Trái Đất ngày nay đạt điểm nóng nhất trong 12.000 năm và hơn thế nữa

30/01/2021 - 09:00

PNO - Nghiên cứu mới công bố trên tạp chí Nature tiết lộ rằng hành tinh xanh hiện đang đạt mức nóng nhất trong ít nhất là 12.000 năm, và rất có thể ấm hơn bất kỳ thời điểm nào trong 125.000 năm qua.

Nhiệt độ kỷ lục

Các nhà khoa học cho biết, phân tích nhiệt độ bề mặt đại dương cho thấy sự thay đổi khí hậu do con người gây ra đã đưa thế giới vào “vùng nhiệt mới”. Hành tinh thậm chí có thể ở mức ấm nhất trong 125.000 năm, mặc dù dữ liệu về khoảng thời gian đó ít chắc chắn hơn.

Nghiên cứu đạt được những kết luận này bằng cách giải một câu đố lâu đời về “nhiệt độ thế Holocen”. Các mô hình khí hậu chỉ ra sự ấm lên liên tục kể từ khi kỷ băng hà cuối cùng kết thúc cách đây 12.000 năm và thế Holocen bắt đầu.

Tuy nhiên, ước tính nhiệt độ từ vỏ hóa thạch cho thấy đỉnh điểm của sự ấm lên cách đây 6.000 năm và sau đó là sự nguội đi, cho đến khi cuộc cách mạng công nghiệp khiến lượng khí thải carbon tăng vọt.

Người đứng đầu cuộc nghiên cứu - Samantha Bova từ Đại học Rutgers - New Brunswick (Mỹ), cho biết: “Chúng tôi chứng minh rằng nhiệt độ trung bình hàng năm trên toàn cầu đã tăng trong 12.000 năm qua, trái ngược với các kết quả trước đây.

Điều này có nghĩa là thời kỳ ấm lên toàn cầu hiện đại do con người gây ra đang thúc đẩy sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu trong thời gian dài. Nó thay đổi nền nhiệt cơ sở và nhấn mạnh mức độ quan trọng của việc xem xét hoạt động của chúng ta một cách nghiêm túc".

Trước đây, một nghiên cứu dựa trên ít dữ liệu hơn được công bố vào năm 2017 cho rằng nhiệt độ toàn cầu đạt mức như ngày nay cách đây 115.000 năm.

Nhiệt độ Trái đất đang ấm dần lên, dẫn đến hiện tượng tan băng ở hai cực và các đỉnh núi tuyết, tạo nên sông băng như ảnh chụp tại vùng Alaska, Mỹ
Nhiệt độ Trái đất đang ấm dần lên, dẫn đến hiện tượng tan băng ở hai cực và các đỉnh núi tuyết, tạo nên sông băng như ảnh chụp tại vùng Alaska, Mỹ

Lịch sử từ chiếc vỏ ốc

Nghiên cứu mới đã kiểm tra các phép đo nhiệt độ bắt nguồn từ thành phần hóa học của các lớp vỏ ốc, sò nhỏ bé và các hợp chất tảo được tìm thấy trong lõi trầm tích đại dương, từ đó giải quyết vấn đề hóc búa về quá khứ bằng cách tính đến hai yếu tố.

Đầu tiên, các lớp vỏ và vật liệu hữu cơ được cho là đại diện cho cả năm nhưng trên thực tế rất có thể chúng chỉ hình thành vào mùa hè khi các sinh vật phát triển mạnh.

Thứ hai, có những chu kỳ tự nhiên có thể dự đoán được về sự nóng lên của Trái đất gây ra bởi sự lệch tâm trong quỹ đạo của hành tinh. Những thay đổi trong các chu kỳ này có thể dẫn đến mùa hè trở nên nóng hơn và mùa đông lạnh hơn trong khi nhiệt độ trung bình hàng năm chỉ thay đổi một chút.

Kết hợp những hiểu biết này cho thấy rằng quan điểm trước đây về quá trình nguội lạnh đến sau đỉnh ấm cách đây 6.000 năm - đúc kết từ dữ liệu vỏ ốc - là sai. Trên thực tế, các lớp vỏ chỉ ghi nhận sự giảm nhiệt độ vào mùa hè, nhưng nhiệt độ trung bình hàng năm vẫn tăng chậm, như các mô hình mới chỉ ra.

Giải thích lý do vì sao nghiên cứu chỉ tập trung vào nhiệt độ đại dương, tác giả Bova cho biết: “Nhiệt độ của bề mặt biển có tác động đến khí hậu của Trái đất. Vì vậy, nó là chỉ báo tốt nhất về những gì khí hậu toàn cầu đang thể hiện”.

Một nghiên cứu mới đây do chuyên gia Lijing Cheng - công tác tại Trung tâm Khoa học Khí hậu và Môi trường Quốc tế ở Bắc Kinh, Trung Quốc - dẫn đầu cho thấy vào năm 2020, các đại dương trên thế giới đạt mức nóng nhất chưa từng có từ những năm 1940. Trong đó, hơn 90% sản lượng nhiệt toàn cầu được hấp thụ bởi biển.

Cheng nhận định nghiên cứu mới đăng trên tạp chí Nature rất hữu ích và hấp dẫn. Nó cung cấp một phương pháp để hiệu chỉnh dữ liệu nhiệt độ từ vỏ sò và cũng có thể cho phép các nhà khoa học tìm ra lượng nhiệt mà đại dương đã hấp thụ trước cuộc cách mạng công nghiệp, một yếu tố ít được biết đến.

Theo số liệu, mức carbon dioxide ngày nay đang ở mức cao nhất trong khoảng 4 triệu năm và đang tăng với tốc độ nhanh nhất trong 66 triệu năm. Nhiệt độ và mực nước biển tăng hơn nữa là không thể tránh khỏi cho đến khi lượng phát thải khí nhà kính được cắt giảm xuống bằng không.

Linh La (theo Guardian, Mic)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI