AstraZeneca và sứ mệnh vắc xin cho toàn thế giới

28/06/2021 - 07:07

PNO - Vào tháng 1/2020, khi thế giới còn hoài nghi về đại dịch sắp xảy ra, một nhóm các nhà khoa học tại Đại học Oxford (Anh) đã bắt tay vào nghiên cứu một loại vắc xin để cứu hành tinh. Họ muốn nó có hiệu quả cao, rẻ và dễ sử dụng, ngay cả ở những nước nghèo nhất.

Những nhà nghiên cứu tại Đại học Oxford đã nhanh chóng thiết kế và đưa vào thử nghiệm loại vắc xin ngừa COVID-19, trước cả khi họ tìm thấy đối tác kinh doanh. Sau đó, công ty dược phẩm khổng lồ của Anh - Thụy Điển là AstraZeneca bắt đầu hợp tác, tham gia sản xuất, nộp hồ sơ xin phép trên khắp thế giới và hứa không kiếm lợi nhuận cho đến khi đại dịch kết thúc. Dù là cuộc chiến thuần khoa học, lý tưởng và lòng nhân ái, nhưng từ năm 2020 đến nay, vắc xin AstraZeneca vẫn hứng chịu những đả kích. “Tất nhiên, mọi vắc xin không hoàn hảo…”, giáo sư John Bell tại Oxford và cố vấn khoa học đời sống của Chính phủ Anh, nhận xét.

Một phụ nữ tại Đức được tiêm vắc-xin AstraZeneca vào tháng 3/2021 - Ảnh: AP
Một phụ nữ tại Đức được tiêm vắc xin AstraZeneca vào tháng 3/2021 - Ảnh: AP

Không phải chuyên gia

Tiến sĩ Penny Ward, giáo sư thỉnh giảng về dược phẩm tại Đại học King’s College London (Anh), cho biết: “AstraZeneca không thực sự được biết đến như một công ty chuyên về vắc xin”. Thực tế, AstraZeneca hầu như không có kinh nghiệm với các bệnh truyền nhiễm.

Vào thời điểm AstraZeneca tham gia, các nhà khoa học của Oxford đã thiết lập các thử nghiệm ban đầu. Điều đó nghĩa là nghiên cứu không được điều chỉnh phù hợp với yêu cầu của các cơ quan quản lý, theo cách mà những công ty dược phẩm lớn khác đã làm. Do đó, Oxford có cách tiếp cận cực kỳ thận trọng với những người lớn tuổi, và chủ yếu chọn những người dưới 60 tuổi để thử nghiệm sớm ở Anh.

Dù vậy, vẫn có một trục trặc trong việc sản xuất vắc xin cho các nghiên cứu. Một nhà thầu vô tình cung cấp một nửa liều lượng. Khi phát hiện ra điều này, các nhà nghiên cứu trao đổi với Cơ quan Quản lý thuốc và Sản phẩm chăm sóc sức khỏe Anh và tiếp tục thí nghiệm để xem điều gì sẽ xảy ra.

Kết quả đáng ngạc nhiên, những người tiêm nửa liều đầu và đủ liều thứ hai được bảo vệ nhiều hơn - lên đến 90% - so với mức 62% nếu tiêm đủ cả hai liều khuyến nghị. Nhưng các cơ quan quản lý như Cục Quản lý Thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) không thích sự tình cờ. Họ thích khả năng dự đoán và không có bất ngờ. Sự kỳ lạ của thông tin gieo rắc nghi ngờ cho FDA.

Sau tất cả, những lời giải thích của Oxford/AstraZeneca về hiệu quả vắc xin cũng có. Đến tháng 3/2021, AstraZeneca mới có thể yên tâm về quá trình thử nghiệm ở Mỹ. Kết quả thử nghiệm cho thấy vắc xin có hiệu quả 79% ngăn ngừa triệu chứng thông thường, và 100% ngăn chặn nguy cơ tử vong. 

Vắc xin cho các nước nghèo

Nhìn chung, hầu hết những người chỉ trích và bảo vệ vắc xin đều đồng ý với nhau về hai điều. Một là các nhà phát triển, nhà sản xuất và Chính phủ Anh cần phải chủ động hơn trong giải quyết khủng hoảng. Hai là thế giới, đặc biệt là những nước đang phát triển, cần loại vắc xin này.

Mặc dù hiệu quả tổng thể thấp hơn một chút so với vắc xin của Moderna và Pfizer nhưng vắc xin AstraZeneca có thể được bảo quản, vận chuyển và xử lý trong tủ lạnh thông thường, với thời hạn ít nhất sáu tháng, nghĩa là nó có thể dễ dàng tiếp cận mọi nơi trên thế giới. Với giá khoảng 4 USD/liều, sản phẩm rẻ hơn nhiều so với chi phí của những loại vắc xin khác, vốn vào khoảng 26 USD/liều.

Vắc xin AstraZeneca được chứng minh có hiệu quả 100% ngăn chặn bệnh chuyển biến nặng dẫn đến tử vong. Riêng đối với biến thể Delta, hai nghiên cứu gần đây cho thấy tiêm chủng đủ hai liều có hiệu quả 60% ngăn chặn các triệu chứng do virus SARS-CoV-2 gây ra và giảm 93% nguy cơ nhập viện.

Vào tháng 5/2021, Nitin Kapoor, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc AstraZeneca Việt Nam, cho biết, ưu tiên cao nhất của công ty là sản xuất vắc xin nhanh chóng, an toàn và số lượng lớn để giúp chấm dứt đại dịch.

Đến cuối tháng 5/2021, AstraZeneca đã cung cấp hơn 400 triệu liều thông qua các thỏa thuận thương mại hoặc cơ chế tiếp cận vắc xin toàn cầu COVAX - chiếm 97% tổng số liều được cung cấp theo cơ chế COVAX. Sáng kiến phân phối vắc xin công bằng COVAX được bắt đầu vào năm 2020 bởi Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Liên minh vắc xin GAVI và Liên minh Đổi mới chuẩn bị sẵn sàng dịch bệnh. 

Tính đến ngày 7/6, AstraZeneca là loại vắc xin được sử dụng phổ biến nhất trên thế giới, tại 170 quốc gia và vùng lãnh thổ, bỏ xa vị trí thứ hai là Pfizer với 99 quốc gia. 

 Linh La 
(theo Guardian, BBC, WSJ, GAVI)

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI