Vì sao chưa có trường hợp vi phạm bảo hiểm nào bị khởi tố?

25/10/2020 - 07:25

PNO - Cho phép thực hiện kiến nghị khởi tố, có thể nói Bộ luật Hình sự sửa đổi năm 2017 đã tạo ra hành lang pháp lý mạnh mẽ cho cơ quan bảo hiểm xã hội (BHXH) trong việc xử lý các vi phạm liên quan đến BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN). Nhưng gần ba năm thực thi, việc xử lý của cơ quan điều tra đối với các trường hợp vi phạm dường như còn khá chậm.

73 trường hợp nợ bảo hiểm hơn 142 tỷ đồng

Theo Phòng Thanh tra - Kiểm tra, BHXH TPHCM, sau khi rà soát toàn bộ dữ liệu thực hiện phân cấp quản lý, tính từ đầu năm 2018 đến nay, Phòng Quản lý thu (BHXH thành phố) và BHXH các quận, huyện đã lập hồ sơ kiến nghị khởi tố chuyển cơ quan điều tra các cấp đối với 73 đơn vị.

Vào đầu năm 2018, ông Nam Sung Ho, Giám đốc Công ty TNHH Nam Phương (khu công nghiệp Tây Bắc, H.Củ Chi) “không xuất hiện” khiến công nhân đình công kéo dài - Ảnh: Lao Động
Vào đầu năm 2018, ông Nam Sung Ho, Giám đốc Công ty TNHH Nam Phương (khu công nghiệp Tây Bắc, huyện Củ Chi) “không xuất hiện” khiến công nhân đình công kéo dài - Ảnh: Lao Động

Hành vi chủ yếu của các đơn vị này là vi phạm điều 216 Bộ luật Hình sự sửa đổi năm 2017 quy định về tội danh trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN. Tổng số nợ bảo hiểm của 73 đơn vị là 142,6 tỷ đồng. Ngoài ra, còn có 12 đơn vị nằm trong “tầm ngắm” nhưng cơ quan bảo hiểm đã không lập hồ sơ kiến nghị khởi tố bởi bốn đơn vị không còn hoạt động tại địa chỉ đăng ký kinh doanh, tám đơn vị đã khắc phục nợ.

Doanh nghiệp đầu tiên tại TPHCM bị kiến nghị khởi tố là Công ty TNHH Nam Phương (khu công nghiệp Tây Bắc, huyện Củ Chi) chuyên sản xuất, kinh doanh hàng may mặc. Đây là đơn vị “cộm cán” trong việc chây ì đóng BHXH, BHYT, BHTN cho công nhân giai đoạn 2012-2015. Do thời điểm này chưa có các quy định cụ thể liên quan đến hành vi trốn đóng bảo hiểm cho người lao động, nên cả ba lần vi phạm, cơ quan BHXH chỉ có thể khởi kiện doanh nghiệp ra tòa. Sau đó, phải hết sức trầy trật cơ quan thi hành án mới vào cuộc, BHXH huyện Củ Chi mới truy thu được số nợ của công ty.

Đến năm 2016, Công ty TNHH Nam Phương lại vi phạm. Nhưng do không còn chức năng khởi kiện nên BHXH huyện Củ Chi đã kiến nghị Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội vào cuộc, ra quyết định xử phạt hành chính. Nhưng cả tiền nợ lẫn tiền phạt đều không thu được. Cũng trong năm này, Công ty TNHH Nam Phương là một trong 20 doanh nghiệp nợ bảo hiểm kéo dài, tiếp tục bị Thanh tra Chính phủ làm việc.

Đầu năm 2018, khi các hướng dẫn quy định pháp luật đã rõ ràng, cơ quan BHXH đã lập hồ sơ kiến nghị khởi tố đối với Công ty TNHH Nam Phương. Tại thời điểm hồ sơ chuyển cơ quan điều tra, số tiền nợ BHXH của công ty này đã lên đến 25,6 tỷ đồng. Nhưng sau đó, chủ doanh nghiệp người Hàn Quốc đã bỏ trốn.

Khá nổi cộm về chuyện nợ BHXH (hơn 11 tỷ đồng) là Công ty Địa ốc Hoàng Quân (quận Phú Nhuận). Tính đến nay, số lao động chưa được công ty này đóng bảo hiểm là 167 người. BHXH quận Phú Nhuận đã làm việc rất nhiều lần, BHXH thành phố đã thanh tra và xử lý vi phạm hành chính, nhưng đơn vị này cũng không khắc phục. “Chúng tôi đã mời lên làm việc và thông báo, do đơn vị không thực hiện kết luận thanh tra nên BHXH thành phố phải chuyển hồ sơ qua cơ quan cảnh sát điều tra, đề nghị khởi tố hình sự”, bà Nguyễn Thị Hằng - Phó phòng Thanh tra - Kiểm ra, BHXH TPHCM - cho biết.

Cơ quan điều tra nói đơn vị vi phạm đã khắc phục, nhưng thực tế thì chưa! 

Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong hồ sơ kiến nghị khởi tố của cơ quan BHXH gửi công an nêu thông tin pháp nhân, người đại diện pháp luật, hồ sơ diễn biến vi phạm của công ty để cơ quan điều tra nắm sơ lược quá trình tham gia BHXH, mức độ và số tiền vi phạm. Ngoài ra, còn có những chứng cứ thể hiện sai phạm bao gồm dữ liệu về thu BHXH, thể hiện rõ đơn vị vi phạm có bao nhiêu lao động, mức lương đóng, số tiền nợ. Các chứng cứ khác gồm hồ sơ thu thập được trong quá trình thanh tra…

Nhiều doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm cho người lao động nhưng vẫn chưa bị khởi tố(Ảnh minh họa)
Nhiều doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm cho người lao động nhưng vẫn chưa bị khởi tố (Ảnh minh họa)

Điều kiện để chuyển hồ sơ kiến nghị khởi tố theo điều 216 nêu trên còn được cụ thể hóa bằng Nghị quyết 05 của Hội đồng thẩm phán. Một trong các yếu tố cơ bản để cấu thành tội phạm trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN là đơn vị đã bị thanh tra, có xử lý vi phạm hành chính nhưng vẫn tiếp tục tái phạm, không khắc phục. “Chắc chắn các trường hợp chuyển cơ quan điều tra đều đã được thanh tra, bị xử phạt hành chính mà vẫn tái phạm. Điều kiện khác là có số tiền trốn đóng BHXH từ 50 triệu đồng trở lên, hoặc trốn đóng từ mười người trở lên, hoặc có tổng số tháng trốn đóng không cần liên tục trong sáu tháng theo luật định”, bà Hằng cho hay.

Thế nhưng, theo BHXH thành phố, dù hồ sơ kiến nghị khởi tố khá rõ ràng, bảo đảm đúng quy trình nhưng hiện mới chỉ có 38/73 hồ sơ được công an các quận, huyện phản hồi về tình hình vi phạm của các đơn vị. Đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa có đơn vị nào bị khởi tố hình sự. Quá trình điều tra có một thông báo kết quả điều tra cho cơ quan BHXH liên quan đến vi phạm của một đơn vị có vốn nhà nước, đó là Công ty cổ phần Nakyco (huyện Củ Chi).

Theo hồ sơ BHXH huyện chuyển cho cơ quan điều tra công an huyện vào tháng 1/2020, Công ty Nakyco nợ BHXH gần 1,7 tỷ đồng. Thông báo kết quả điều tra của công an cho hay đơn vị đã khắc phục nên không khởi tố. Nhưng khi chúng tôi kiểm tra lại thì thấy không thay đổi hay khắc phục gì nhiều cả. Liên quan đến trường hợp này, cơ quan BHXH đã ra văn bản kiến nghị cơ quan điều tra tiếp tục thụ lý hồ sơ bởi đơn vị chưa hoàn tất việc khắc phục” - bà Hằng nói.

Theo chúng tôi, ý thức tuân thủ pháp luật về BHXH của doanh nghiệp sẽ nâng lên rõ rệt nếu như việc xử lý vi phạm được thực thi nghiêm minh bởi cơ quan chức năng. Để bảo vệ quyền lợi cho người lao động, bảo đảm quỹ an sinh xã hội, cơ quan BHXH các cấp đã không ngừng tăng cường các biện pháp thu hồi nợ đọng, đồng thời tiến hành chuyển cơ quan công an kiến nghị khởi tố vụ án hình sự đối với những doanh nghiệp chây ì, cố tình không đóng bảo hiểm, không khắc phục việc đóng tiền nợ quỹ BHXH. Các chế tài mạnh nhất đã có, nhưng biện pháp răn đe cuối cùng - khởi tố vụ án - đối với các vi phạm mang dấu hiệu hình sự lại đang rất chậm chạp. 

Trong bảy tháng đầu năm 2020, về công tác thu, phát triển đối tượng tham gia, BHXH TPHCM đã phối hợp Ngân hàng Vietcombank vận động được 1.007 thân nhân người lao động tham gia BHXH tự nguyện. Cơ quan BHXH cũng phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp mã quản lý đơn vị tham gia đối với 3.373 doanh nghiệp mới thành lập. Tính lũy kế từ đầu năm là 18.257 đơn vị.

Qua rà soát dữ liệu thuế năm 2018, phát hiện 14.511 đơn vị không tồn tại địa chỉ, 643 đơn vị không hợp tác; số đơn vị còn phải xác định số lao động thuộc đối tượng tham gia là 715, gồm 510 đơn vị thuộc BHXH quận 1 và 205 đơn vị thuộc BHXH quận Tân Bình.

Theo dữ liệu hộ gia đình phải thực hiện rà soát, hiện số người chưa tham gia BHYT là 2.331.895 người. BHXH các quận, huyện đã tổ chức 175 hội nghị tuyên truyền chính sách BHXH tự nguyện và BHYT hộ gia đình, qua đó phát triển được 31.530 người tham gia BHYT và 5.737 người tham gia BHXH 
tự nguyện.

BHXH thành phố chủ động điện thoại đôn đốc, gửi email nhắc nộp và đối chiếu thu tại đơn vị. Trong tháng 7/2020 đã đối chiếu 1.714 đơn vị, lũy kế 3.660 đơn vị với số tiền nợ tại thời điểm này là 210 tỷ đồng. Số tiền đã khắc phục trong tháng là 181,6 tỷ đồng. Số lao động đề nghị truy đóng là 447 người, đã thực hiện báo tăng truy đóng 469 người với số tiền 8,7 tỷ đồng.

Cơ quan BHXH cũng đã gửi 50.069 thư nhắc nợ qua email cho các doanh nghiệp có số nợ từ hai tháng trở lên, các đơn vị đã khắc phục được số tiền 1.546 tỷ đồng (tỷ lệ 46,69%). Cơ quan đã mời làm việc và lập biên bản 224 doanh nghiệp có số nợ từ 3 - 12 tháng thuộc quận 3, quận 12 và quận Phú Nhuận. Các đơn vị đã khắc phục được 36 tỷ đồng (tỷ lệ 34,4%). Xác nhận giải quyết tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất đến ngày 31/7 cho 316 đơn vị với 29.517 lao động và số tiền tạm dừng đóng hơn 308 tỷ đồng.

Hiện số nợ BHXH, BHYT, BHTN, bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp tạm tính đến hết tháng Bảy là 4.204 tỷ đồng. Nếu trừ số tiền nợ dưới một tháng thì tổng số tiền nợ còn lại là 2.725 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 3,73%. Nếu trừ nợ khó thu 542 tỷ đồng thì số tiền nợ còn lại 2.183 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 2,99%, tăng 1,09% so với cùng kỳ năm 2019.

Quốc Ngọc - Hoài An

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI