Trung Quốc lo nguy cơ bị “cô lập” sau đại dịch

12/05/2020 - 10:00

PNO - Ông Long Vĩnh Đồ - quan chức từng dẫn đầu các cuộc đàm phán Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) - hôm 11/5 cảnh báo Trung Quốc đối diện với nguy cơ bị “cô lập địa chính trị” sau đại dịch viêm đường hô hấp cấp.

Ông Long Vĩnh Đồ, quan chức dẫn đầu các cuộc đàm phán Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) hôm 11/5 cảnh báo Trung Quốc phải cảnh giác chống lại nguy cơ bị cô lập - Ảnh: AFP
Ông Long Vĩnh Đồ hôm 11/5 cảnh báo Trung Quốc có nguy cơ bị cô lập - Ảnh: AFP

Theo báo Bưu Điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), ý kiến của ông Long góp thêm vào “điệp khúc cảnh tỉnh” của các cựu quan chức về vị thế mới đầy nguy hiểm của Trung Quốc trong thế giới thương mại hậu COVID-19 mà một số chuyên gia gọi là nguy cơ “bài Trung Quốc”.

Theo ông Long, khi ngày càng nhiều quốc gia trên thế giới lên tiếng chỉ trích cách thức Trung Quốc xử lý COVID-19, người ta có cơ sở để lo lắng về nguy cơ ngày càng lớn là liệu Washington và các đồng minh có cố gắng loại trừ Bắc Kinh ra khỏi trật tự kinh tế quốc tế mới hay không.

Một quá trình như vậy sẽ đặt ra thách thức kinh tế và ngoại giao kéo dài đối với Trung Quốc trong những năm tới, bất chấp việc Bắc Kinh tuyên bố chiến thắng virus SARS-CoV-2 trên quy mô toàn quốc.

Cựu Thứ trưởng Ngoại thương Trung Quốc Long Vĩnh Đồ nói: “Trung Quốc cũng là một thành viên quan trọng trong toàn cầu hóa, vì vậy khi ai đó bắt đầu nói về phi toàn cầu hóa, cũng chính là nói về bài Trung, đó là điều Trung Quốc cần phải cảnh giác”.

Ông cho biết, sau đại dịch sẽ có những thay đổi đáng kể trong chuỗi thương mại, đầu tư và công nghiệp quốc tế. Dịch bệnh gây thiệt hại lớn cho toàn cầu hóa, nên các công ty Trung Quốc cần tăng tốc độ mở rộng ra quốc tế.

Ý kiến của ông Long được đưa ra tại một diễn đàn trực tuyến do trang mạng ifeng.com, Học viện Tài chính Tiên tiến Thượng Hải và Trường Phát triển Quốc gia thuộc Đại học Bắc Kinh đồng tổ chức.

Sự lan rộng của đại dịch COVID-19 đã phá vỡ nghiêm trọng chuỗi cung ứng toàn cầu, phơi bày sự phụ thuộc của các quốc gia khác vào Trung Quốc đối với các sản phẩm quan trọng và gây ra mối lo về cuộc tháo chạy nhanh hơn của các công ty nước ngoài khỏi Trung Quốc, một xu hướng đang diễn ra trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung bắt đầu vào năm 2018.

Tại diễn đàn trực tuyến, Giám đốc Viện tài chính và phát triển quốc gia của Viện Khoa học xã hội Trung Quốc Li Yang lặp lại nhận xét của ông Long khi nói rằng: “Chúng ta có mọi lý do để nói rằng một liên minh quốc tế đang hình thành không bao gồm Trung Quốc và đồng nhân dân tệ”.

Các học giả lưu ý, ngoài áp lực kinh tế, Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Úc và các quốc gia khác đã gây ra “căng thẳng địa chính trị đối với Trung Quốc” khi kêu gọi tiến hành một cuộc điều tra độc lập để xác định nguồn gốc virus gây dịch COVID-19. Ngoài ra, còn xuất hiện những tiếng nói yêu cầu Trung Quốc xin lỗi và trả tiền bồi thường.

Trước tình hình trên, chính phủ Trung Quốc kêu gọi nước này cần chuẩn bị cho những thay đổi bền vững và lâu dài trong môi trường quốc tế. Các chuyên gia kỳ vọng các mối quan hệ quốc tế của Bắc Kinh, đặc biệt là chính sách liên quan đến Mỹ, sẽ là một chủ đề quan trọng trong cuộc họp Quốc hội bắt đầu từ ngày 22/5.

Hoàng Diệu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI