Tranh giành thừa kế, hai bên đều thiệt

29/05/2013 - 17:01

PNO - PN - Người cha ấy bỏ rơi vợ và ba con gái để theo “vợ bé”, đến khi biết mình mắc bệnh nan y vô phương cứu chữa đã lập văn bản để lại một phần sản nghiệp cho con mong chuộc lại phần nào lỗi lầm. Khi người cha qua đời,...

Tranh gianh thua ke, hai ben deu thiet

Căn nhà và lò rượu của ông Thái Công Lành tại thị trấn Sa Rài, huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp (chụp ngày 21/5/2013)

Hòa giải bất thành

Chị Thái Thị Loan (ấp 1, thị trấn Sa Rài, huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp) trình bày: Cha chị là ông Thái Công Lành, SN 1965 và mẹ chị là bà Phạm Thị Điệp, SN 1966 cưới nhau năm 1980 (không đăng ký kết hôn). Hai người có ba người con, gia đình tuy không khá giả nhưng rất êm ấm. Rồi cha chị có quan hệ tình cảm với một phụ nữ tên Nguyễn Thị Tuyết Hồng (tên thường gọi là Đặng, lớn hơn ông Lành bảy tuổi) ngụ cùng xóm. Vì áp lực gia đình, ông Lành đã cùng bà Đặng bỏ xứ đến thị trấn Sa Rài, huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp để lập “bến mới”.

Năm 2007, bà Phạm Thị Điệp bị đột quỵ qua đời. Hai năm sau, ông Lành phát hiện mình bị viêm bàng quang, chạy chữa nhiều nơi nhưng không khỏi. Tháng 6/2011, căn bệnh di chứng thành ung thư. Biết mình không qua khỏi, nghĩ đến các con (ông Lành và bà Hồng sống chung nhưng không có con riêng), ông nhờ người gọi con gái út là chị Loan đến chăm sóc, đồng thời lập văn bản thỏa thuận phân chia tài sản chung có ký tên, điểm chỉ. Theo đó, ông để lại các tài sản gồm: một căn nhà có diện tích 60m2 mang tên ông, nơi ông Lành và bà Hồng đang sống, một máy phát điện, chiếc xe gắn máy, xe chở hàng, một lò nấu rượu, kèm 24 chỉ vàng (16 chỉ vàng 18k và tám chỉ 24k). Tất cả số tài sản này, sau khi ông chết, được chia đều cho bà Hồng và chị Thái Thị Loan, mỗi người 50%. Cùng thời gian này, bà Hồng có làm giấy tờ với nội dung sẽ tự nguyện giao hết sản nghiệp của ông Lành cho chị Loan. Thế nhưng, ngày 21/9/2011, ông Lành qua đời, bà Hồng đã không thực hiện cam kết.

Chị Loan đã giữ giấy tờ nhà, đồng thời gửi đơn ra UBND thị trấn Sa Rài nhờ can thiệp. UBND thị trấn Sa Rài đã tổ chức hai buổi hòa giải. Hội đồng hòa giải nhận định, văn bản thỏa thuận phân chia tài sản của ông Lành trước khi chết không hợp pháp, do chỉ có một mình ông đứng tên điểm chỉ, không có chứng thực, không có người làm chứng. Do vậy, trường hợp này sẽ được phân chia theo pháp luật. Theo đó, ngoài bà Hồng, chị Loan thì chị Thái Thị Chi, Thái Thị Phụng (con) và bà Lê Thị Kiểm, SN 1922 (mẹ ruột ông Lành) là những người đồng thừa kế khối tài sản do ông Lành để lại. Tuy nhiên, cả hai lần hòa giải, bà Hồng đều không đồng ý chia. Do đó, năm 2012, chị Loan đã gửi đơn lên TAND huyện Tân Hồng.

Tranh gianh thua ke, hai ben deu thiet

Mẹ và con gái ông Lành mệt mỏi sau thời gian dài tham gia kiện tụng

Cả hai đều thua!

Cuối năm 2012, TAND huyện Tân Hồng đã đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm. Tại tòa, khi đề cập đến khoản nợ của ông Lành và mình, bà Hồng trưng ra giấy nhận nợ gồm 30 triệu tiền vay trong lúc ông Lành nằm bệnh và 50 triệu đồng tiền vay trong quá trình nấu rượu để bán. Cả hai giấy nợ này chỉ có chữ ký bà Hồng và bên cho vay mà không có chữ ký của ông Lành. Ngoài ra, bà Hồng phủ nhận trong khối tài sản ông Lành để lại không có 24 chỉ vàng, trong văn bản định đoạt tài sản ông Lành để lại chỉ có mỗi mình ông ký tên điểm chỉ, bà không ký tên nên không đồng ý số vàng có trong văn bản.

Trong khi đó, chị Loan cho rằng, hai khoản nợ trên là “trên trời rơi xuống”, bởi trong văn bản định đoạt tài sản do cha để lại có ghi cha và bà Hồng chung sống không có nợ nần ai. Về số vàng, khi ông Lành bị bệnh về quê An Giang chữa trị có đeo một sợi dây chuyền và một chiếc nhẫn vàng, nhiều người nhìn thấy, nhưng khi ông mất thì không thấy nữa. Chị Loan còn đưa nhân chứng xác nhận việc lập giấy nợ khống giữa bà Hồng và các chủ nợ là sau khi cha chị qua đời.

Tuy nhiên, tòa sơ thẩm vẫn chấp nhận giấy nợ và loại số vàng trên ra khỏi khối tài sản. Vì vậy, tổng số tài sản được Hội đồng định giá bao gồm nhà, đất và các vật dụng nấu rượu… được quy ra tiền là hơn 112 triệu. Số tiền được chia 50% cho bà Hồng và 50% còn lại cho phía gia đình chị Loan, nhưng mỗi bên phải chịu 50% số tiền mà bà Hồng đã vay. Vì vậy, sau khi chia, trừ đi tiền nợ phải trả, tiền án phí, gia đình ông Lành, mỗi người chỉ còn hưởng giá trị thừa kế 3,4 triệu đồng (!?).

Ngày 21/5/2013, TAND tỉnh Đồng Tháp đã mở phiên phúc thẩm theo đơn kháng cáo của gia đình chị Loan. Gia đình chị không đồng ý với khoản nợ mà bà Hồng đưa ra vì khoản nợ không có chữ ký của ông Lành và bà Hồng cũng không phải là người được hưởng thừa kế vì không phải là vợ hợp pháp của ông Lành. Trước đó, tại phiên tòa sơ thẩm, Hội đồng xét xử cũng đã xác định, mối quan hệ giữa ông Lành và bà Hồng là trái pháp luật, dù bà Hồng đưa ra giấy đăng ký kết hôn giữa bà và ông Lành năm 2002. Lý do, ông Thái Công Lành và bà Phạm Thị Điệp đã chung sống với nhau như vợ chồng từ năm 1980 không có đăng ký kết hôn, thuộc trường hợp hôn nhân thực tế được pháp luật công nhận. Tuy nhiên, ngay đến phần thẩm tra lý lịch, mẹ ông Lành là bà Lê Thị Kiểm, 91 tuổi không còn minh mẫn, không nhớ họ và tuổi của mình, nên đại diện viện kiểm sát yêu cầu hoãn phiên tòa đến ngày 30/5 xét xử lại để bà Kiểm ủy quyền cho người đại diện mình tại tòa.

Tiếp xúc với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Tuyết Hồng cho rằng, bà cực chẳng đã mới theo đuổi vụ kiện. “Sống với ông Lành, tôi cũng chẳng sung sướng, hạnh phúc gì. Ban đầu, khi ông ấy dắt tôi bỏ xứ đi, cả hai đều trắng tay, phải ở nhờ ở đậu. Tích cóp mua được miếng đất, học nghề nấu rượu thì chỉ vài năm ông ấy phát bệnh. Tiền bạc tích lũy đều lo cho bệnh tình của ông ấy, hết tiền, phải mượn nợ. Thật tình nếu không có nợ, có căn nhà nào khác ngoài căn nhà đang ở thì tôi cũng giao tài sản cho các con ông ấy cho xong, giữ làm gì để phải khổ tâm, chạy tới chạy lui kiện tụng cho người đời dị nghị”.

Vụ kiện còn kéo dài, dù thắng hay thua thì bên nào cũng thiệt hại tiền của và công sức. Chị Thái Thị Loan chua xót: “Hai năm nay, gia đình tôi đã tốn gần 100 triệu gồm: tiền thuê mướn luật sư, tiền tạm ứng án phí, chi phí đi lại”. Tiền theo đuổi vụ kiện gần bằng số tiền Hội đồng định giá tiền thừa kế. Nếu nghĩ đến hương hồn người đã mất, giá như hai bên có thể cùng ngồi lại giải quyết bất đồng, thì đã không phải “vô phúc đáo tụng đình”.

 Cao Hoài An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI