Truyện ngắn - Ngón dài ngón ngắn

23/05/2022 - 15:37

PNO - Phòng bệnh chiều cuối tuần lặng ngắt. Bốn chiếc giường lúc nào cũng có người thì một người đã được đưa xuống nhà xác đêm qua, một người sáng nay phải trở lại phòng cấp cứu.

Ông già giường đối diện đã khỏe hơn, được con gái xin cho ra viện sớm để về nhà vui cuối tuần cùng đông đủ con cháu. Nói là khỏe chứ thực ra ai cũng hiểu con người đến giai đoạn bệnh này như cây nến chờ kiệt cùng sợi bấc, chẳng biết còn chống chọi được bao nhiêu ngày. 

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

***
Phòng bệnh lặng phắc. Bà Hoa nằm quay mặt vào vách tường, nơi có ô cửa sổ lúc nào cũng đóng chặt vì phòng gắn máy lạnh. Bà thèm được hít thở không khí ngoài ban công, nơi mấy con chim sẻ cứ sà xuống kiếm ăn. Đến tiếng hót của bọn sẻ nâu ấy giờ bà cũng không còn nhớ rõ nữa rồi. Ngày tháng đối với người nằm viện kỳ cựu như bà dường như vô nghĩa. Đến đêm và ngày cũng chỉ phân định nhờ bữa ăn, giấc thuốc và ánh nắng chiếu vào khung cửa kính. Phòng bệnh lúc nào cũng sáng trưng đèn điện. Bệnh nhân nơi này cũng quen với ánh sáng, tiếng ồn thăm nuôi hay tiếng xe chuyển người vào ra thường xuyên. Cái chết như nhe răng tươi cười ghẹo đùa những khuôn mặt mệt mỏi, những tấm thân bất lực của những người cố níu lấy sự sống chưa chắc là vì bản thân. Như bà vậy. 

Giá như đấng quyền năng cho bà chết đi ngay lúc mới phát bệnh thì hay biết mấy. Bà không phải chịu đau đớn, bất lực về thể xác mà lúc đó nhà bà còn niềm vui, còn tiếng cười. Giá mà bà chết lúc ấy hẳn bọn nhỏ sốc và tiếc thương bà nhiều lắm. Nhưng khi nỗi đau ấy qua đi thì cuộc đời chúng thanh thản hơn, không vất vả khổ sở với bà như bây giờ.

Ngôi nhà đã không phải bán đi mà trả tiền thuốc men, bệnh viện. Chúng nó cũng không sứt mẻ tình cảm anh chị em ruột thịt. Biết đâu giờ này chúng lại quây quần mà khóc thương bà trong đám giỗ ấm cúng, trong ngôi nhà cha chúng tự tay xây và biết đâu, ngôi nhà có thể không còn nhưng mỗi đứa cũng có một số tiền kha khá khi chia nhau tiền bán căn nhà ấy. Điều bà đau đớn nhất, đau đến thắt ruột gan là hạnh phúc của chúng nó vì bà mà lỡ dở…

Bà Hoa khóc. Những giọt nước mắt cứ đổ xuống chiếc gối ố màu nước tẩy. Giá mà bà biết đau bệnh dai dẳng khổ thế này thì bà đã chẳng tham công tiếc việc, lầm lũi bán buôn sấp mặt và lờ đi những dấu hiệu sức khỏe. Cũng tại bà cầu toàn. Bà muốn con mình không thua kém ai. Dù chúng không còn cha thì người mẹ giỏi giang tháo vát như bà quyết không để chúng thua bạn kém bè mà tủi thân, mà dang dở việc học hành. Cũng tại bà tham dòng tiền vào ra sung túc mà quên đi thằng Út cần bà nhiều hơn các anh chị nó.

Bà lơ là, bà chủ quan rằng bà hy sinh vất vả, các con bà sẽ biết thương mẹ, biết chăm sóc bảo ban nhau. Thì đúng là chúng đều ngoan ngoãn hiền lành và yêu thương nhau đó thôi. Đứa lớn chăm đứa bé, anh chị bảo ban em thay cả cha lẫn mẹ. Bà đã từng hạnh phúc và tự hào với những người xung quanh biết bao. Chỉ duy nhất thằng con Út, cái thằng lành hiền, ít nói nhất nhà, luôn cun cút bám anh bám chị. Nó chưa từng to tiếng cãi lời ai trong nhà, đi về luôn ngoan ngoãn cúi đầu chào hàng xóm vậy mà theo bạn bè nghiện ngập lúc nào không hay rồi vướng vào tội lỗi. Đến khi bà hay biết thì cái thằng Út bà cưng hơn trứng mỏng ấy đã đổ đốn mất rồi.

Bà sụp hẳn khi chứng kiến nó bị công an còng tay dẫn đi. Đôi mắt nó dài dại, vô hồn vì cơn phê thuốc chưa tan, nhìn bà trơ trơ như mắt con cá chết ngâm lâu trong nước.

Giờ thì bà chẳng còn gì cả. Căn nhà bà ký giấy bán để phần trả nợ cho thằng Út, phần chi cho những cuộc lọc máu của chính bà chắc giờ cũng gần cạn sạch. Bà chỉ mong mình mau chết nhưng hình như sâu trong lòng, bà lại muốn phép màu nào đó cho bà sống lâu hơn một chút. Bà muốn khỏe mạnh để nhìn thấy đám con bà vui vẻ với nhau như ngày xưa, bà muốn nhìn thằng Út quay về làm người lương thiện; thằng lớn không ủ ê, đăm chiêu buồn bã; con Hai không lén quay đi lau mắt rồi cười giả lả; con Ba không cau có gắt gỏng, trách móc cuộc đời một cách vô lý.

Bà sợ cả những điều ân hận có thể có trong lòng chúng đối với đứa em Út hư hỏng gieo họa. Bà hiểu chúng. Bà không trách chúng điều gì bởi bà hiểu nỗi khó khăn của từng đứa khi bà bị căn bệnh ăn thịt từ từ. Bà chỉ trách mình đã trở thành gánh nặng cho các con.

Thằng Cả hồi hôn người ta bởi tự ái gia đình người yêu nó chê thì ít, bởi gánh nặng với mẹ và em phần nhiều. Con Hai cũng chia tay người yêu với lý do phải lo gia đình không thể theo chồng làm dâu xa xứ. Con Ba phải bỏ giấc mơ làm nhà tạo mẫu mà vào học sư phạm bởi gia đình đã mất khả năng kinh tế. Giờ gánh nặng cho chúng nó ngoài bà, còn thêm thằng em tù tội giữa đám đầu gấu lưu manh trong tù khiến chúng cứ nơm nớp lo.

Trời đã tối thẫm ngoài khung cửa kính. Tiếng lóc xóc của xe đẩy tiêm thuốc lăn đến cửa phòng và giọng nói thanh thanh của cô bé điều dưỡng sắp cất lên câu chào quen thuộc. Bà Hoa đưa cánh tay ê điếng, tím loang do những vết châm ven chồng chất lên quệt nước mắt. Bà không muốn ai nhìn thấy bà khóc. Một tiếng kêu đau bà cũng chưa từng thốt nếu bà còn tỉnh táo.

Y bác sĩ ở đây ai cũng biết và khen bà gan lì kỳ lạ. Họ khen bà với mấy đứa chúng nó. Ừ, thà như thế còn hơn để chúng thấy bà đau đớn ủy mị. Bà đã quen giấu nỗi sợ đằng sau những câu gắt nhẹ. Nỗi sợ từ cái đau buốt của những chiếc kim đến sự trống hẫng toàn tấm thân lạnh run khi máu rút ra chạy ngoằn ngoèo trong những sợi dây lằng nhằng nối với cái máy rì rì cạnh giường. Nỗi sợ đến ám ảnh không dám nhìn vào cái vòng quay giữa trung tâm cái máy, liên tưởng đến cái đĩa hát có thể ngưng như khi mất điện. Sự sống, trái tim, cơ thể, nhiệt độ… của bà phụ thuộc vào cỗ máy ấy, ngày càng phụ thuộc nhiều hơn bởi hai quả thận giờ chỉ sinh thêm chất độc. Giấu đi nỗi sợ thật khó khăn và đau đớn. Đó có lẽ là điều duy nhất bà làm được cho các con lúc này. 
***

Người anh đẩy hộp cơm về phía cô gái nhỏ. Con bé má đỏ hồng vì nắng, trán lấm tấm mồ hôi đưa muỗng xúc ăn ngấu nghiến. Vừa nhai nó vừa lúng búng khoe với anh chị về công việc làm thêm ở tiệm sách nó vừa nhận được. Con bé nghẹn vì nuốt vội, nhận chai nước từ tay cô chị dốc ngụm lớn vào cái miệng còn đầy cơm. Người chị đưa tay vuốt đám tóc mai đang xòa quấn ngang cái đầu mũi hếch lấm tấm mồ hôi của nó, nhẹ nhàng:

- Em có việc rồi thì đừng cáu gắt trước mặt mẹ nữa nha! Anh chị biết em muốn phụ giúp nên tâm lý em nôn nóng khi bất lực. Em quyết định vào sư phạm đã là thiệt thòi cho em, phải bỏ mơ ước từ bé rồi. Từ từ khi nào khá hơn em có thể học thêm ngành đó sau. Em nói năng vô ý trước mặt mẹ để mẹ buồn là tội lắm nghe chưa. Biết mẹ còn ở với mình được bao lâu…

- Em cũng không được bi quan như vậy - người anh cắt lời cô chị. Anh em mình test rồi nhưng thằng Út thì chưa. Mẹ vẫn còn hy vọng. Hôm qua, anh mới trao đổi với trại. Người ta bảo nó ổn lắm. Họ bảo, từ khi nó biết về bệnh tình của mẹ, nó như người khác hẳn. Nó chăm tập thể lực bằng cách làm việc chăm chỉ. Nó ngoan ngoãn cả với quản giáo lẫn bạn tù. Chuyện của nó cũng được các anh cán bộ trong đó thông cảm lắm. Chắc chắn nó sẽ ra tù đúng hạn thôi.

Người chị thở dài. Tiếng cô em cũng chùng xuống: 
- Cầu trời phù hộ cho mẹ. Cả đời mẹ đã vất vả, khổ sở vì anh em mình rồi. Em giận thằng Út lắm. Vậy nhưng nếu mẹ qua được lần này, em sẽ tha cho nó. Chắc nó cũng tỉnh ra, thấy hậu quả nó gây ra như thế nào rồi.

- Chuyện đó không bàn nữa. Chỉ cần anh em mình còn mẹ thì mọi chuyện sẽ tốt đẹp thôi. Hai đứa thay phiên nhau tuần này chăm mẹ ban ngày để ca đêm anh trông cho. Bọn em cần ngủ đêm đủ giấc mà giữ lại chút nhan sắc chống ế nghe chưa.

- Anh mới cần ngủ nhiều hơn. Để tuần này em ngủ trông mẹ. Tuần này cơ quan em vãn việc rồi. Anh về nhà trọ để xung quanh họ thấy phòng mình có bóng đàn ông, cho con nhóc này bớt sợ. Nhớ nấu ăn đàng hoàng cho anh nghe chưa em!

- Em kệ! Anh Cả nấu mì ngon nhất quả đất. Anh nấu mì cho em nhé! Lâu lắm em chưa được ăn mì gói nấu rau muống chẻ với trứng lòng đào. Cả cơm rang tép của anh nữa. Cả bánh mì chiên tỏi…

- Nổi mụn thì ế dài dài đừng có bắt đền anh!

Tiếng cười bật lên nho nhỏ giữa hành lang vắng. Ba khuôn mặt trẻ trung nhưng nhuốm sự mệt mỏi như bừng sáng khi ánh mắt anh em họ nhìn nhau trìu mến. Người bác sĩ trực đêm cúi xuống tập hồ sơ mỉm cười. Ông nhớ tới việc cả người anh và cô chị từng đến nhờ ông tư vấn phòng trường hợp cậu con Út cũng không đủ tiêu chuẩn hiến thận cho bà mẹ, giống như họ. Ông hiểu lòng họ giờ như lửa đốt, kiệt quệ cả tài chính lẫn hy vọng mong manh khi mẹ họ còn xếp sau danh sách chờ hiến dài dằng dặc. Vậy nhưng, sự lì lợm kiên cường giấu sau vẻ bình thản khiến mẹ con họ giống hệt những chiến binh. 
***

Bà Hoa thấy mình đang trôi bồng bềnh. Đầu óc bà lơ mơ mộng mị. Những âm thanh như từ xa dội gần đến, lao xao rồi lớn rõ dần. Rồi bà nhận ra cơ thể bà rất khác. Có thứ gì đó ấm áp, nhẹ nhàng như luồn vào tay chân bà khiến chúng nhẹ bỗng chứ không lạnh và nặng trìu trĩu như mọi khi. Có sự nhói đau nơi ổ bụng và phần lưng phía sau mỗi khi bà thở mạnh. Và cơn đói. Thật kỳ lạ. Cảm giác đói lạ lẫm trong dạ dày dội lên khiến bà sửng sốt. Đã bao lâu bà không còn cảm giác này rồi nhỉ? Bà không biết nữa, chỉ biết cái cảm giác bụng rỗng và thèm ăn này khiến bà thấy mình còn sống.

Tiếng lao xao của nhiều người quanh bà. Bà Hoa cố mở mắt. Đôi mi mắt dính chặt vào nhau như có keo dán chúng lại. Ánh sáng mạnh quá khiến bà hấp háy mi mắt cho đỡ chói. Những bóng áo xanh quây quanh bà. Khuôn mặt người bác sĩ đang mỉm cười gật gật đầu. Khuôn mặt của những đứa con bà trong mũ trùm tóc phía trên những chiếc áo y tế xanh.

Rồi bà nghe tiếng khóc. Tiếng xịt mũi rõ to của con bé em kèm tiếng gọi mẹ ơi mếu máo. Tiếng con chị nó thì thào nhắc em không được gây ồn. Khuôn mặt điềm tĩnh của đứa con Cả đang đẫm nước mắt và nụ cười ngoác tận tai của nó nom thật kỳ lạ. Rồi bà nghe tiếng nức nở. Tiếng khóc nghèn nghẹn rồi vỡ òa cùng cảm giác một bàn tay bíu chặt vào cánh tay bà.

Thằng Út.

Giờ bà nhận ra cái đầu thằng con trai Út đang dụi bên cạnh vai bà. Chắc nó quỳ dưới sàn nhà mà ôm lấy bà nãy giờ. Bà quay nghiêng mặt nhìn vào mặt nó. Đôi má phúng phính trước đây đã hóp thỏn lại, xanh xao. Bà thấy cay cay nơi mũi khi nó đưa ống tay áo bệnh viện lên chùi mắt. Thằng bé con tí xíu còn bú ngửa đã mất đi hơi cha từ đó giờ hình như đã trưởng thành. 

Người bác sĩ già gật gù hài lòng khi kiểm tra lần cuối các chỉ số của bà. Ông mỉm cười giơ lên một bàn tay, hỏi:
- Chị còn nhớ trước khi gây mê phẫu thuật, chị nói với tôi về thứ này không? Giờ tôi có thể an tâm chúc mừng chị.

Vị bác sĩ bước đi. Bốn khuôn mặt của các con bà quây quanh giường mẹ đang rạng dần lên nụ cười hạnh phúc. Bà Hoa cũng mỉm cười khi nhớ đến khoảnh khắc trước ca mổ. Vị bác sĩ già rủ rỉ hỏi chuyện để bà quên đi nỗi sợ. Bà đã nói về thứ quý giá nhất đời bà là các con. Anh em chúng nó như những ngón tay trên một bàn tay. Có đứa mới niên thiếu đã trưởng thành còn có đứa mãi non nớt, ngây thơ. Như bàn tay có ngón dài, ngón ngắn, chúng chỉ mạnh nhất khi tương hỗ lẫn nhau. 

Bàn tay bà ấm hơi tay các con đang nắm chặt. Bà mỉm cười khi chợt nghĩ gia đình bà khác nào một bàn tay.

Nguyễn Thu Hà

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI