Trẻ có nguy cơ phỏng nặng từ cồn, dung dịch rửa tay…

03/11/2022 - 05:55

PNO - Sau dịch bệnh, trong nhà mỗi gia đình thường sẵn có cồn, các loại dung dịch sát khuẩn, rửa tay… để ở nơi thuận tiện để dễ sử dụng. Nhiều trẻ em vì vô tình xịt cồn, dung dịch vào lửa mà bị phỏng nặng.

Chị phỏng nặng vì em xịt nước rửa tay vào lửa 

Gần một tháng nay, bé gái T.T.M. (chín tuổi, ở tỉnh Long An) vẫn đang nằm điều trị tại Khoa Phỏng - Tạo hình, Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TPHCM). Mặc dù các bác sĩ đã cố gắng áp dụng các phương pháp tốt nhất để điều trị, nhưng tình trạng của bé M. vẫn chưa thể nói trước được.

Bé M. đang được điều trị tại phòng hồi sức phỏng Khoa Phỏng - Tạo hình Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP.HCM) - ẢNH: PHẠM AN
Bé M. đang được điều trị tại phòng hồi sức phỏng Khoa Phỏng - Tạo hình Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TPHCM) - ẢNH: PHẠM AN

Được biết, bé M. bị cảm nhiều ngày. Thay vì đưa bé đi bệnh viện thăm khám, gia đình đã đốt lửa cạnh giường của bé rồi hơ nóng tổ ong để điều trị bệnh cảm cho bé. Theo gia đình, việc hơ nóng tổ ong ngoài điều trị cảm còn có thể giúp bé không bị sốt siêu vi. Không may, khi người lớn đang hơ cho bé M. thì em gái của M. (ba tuổi) đến xem, rồi bất ngờ cầm chai rửa tay xịt vào lửa, khiến ngọn lửa bùng lên. Quá bất ngờ, cả nhà chỉ kịp kéo bé gái ba tuổi ra ngoài, cố gắng dập lửa cho M. nhưng toàn thân em đã bị bốc cháy. Hai chị em được đưa tới bệnh viện tỉnh rồi chuyển đến Bệnh viện Nhi Đồng 1 cấp cứu.

Theo bác sĩ điều trị, em gái của M. bị phỏng 10% vùng mặt, ngực với mức độ nhẹ, đã được ghép da vùng mặt. Hiện bé đã bình phục, xuất viện về nhà. Tuy nhiên khả năng bị để lại sẹo phỏng cao, về sau còn phải tiếp tục can thiệp xử lý sẹo cho bé.

Đau lòng hơn, bé M. vẫn chưa qua giai đoạn nguy hiểm bởi bé phỏng đến 85% cơ thể, phỏng sâu độ 3, sốc phỏng, suy hô hấp phải đặt nội khí quản. Tính đến nay, bé đã trải qua hơn sáu lần cắt lọc. Các bác sĩ đã sử dụng thuốc tốt nhất cho bé nhưng bé đang vào đợt sốc nhiễm trùng lần hai, sốc nhiễm khuẩn, nhiễm nấm kèm viêm phổi nặng.

Bác sĩ Diệp Quế Trinh - Trưởng khoa Phỏng - Tạo hình Bệnh viện Nhi Đồng 1 - cho biết: “Nếu vượt qua được giai đoạn này, bé vẫn còn đối diện với nhiều khó khăn khác, nhất là diện tích phỏng quá lớn, không còn da để ghép, nguy cơ nhiễm khuẩn lại tăng lên. Hiện tại, sức khỏe của bé vẫn còn tiên lượng rất xấu”.

Ở phòng bên cạnh, 10 ngày nay, các bác sĩ cũng đang cố gắng giành giật sự sống cho bé P.V.K. (năm tuổi, ở tỉnh Ninh Bình) nhưng bé vẫn trong giai đoạn nặng vì phỏng cồn. Theo đó, ngày 23/10, mẹ của K. quét và đốt rác sau nhà. Người mẹ đã cẩn thận chờ cho đống lửa tàn rồi mới vào bên trong. Lúc này, bé K. cầm chai cồn chạy chơi rồi phun xịt vào đống tro đang nóng âm ỉ. Sau vài lần phun xịt, ngọn lửa bùng cháy trở lại, bao trùm cả thân người bé. Nghe tiếng khóc của con, mẹ bé vội vàng hô hoán, nhờ người dập lửa rồi đưa bé vào bệnh viện.

Bé K. đã phỏng gần như cả người, toàn thân co rút, biến dạng, phỏng sâu độ 3, sốc phỏng… Tuy bé được hồi sức tích cực, chống sốc và thay băng thường xuyên nhưng cũng đang bị nhiễm trùng, hơi thở thoi thóp. Đợi đến giờ thăm con, mẹ của K. không kìm nổi nước mắt, chị chỉ có một mình bé K. nên rất cẩn thận trong chăm sóc con. Dù công việc bận rộn, con chạy chơi ở đâu chị cũng cố gắng nhìn theo quan sát. “Lần này, tôi vừa thấy con đến bên đống un đã lập tức chạy ra ôm con lại nhưng không kịp. Tôi cũng muốn dùng da mình để ghép cho con, bác sĩ nói chưa thể vì tình trạng con tôi rất xấu” - chị nghẹn ngào.

Nguy cơ lớn vì trẻ dễ tiếp xúc với cồn 

Bác sĩ Diệp Quế Trinh cho biết, gần đây trẻ bị phỏng trong sinh hoạt hằng ngày đang tăng lên, bao gồm phỏng nước sôi, lửa, xăng, dầu… Đáng báo động, phỏng cồn là một trong những nguyên nhân khiến trẻ phỏng nặng, sang thương rất sâu, diện tích phỏng gần như toàn cơ thể.

Theo bác sĩ Diệp Quế Trinh, mức độ nặng của phỏng cồn tương đương với phỏng xăng, nhưng trẻ dễ dàng tiếp cận với mối nguy hiểm này qua chai xịt rửa tay sát khuẩn. Đặc biệt, sau mùa dịch COVID-19, nhiều gia đình vẫn trữ nước rửa tay dạng bình lớn, dung tích 5 đến 10 lít.

“Duy trì thói quen rửa tay là việc nên làm để phòng bệnh. Tuy nhiên, trong nước rửa tay có thành phần cồn (chất dễ cháy). Vì vậy, với trẻ trên năm tuổi, phụ huynh hãy hướng dẫn con mình cách sử dụng chai xịt một cách an toàn như tránh lửa, không được uống… Còn trẻ nhỏ hơn, phụ huynh nên chủ động phun xịt cho con mình, đặt bình tránh xa tầm tay con bởi trẻ chưa ý thức được nguy hiểm. Nếu có thể, cha mẹ hãy thay dung dịch rửa tay bằng nước rửa tay dạng gel cho trẻ” - bác sĩ Diệp Quế Trinh nói thêm.

Thêm phần, dù dịch COVID-19 đã lắng xuống, nhưng người lớn có thói quen dự trữ cồn, điều này khá nguy hiểm. Ngoài ra, nhiều người lớn vẫn còn cho rằng cồn khi pha loãng khó bắt lửa đây là quan niệm rất sai lầm. Vì vậy, nếu có thể hãy mua một lượng vừa đủ, để nơi tránh xa nhà bếp, thiết bị điện đề phòng nguy cơ xảy ra cháy, nổ. Khi cần dùng, hãy chiết cồn ra chai xịt nhỏ bằng nhựa, để tránh xa tầm tay trẻ. 

Một khi tai nạn phỏng xảy ra, trẻ có thể đối mặt với nhiều nguy cơ, thậm chí tử vong bởi các biến chứng phỏng. Nếu may mắn qua khỏi, bệnh nhi cũng phải đối mặt với sẹo co rút, tự ti, mặc cảm, tương lai mờ mịt.
Nếu phát hiện trẻ bị phỏng, người lớn nên bình tĩnh, đánh giá tình trạng phỏng của trẻ tại thời điểm đó. Trẻ bị phỏng nhẹ, hãy an ủi, giúp trẻ không bị hoảng loạn, nhanh chóng rửa vết thương dưới vòi nước sạch trong khoảng 15-30 phút để làm mát nơi tổn thương, tránh phỏng sâu, đưa trẻ đến bệnh viện. Khi trẻ bị phỏng nặng, hãy lập tức đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất càng sớm càng tốt vì nguy cơ trẻ nhiễm trùng, phỏng đường hô hấp cao.

“Ngoài cồn rửa tay, tình trạng trẻ bị phỏng nước sôi, xăng, dầu cũng đáng lưu ý. Hiện tại, bệnh nhi bị phỏng do tai nạn sinh hoạt đang tăng lên. Vì vậy, ông bà, cha mẹ cần cẩn trọng với các tác nhân gây phỏng cho trẻ, nhất là trẻ từ dưới năm tuổi” - bác sĩ Diệp Quế Trinh khuyến cáo.

Phạm An 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI