Tuổi nào cho em… kết hôn?

11/11/2019 - 17:30

PNO - Có những người đã vài ba lần kết hôn, mà lần nào cũng cho rằng mình chọn nhầm người, mình không có lỗi, lỗi là của anh ấy.

Hồng lấy chồng năm mười chín tuổi, tới năm ba mươi ba tuổi, vợ chồng cô ly hôn. Mười bốn năm hôn nhân, vợ chồng Hồng trải qua quá nhiều mâu thuẫn. Chồng nói Hồng trẻ con, hậu đậu nhưng lại ưa cãi bướng; nói Hồng không biết làm dâu, không biết thu vén việc nhà, việc con cái, mà ghen thì… thôi rồi.

Chồng nói Hồng luộm thuộm, mới ngoài ba mươi mà như mẹ mướp, lại không biết kiếm tiền phụ chồng khi con không còn nhỏ nữa. Nói chung, chồng Hồng không hài lòng vợ rất nhiều điều. Mà phụ nữ, khi bị chê tơi tả thì tự ái rần rần.

Hồng cũng “tố” chồng bằng những từ nặng nề, chua chát: đàn ông gì mà tính toán, lo cho vợ con mà cũng tính thì quả là bủn xỉn; đàn ông gì cả đời chẳng biết tặng vợ chút quà, lại ưa bới lỗi. Vợ chồng phải chung tay chăm con, có đâu chỉ mỗi vợ lo con cái, còn chồng thì suốt ngày đi nhậu, đàn đúm.

Mười bốn năm về chung một nhà, vợ chồng Hồng đã cạn kiệt ngôn từ. Lời hay ý đẹp đã hết, những lời không hay cũng xài bất chấp, nên chia tay là để giải thoát cho nhau. 

Tuoi nao cho em… ket hon?
Ảnh minh hoạ

Nấu một bữa ăn đơn giản trong gia đình, đã khó với Hồng, đừng nói gì tới nấu một vài bàn đãi khách, bởi thời con gái cô hầu như không đặt chân vào bếp. Sinh con cách nhau 5 năm, vậy mà Hồng vẫn cứ vụng về khi chăm con mọn. Chuyện cư xử với gia đình nhà chồng, Hồng cũng phải mất mấy năm để được mẹ chồng thông cảm.

Hồng bảo, cô đã cố gắng học cách làm vợ, làm dâu, nhưng học tới một lúc nào đó thôi, chớ không lẽ học cả đời. Vợ chớ đâu phải con sen, người hầu đâu mà phải phục vụ sở thích người khác. 

Tôi nghĩ, điều quan trọng, học làm vợ đâu chỉ là học nấu ăn, học vén khéo, hay học cách chăm con, cách làm dâu, mà đôi khi, trong một số tình huống, còn phải học cách chấp nhận, chịu đựng. Học làm vợ, là học cách hiểu chồng, đặt vị trí của mình vào vị trí chồng, biết cảm thông, biết tiết chế cảm xúc, biết cách yêu chiều bản thân, biết làm sao để trở thành một người đàn bà thông minh và bao dung.

Theo lời chồng Hồng, suốt những năm làm vợ, Hồng vẫn là một người đàn bà ích kỷ, trẻ con. Còn Hồng thì cho rằng mình vẫn còn trẻ để gầy dựng một hạnh phúc mới, nhất là khi cô đã… lận lưng ít nhiều kinh nghiệm của cuộc hôn nhân trước.

Khác với Hồng, Mai lấy chồng năm hai mươi bảy tuổi, khi công việc đã ổn định, suy nghĩ cũng khá chín chắn. Thế nhưng, mười tám năm sau, cô vẫn quyết định ly hôn. Gia đình, bạn bè ai cũng bất ngờ, cứ tưởng tuổi bốn mươi lăm, con cái đã lớn, sự nghiệp ổn định, vợ chồng đã quá hiểu nhau, lại chẳng bao giờ thấy họ to tiếng, thì hôn nhân của họ sẽ rất bền vững. Dĩ nhiên, Mai cũng có lý do chính đáng của cô.

Tuoi nao cho em… ket hon?
Ảnh minh họa

Câu chuyện của Mai, của Hồng đã khá phổ biến trong đời sống của không ít gia đình, thậm chí vợ chồng đã có sui gia, vẫn đệ đơn ra tòa. Ly hôn, là khi hôn nhân không thể cứu vãn, không phân biệt quãng thời gian sống với nhau ngắn dài, nói theo cách… huề cả làng, là đã hết duyên. Kết hôn sớm cũng có thể ly hôn, kết hôn muộn cũng có thể ly hôn. Độ tuổi kết hôn không quyết định hạnh phúc hôn nhân, mà phụ thuộc vào nhận thức, lối sống, sự thấu hiểu.

Có những vụ ly hôn lãng xẹt. Người ta không thể ngờ cặp vợ chồng chỉ vì một chút tự ái về nhau, không chịu nhường nhịn, đã dắt nhau ra tòa. Cũng có cặp vợ chồng ly hôn chỉ vì… tiếng ngáy. Cái kết đắng khá vô lý và khó ngờ đó, được giải thích đơn giản, dễ hiểu, dễ cảm thông: hết duyên. 

Nếu “giới hạn của tình yêu là yêu không giới hạn”, thì hôn nhân lại có giới hạn, có tuổi hẳn hoi. Tình yêu có thể bất chấp mọi thứ, miễn để được yêu, được ở bên cạnh người mình yêu. Nhưng quyết định kết hôn mà chưa tìm hiểu kỹ đối phương, đến khi về chung sống thiếu nhường nhịn, yêu thương, thiếu cảm thông chia sẻ, thiếu kỹ năng làm vợ/chồng, thì ly hôn chỉ còn là vấn đề thời gian.

Có những người đã vài ba lần kết hôn, mà lần nào cũng cho rằng mình chọn nhầm người, mình không có lỗi, lỗi là của anh ấy. Độ tuổi kết hôn không quyết định hạnh phúc hôn nhân; không có con số cụ thể về một độ tuổi kết hôn viên mãn. Chỉ có thể trả lời rằng, hôn nhân bền vững là khi người trong cuộc biết cách vượt qua mọi thử thách, biết cất giấu cái tôi đúng lúc, biết tôn trọng và yêu thương nhau, biết “đội” gia đình lên đầu. 

Phi Khanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI