Tiết kiệm thực phẩm chính là bảo vệ môi trường

19/12/2019 - 07:54

PNO - Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO), mỗi năm, một phần ba lượng thực phẩm sản xuất cho nhu cầu tiêu dùng của con người bị thất thoát hoặc lãng phí. Con số này tương đương 1,3 tỷ tấn.

Số thực phẩm bị lãng phí chịu trách nhiệm cho 8% lượng khí thải carbon toàn cầu khi xem xét tất cả yếu tố như nước, năng lượng và các tài nguyên khác trong khâu sản xuất, vận chuyển, chế biến và bán thực phẩm. Khi thực phẩm bị lãng phí, việc xử lý thực phẩm dư thừa tiếp tục ảnh hưởng đến hệ sinh thái của chúng ta. Đến năm 2030, lượng chất thải thực phẩm dự kiến sẽ tăng 60%, dẫn đến thiệt hại hơn 1.500 tỷ USD. Do đó, một trong các mục tiêu phát triển bền vững (SDG 12) của Liên Hiệp Quốc là giảm chất thải thực phẩm toàn cầu còn khoảng một nửa vào năm 2030.

Tiet kiem thuc pham chinh la bao ve  moi truong
Mỗi năm, thế giới thất thoát và vứt bỏ khoảng 1/3 tổng lượng thực phẩm làm ra

“Tuyên chiến” với lãng phí thực phẩm

Ở Seoul (Hàn Quốc), chính quyền tính phí chất thải thực phẩm theo trọng lượng đối với từng hộ gia đình. Tại các địa điểm tái chế, chúng được xử lý thành nhiên liệu sinh học hoặc chuyển thành phân bón cho những trang trại trong đô thị. Thành phố cũng có hơn 6.000 thùng rác tự động, nơi cư dân có thể cân chất thải thực phẩm và trả phí. Seoul hiện tái chế 95% chất thải thực phẩm, tăng mạnh so với mức dưới 2% vào năm 1995

Tại Mỹ, năm 2015, Seattle giới thiệu chương trình chống lãng phí, theo đó, việc vứt bỏ thực phẩm là bất hợp pháp. Chương trình bao gồm một chiến dịch giáo dục, tập trung giảm chất thải, mua sắm thông minh và làm phân bón. 

Trên khắp vùng Vịnh, trưng bày thực phẩm xa hoa được coi là văn hóa của sự hào phóng và hiếu khách, nhưng phần lớn món ăn đều kết thúc trong thùng rác. Tại Ả Rập Saudi, trung bình mỗi người dân nước này lãng phí tới 427kg thực phẩm mỗi năm. Vì vậy bây giờ, đĩa ăn tại quốc gia giàu có bậc nhất thế giới đang được thiết kế lại để làm cho một bữa ăn trông lớn hơn thay vì phải bày biện nhiều thực phẩm. Bộ phận thanh niên tại Ả Rập Saudi cũng đang từ bỏ nền văn hóa dư thừa để thúc đẩy sự tối giản và chế độ ăn không thịt.

Quyên góp thay vì vứt bỏ

Tại Pháp, luật pháp quốc gia yêu cầu các siêu thị lớn quyên góp thay vì vứt đi những thực phẩm vẫn có thể ăn được nhằm cung cấp cho các tổ chức từ thiện. Thành phố Milan, Ý trở thành nơi dẫn đầu toàn cầu trong phong trào giải cứu thực phẩm. 

Năm 2015, 15 tấn thực phẩm đã được trao cho những người vô gia cư chỉ trong vài tuần khi đầu bếp Massimo Bottura giúp tổ chức chiến dịch chống lãng phí. Từ đó, thành phố lập Hiệp ước Chính sách thực phẩm đô thị Milan làm chuẩn mực về xử lý chất thải thực phẩm quốc tế cho các thành phố, đồng thời kiến nghị chính quyền Ý thông qua luật chất thải thực phẩm. Theo các nhà tổ chức, Hiệp ước Chính sách thực phẩm đã được 207 thành phố khắp nơi trên thế giới ký kết, với khoảng 450 triệu dân.

Theo hãng tin Bloomberg, từ tháng 1 - 10/2018, các doanh nghiệp xử lý chất thải thực phẩm đã nhận được 125 triệu USD tài trợ từ vốn cổ phần tư nhân và đầu tư mạo hiểm, qua đó cho thấy, việc giải quyết lãng phí thực phẩm là một cơ hội kinh doanh, thay vì chỉ là vấn đề trách nhiệm xã hội. Từ đó, nhiều sản phẩm kỹ thuật tiên tiến ra đời giúp hạn chế việc loại thải thực phẩm, chẳng hạn như công nghệ làm chậm tốc độ hư hỏng thực phẩm bằng màng bọc ăn được, hay các giải pháp internet vạn vật (IoT) để theo dõi nhiệt độ phù hợp của container vận chuyển và phần mềm giúp người quản lý chuỗi cung ứng theo dõi độ tươi của thực phẩm, tránh hư hỏng.

Ngọc Hạ (theo NY Times, AFP, Supply Chain Game Changer)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI