Tuân thủ điều trị giúp giảm tử vong do bệnh mạn tính

14/10/2021 - 06:22

PNO - Việt Nam đang đối mặt với gánh nặng bệnh tật kép do bệnh lây nhiễm và bệnh không lây nhiễm gây ra.

Bệnh không lây nhiễm - hay bệnh mạn tính là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở nước ta. Theo Bộ Y tế, trong 100 trường hợp tử vong, có tới 77 người tử vong do các bệnh không lây nhiễm, trong đó bệnh tim mạch chiếm 31%, ung thư 19%, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính 6%…

Ảnh hưởng của COVID-19

Trong hai năm qua, những bệnh không lây nhiễm đã làm cho các trường hợp mắc COVID-19 dễ chuyển nặng và tăng nguy cơ tử vong. Theo các chuyên gia y tế, một trong các yếu tố làm cho bệnh không lây nhiễm trở nặng là do bệnh nhân chưa tuân thủ đúng phác đồ điều trị và hướng dẫn của các y bác sĩ.

Trong những ngày cuối tháng 9/2021, Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận nhiều bệnh nhi mắc bệnh mạn tính cấp cứu trong tình trạng nguy kịch. Trong đó, có một bé trai tám tuổi (ngụ H.Chương Mỹ, TP.Hà Nội) được chuyển đến từ bệnh viện huyện trong tình trạng suy hô hấp phải thở máy, phù to toàn thân, bụng chướng, cao huyết áp, co giật toàn thân.

Các bác sĩ chẩn đoán trẻ bị suy hô hấp do tình trạng phù và giảm canxi máu, cao huyết áp. Đây là hệ quả do bảy tháng nay gia đình không cho con đi tái khám mà tự ý điều chỉnh thuốc cho trẻ uống. Hiện tại, trẻ đã cai được máy thở nhưng tình trạng hội chứng thận hư kháng thuốc trở nên xấu hơn.

Nhiều bệnh viện ở TPHCM, Đà Nẵng và các tỉnh, thành khác cũng tiếp nhận cấp cứu cho nhiều bệnh nhân nguy kịch vì trì hoãn đến bệnh viện điều trị. Bệnh viện Đà Nẵng cho biết, trong tháng 9/2021 đã điều trị cấp cứu cho cụ bà 75 tuổi có biểu hiện tức ngực. Trong quá trình điều trị, người bệnh diễn tiến ngưng thở và ngưng tim. Khai thác tiền sử bệnh cho thấy bà mắc bệnh cao huyết áp, nhồi máu cơ tim, bệnh lý mạch vành nhưng vì dịch kéo dài nên bà ngại tới bệnh viện khám, lấy thuốc. 

Bên cạnh đó, người bệnh cao huyết áp hay đái tháo đường cũng hay quên uống thuốc điều trị khi họ mắc COVID-19. Một bác sĩ ở TPHCM tham vấn sức khỏe trên tổng đài 1022 chia sẻ, nhiều người bệnh đang mắc COVID-19 gọi đến cho biết họ quên uống thuốc điều trị bệnh nền vì tâm lý lúc đó đang lo lắng về bệnh COVID-19. Chính vì vậy, bệnh tình của những người này trở nặng hơn.
 

Các biến chứng của bệnh đái tháo đường - Ảnh: http://tytphuongbinhtridong.medinet.gov.vn
Các biến chứng của bệnh đái tháo đường - Ảnh: http://tytphuongbinhtridong.medinet.gov.vn

Tuân thủ điều trị, nâng cao sức khỏe

Theo nghiên cứu việc tuân thủ điều trị không dùng thuốc của người bệnh tăng huyết áp tại Khoa Tim mạch Phòng khám Đa khoa Hoàn Mỹ Sài Gòn đăng trên Tạp chí Y học Việt Nam cho thấy, bệnh nhân chủ yếu tuân thủ ở mức trung bình. Các bác sĩ thực hiện nghiên cứu khuyến cáo cần phải nâng cao kiến thức và nhận thức của người dân về việc thay đổi lối sống và giảm ăn mặn, vì đây là kiến thức phổ biến nhưng người dân chưa thay đổi về thái độ và hành vi. 

Còn theo Hội Hô hấp TPHCM, hen phế quản là bệnh lý hô hấp mạn tính, thường gặp ở mọi lứa tuổi. Tại Việt Nam, khoảng 3,9% dân số mắc hen. Theo nhóm nghiên cứu của Khoa Hô hấp tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TPHCM), vấn đề tuân thủ của bệnh nhân là một trong những trở ngại trong theo dõi và quản lý bệnh hen phế quản. Nhóm nghiên cứu thấy rằng có nhiều người chăm sóc bệnh nhi bị hen suyễn sử dụng thuốc xịt cắt cơn và ngừa cơn không đúng cách. Họ tự ý giảm liều, ngưng thuốc khi thấy bệnh có diễn tiến tốt hơn và do lo lắng về tác dụng phụ của thuốc. 

Ngoài ra, một bệnh mạn tính đáng lo ngại khác là đái tháo đường. Theo Hội Nội tiết và Đái tháo đường, mỗi ngày có ít nhất 80 trường hợp tử vong vì các biến chứng liên quan đến đái tháo đường. Để hạn chế tử vong vì các biến chứng, các bác sĩ khuyến cáo người bệnh cần tuân thủ chế độ về dinh dưỡng, hoạt động thể lực, dùng thuốc, kiểm soát đường huyết và khám định kỳ. Tuy nhiên, theo nghiên cứu về tuân thủ dùng thuốc và các yếu tố liên quan ở người mắc đái tháo đường loại 2 tại Phòng khám Đa khoa Nhân Nghĩa (thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương) năm 2020, chỉ có 10,8% trong 245 bệnh nhân khảo sát tuân thủ khuyến cáo. 

Bác sĩ chuyên khoa I Mại Trọng Trí, Khoa Nội tiết Bệnh viện Nhân dân 115, chia sẻ, có khoảng 10 - 30% bệnh nhân đái tháo đường tuân thủ điều trị kém. Nếu bệnh nhân đái tháo đường tuân thủ điều trị kém thì đường huyết sẽ tăng cao, hiệu quả điều trị thấp, dễ dẫn đến biến chứng nặng cấp tính như hôn mê tăng đường huyết hoặc hạ đường huyết nghiêm trọng. Về lâu dài dễ mắc biến chứng mạn tính và tăng nguy cơ tử vong. 

Trong điều trị bệnh lý mạn tính, bác sĩ cũng cần tranh thủ thời gian lắng nghe và chia sẻ với bệnh nhân. “Nhiều lúc bác sĩ chỉ cần lắng nghe thân nhân hoặc người bệnh tâm sự 5 phút là có thể hiểu được hoàn cảnh bệnh nhân giúp tăng hiệu quả điều trị”, bác sĩ Mai Trọng Trí nói. 

Ngoài ra, người bệnh và người chăm sóc cần được tư vấn để hiểu rõ được điều trị bệnh lý có lợi cho người bệnh. Người bệnh cũng nên chủ động hơn tham gia vào quá trình điều trị và làm theo hướng dẫn theo dõi bệnh tại nhà. Hiện tại, nhiều bác sĩ đã tăng tính tương tác với bệnh nhân qua Facebook, Zalo, Viber, các nền tảng hỗ trợ trực tuyến của bệnh viện…

Gia Nhi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI