Vĩnh biệt nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm

20/04/2021 - 20:28

PNO - Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm vừa đột ngột ra đi vào chiều tối ngày 20/4, tại nhà riêng (Hà Nội).

Chiều tối ngày 20/4, nhà thơ Trần Hữu Việt đăng tải bức ảnh được cho là cuối cùng của nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm và chia sẻ trên trang cá nhân: "Đây có lẽ là bức ảnh cuối cùng của người anh yêu quý. Bất ngờ và đột ngột quá! Thêm một nhà thơ lớn về tài năng và tuyệt vời về nhân cách đã nằm xuống...".

Trên Facebook nhà thơ Trần Đăng Khoa ngay sau đó cũng đăng tải thông tin: "Theo nguồn tin đáng tin cậy, chiều nay nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm có chương trình ở Đài Tiếng nói Việt Nam. Nhưng đến giờ lên sóng không thấy anh. Phóng viên điện về nhà anh cũng không thấy hồi âm. Người thân phá cửa thì anh đã mất. Thời gian mất ước đoán từ 2-3 giờ chiều". 

Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm
Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm. Ảnh tư liệu.

Được biết nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm bị bệnh phổi. Sự ra đi đột ngột của ông khiến giới cầm bút bàng hoàng, thương tiếc. "Đây là một tổn thất không gì bù đắp được. Xin chia buồn với gia đình nhà thơ và những người bạn yêu mến Hoàng Nhuận Cầm" - nhà thơ Trần Đăng Khoa viết.

Bạn đọc Phạm Quỳnh Loan chia thêm thông tin, mới hôm qua nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm còn tham gia buổi giao lưu trò chuyện tại Bắc Giang, với chủ đề Mỗi thanh niên một cuốn sách làm bạn. Ông cũng vừa trả lời phỏng vấn một số phóng viên báo đài tại Hà Nội. PGS.TS Văn Giá thảng thốt: "Sao lại thế được...". 

Hình ảnh bạn đọc Phạm Quỳnh Loan chia sẻ về buổi nói chuyện của nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm tại Bắc Giang.
Hình ảnh bạn đọc Phạm Quỳnh Loan chia sẻ về buổi nói chuyện của nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm tại Bắc Giang.

Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm sinh ngày 7/2/1952 tại Hà Nội. Thân phụ ông là nhạc sĩ Hoàng Giác. Năm 1971, ông nhập ngũ, từng chiến đấu trong Sư đoàn 325B ở mặt trận Quảng Trị. Năm 1975, ông trở về học tiếp tại Đại học Tổng hợp Hà Nội và làm việc tại Hãng phim truyện Việt Nam, sau đó sang làm việc tại Đài truyền hình Việt Nam. 

Các tác phẩm thơ của ông được thế hệ bạn đọc trẻ yêu thích một thời: Thơ tuổi hai mươi (in chung, 1974), Những câu thơ viết đợi mặt trời (1983), Xúc xắc mùa thu (1992, tác phẩm được trao Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 1993), Thơ với tuổi thơ (2004), Hò hẹn mãi cuối cùng em cũng đến (2007)...

Phim Mùi cỏ cháy, kịch bản Hoàng Nhuận Cầm
Phim Mùi cỏ cháy (2012), kịch bản Hoàng Nhuận Cầm

Ngoài ra, ông còn là tác giả của nhiều kịch bản phim: Đêm hội Long Trì (1989), Hà Nội mùa đông năm 46 (1997), Mùi cỏ cháy (2012)...

Tựa phim Mùi cỏ cháy được trích ý từ một câu thơ của ông (trong bài thơ Phương ấy): 

"Đêm trong suốt áp ngực vào phương ấy

Gặp lại mùi cỏ cháy suốt thời trai

Ngôi sao rơi trên kẽm gai dài

Cái vùng đất không tiếng gà cất gáy..."

Nhắc đến Hoàng Nhuận Cầm, nhiều người còn biết ông qua nhân vật bác sĩ Hoa Súng trong chương trình Gặp nhau cuối tuần của VTV và vai diễn nhà thơ trong phim Số đỏ (Hãng phim truyện Việt Nam, sản xuất năm 1990).

Lục Diệp

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI