Trộn vắc xin, giải pháp mở ra hy vọng mới chống lại dịch bệnh

30/06/2021 - 11:26

PNO - Khi đại dịch vẫn còn đang hoành hành và nhiều nước khan hiếm vắc xin thì phương án trộn vắc xin đã được triển khai sau thời gian dài nghiên cứu.

Kết quả bất ngờ

Việc trộn vắc xin thật ra không phải là ý tưởng mới. Các nhà nghiên cứu về HIV từ lâu đã khám phá ra điều này và việc trộn vắc xin đã từng được các nhà khoa học thử nghiệm với vắc xin Ebola. Nhưng với COVID-19, sau thời gian thử nghiệm, nhiều nhà khoa học tin rằng việc tiêm hai loại vắc xin khác nhau sẽ tạo ra phản ứng miễn dịch mạnh hơn.

Vào tháng trước, nhóm nghiên cứu từ Tây Ban Nha thông báo những người được tiêm liều đầu tiên là vắc xin AstraZeneca, liều thứ hai Pfizer sẽ cho ra phản ứng miễn dịch mạnh mẽ so với hai liều AstraZeneca.

Thủ tướng Đức Angela Merkel đã tiêm mũi vắc-xin thứ hai là Moderna sau khi tiêm mũi đầu tiên là AstraZeneca
Thủ tướng Đức Angela Merkel đã tiêm mũi vắc xin thứ hai là Moderna sau khi tiêm mũi đầu tiên là AstraZeneca

Theo một nghiên cứu tại Đức, tiêm vắc xin AstraZeneca trước, sau đó là vắc xin Pfizer giúp tạo ra nhiều kháng thể và có khả năng chống lại các biến thể đáng lo ngại hiện nay...

Trong báo cáo ngày 29/6, các nhà nghiên cứu của Anh đã đưa ra so sánh lịch trình hỗn hợp của các mũi tiêm Pfizer và AstraZeneca, và phát hiện ra rằng trong bất kỳ sự kết hợp nào, theo thứ tự nào thì cả hai đều tạo ra lượng kháng thể miễn dịch cao.

Tiến sĩ Matthew Snape, chuyên gia về vắc xin của Đại học Oxford (Anh), cho biết ông và các đồng nghiệp bắt đầu thử nghiệm việc tiêm phối hợp từ tháng Hai. Trong đợt đầu của nghiên cứu, họ đã cho 830 tình nguyện viên sử dụng một trong bốn loại kết hợp vắc xin. Một số được tiêm hai liều Pfizer hoặc AstraZeneca, cả hai đều được chứng minh là có hiệu quả chống virus.

Nhóm phát hiện ra rằng, những người được tiêm hai liều Pfizer tạo ra lượng kháng thể cao hơn khoảng mười lần so với những người được tiêm hai liều AstraZeneca. Những người tiêm Pfizer trước, AstraZeneca sau cho thấy mức độ kháng thể cao gấp khoảng năm lần so với những người chỉ sử dụng hai liều AstraZeneca. Và những người tiêm AstraZeneca trước, Pfizer sau đạt mức kháng thể cao bằng những người được tiêm hai liều Pfizer. Theo tiến sĩ Snape, vẫn chưa rõ tại sao việc phối trộn vắc xin lại có lợi thế đó. 

Snape khẳng định, hiện tại các khuyến cáo tốt nhất vẫn là tiêm hai liều vắc xin giống nhau. Tuy nhiên, trước tình trạng khan hiếm vắc xin hoặc nguồn cung bị gián đoạn thì việc trộn vắc xin là giải pháp nên triển khai bởi những nghiên cứu đã cho thấy hiệu quả.

Giải pháp cho khan hiếm vắc xin

Sau thời gian nghiên cứu và tiếp nhận kết quả của các nhà khoa học, nhiều nước bắt đầu cho phép trộn và kết hợp vắc xin. Nước Anh đã làm việc này ngay trong những ngày đầu tiêm chủng đại trà. Đức, Canada, Thụy Điển, Pháp, Tây Ban Nha và Ý cũng cho phép những người đã tiêm AstraZeneca được tiêm một loại khác cho liều thứ hai. Từ ngày 19/5, Tây Ban Nha cho phép những người dưới 60 tuổi nước này đã được tiêm mũi AstraZeneca sẽ được tiêm liều thứ hai vắc xin AstraZeneca hoặc Pfizer.

Đầu tháng Sáu, Bahrain thông báo các công dân đủ điều kiện có thể nhận được một mũi tiêm nhắc lại của Pfizer hoặc Sinopharm, bất kể họ đã tiêm mũi nào ban đầu. Giữa tháng Sáu, Cơ quan Y tế của Ý cho biết những người dưới 60 tuổi được tiêm liều đầu tiên của AstraZeneca có thể nhận được mũi tiêm thứ hai từ loại vắc xin khác.

Ngày 17/6, Ủy ban Tư vấn quốc gia về tiêm chủng của Canada đã khuyến nghị những người nhận liều vắc xin đầu tiên của AstraZeneca sử dụng một loại vắc xin khác cho liều thứ hai.

Ngày 18/6, Hàn Quốc thông báo, khoảng 760.000 người đã được tiêm liều đầu tiên của AstraZeneca được tiêm mũi thứ hai của Pfizer do chương trình chia sẻ vắc xin toàn cầu COVAX bị chậm trễ.

Nhưng điều được cả thế giới chú ý là ngày 22/6, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã tiêm mũi vắc xin thứ hai là Moderna sau khi tiêm mũi đầu tiên là AstraZeneca. Trước đó, từ tháng Tư, Đức đã chính thức khuyến cáo người dân chọn sử dụng vắc xin Pfizer hoặc Moderna cho liều thứ hai sau khi tiêm AstraZeneca.

Với những kết quả nghiên cứu và nhiều nước tiên phong, việc trộn vắc xin được các nhà khoa học dự đoán là giải pháp cho tương lai để nhanh chóng đẩy lùi đại dịch, khi việc thiếu cũng như khan hiếm vắc xin trên thế giới vẫn là bài toán nan giải. 

Trọng Trí (theo Reuters, NY Times)

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI