thành nguồn gốc khiến bạn lo lắng. Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Tâm thần học Canada đối với thanh thiếu niên đã phát hiện trẻ em dành nhiều thời gian cho internet sẽ có tăng các triệu chứng lo âu và trầm cảm trở nên càng trầm trọng hơn.

Một nghiên cứu khác từ tổ chức phi lợi nhuận Anxiety UK cũng cho thấy rằng phần lớn người dùng mạng xã hội so sánh tiêu cực mình với người khác, căng thẳng khi không có mạng xã hội và thậm chí khó ngủ sau khi lên mạng.

7. Thời tiết quá nóng

Sức nóng gay gắt có thể khiến bất kỳ ai khó chịu bởi khi đó cơ thể bạn sẽ bị mất nước, tiêu hao năng lượng và phá hủy khả năng tập trung. Nhiệt độ oi bức cũng có thể làm tăng tốc độ thở và nhịp tim - các triệu chứng gợi nhớ đến cơn hoảng loạn.

Bác sĩ tâm thần Beth Salcedo, MD cho biết khi cơ thể nhận thấy những triệu chứng sinh lý này, bạn có thể bắt đầu cảm thấy lo lắng và hoảng sợ thực sự. Nếu điều đó xảy ra, hãy hít thở nhẹ nhàng và đến nơi nào đó để hạ nhiệt.

8. Lười tập thể dục

Việc bỏ lỡ một buổi tập thể dục không có gì đáng lo ngại, nhưng nếu bạn thường xuyên không vận động có thể khiến tâm trạng bị rối loạn. Theo một phân tích tổng hợp được công bố trên Cochrane Systematic Review, hoạt động thể chất giúp tăng cường sức khỏe tâm thần theo nhiều cách khác nhaubao gồm cả khả năng ngăn ngừa các triệu chứng trầm cảm và lo lắng.

Thêm vào đó, endorphin mà não tiết ra khi bạn tập thể dục sẽ giúp ngăn chặn 7 dấu hiệu của chứng rối loạn lo âu.

9. Dành quá nhiều thời gian ở một mình

Dành thời gian một mình để làm điều bạn thích là một việc tốt; tuy nhiên hãy đảm bảo rằng bạn cũng có thể tận hưởng thời gian bên những người thân yêu. Tiến sĩ Salcedo nói: ''Tôi luôn nói rằng lo lắng thích lấp đầy một căn phòng trống. Nếu bạn không có chỗ trống, sự lo lắng của bạn không có không gian để phát triển. Khi ở một mình có thể khiến bạn cảm thấy bất an, hãy loại bỏ bằng cách lên kế hoạch gặp gỡ bạn bè.''

10. Ở trong nhà quá lâu

Ngay cả khi bạn không phải là người thích hoạt động ngoài trời, thỉnh thoảng bạn cũng nên ra ngoài để tận hưởng một chút không khí trong lành. Trên thực tế, một thí nghiệm năm 2019 được công bố trên tạp chí Scientific Reports cho thấy người dành thời gian ở ngoài cùng thiên nhiên có thể tăng cường năng lượng thể chất và tinh thần lên tới 40%.

Ngoài ra, ánh sáng mặt trời cung cấp cho chúng ta vitamin D, một số nghiên cứu cho thấy có tác dụng bảo vệ chống lại bệnh trầm cảm.

Thu Vân (theo Thehealthy
)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI