TPHCM phát triển kinh tế biển theo hướng bền vững

31/03/2021 - 08:03

PNO - Ngày 30/3, UBND TPHCM và Ban Kinh tế Trung ương Đảng đồng chủ trì hội thảo “TPHCM - Tầm nhìn kinh tế biển kết nối chuỗi đô thị quốc tế”.

Ông Võ Văn Hoan - Phó chủ tịch UBND TPHCM - khẳng định phát triển về hướng biển là mong muốn của các thế hệ lãnh đạo và người dân thành phố. 

Theo ông Võ Văn Hoan, TPHCM được định hướng trở thành một trung tâm tài chính, dịch vụ thương mại tầm cỡ quốc tế cùng sự phát triển mạnh mẽ của các trung tâm mới ở phía đông và tây như TP. Vũng Tàu, hệ thống cảng Cái Mép - Thị Vải, các khu đô thị mới hiện đại và cảng hàng không quốc tế Long Thành (tỉnh Đồng Nai), cảng Hiệp Phước, hệ thống cao tốc ven biển, sự tăng tốc phát triển của Long An...

TPHCM tập trung phát triển đồng bộ và hiện đại hóa hệ thống kết cấu hạ tầng
TPHCM tập trung phát triển đồng bộ và hiện đại hóa hệ thống kết cấu hạ tầng

“Việc chuyển hóa không gian kinh tế biển vùng Cần Giờ theo định hướng bảo tồn giá trị môi trường sinh thái, nhân văn, phát huy hiệu quả và bền vững tiềm năng, động lực phát triển, liên kết vùng là bước đột phá của TPHCM trong hành trình vươn ra biển lớn, hội nhập, phát triển” - ông Võ Văn Hoan nói.

Tiến sĩ Nguyễn Đức Hiển - Phó trưởng ban Kinh tế Trung ương Đảng - cho hay cơ quan này đang chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu, xây dựng đề án “Đô thị hóa, phát triển đô thị và phát triển kinh tế đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” trình Bộ Chính trị ban hành nghị quyết trong quý III/2021.

Một trong những nội dung trọng tâm của đề án là đề xuất quan điểm, mô hình, mục tiêu, những chính sách lớn cho phát triển đô thị và kinh tế đô thị Việt Nam. Đặc biệt, đề án quan tâm đến xây dựng các chủ trương, chính sách phát triển các đô thị ven biển, nhất là các đô thị đóng vai trò cực tăng trưởng của cả nước như TPHCM. 

Trồng rừng ở Cần Giờ là một trong những hoạt động giới thiệu hệ thống rừng ngập mặn tại TPHCM với du khách quốc tế cũng như góp phần phủ xanh Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn và bảo vệ môi trường
Trồng rừng ở Cần Giờ là một trong những hoạt động giới thiệu hệ thống rừng ngập mặn tại TPHCM với du khách quốc tế cũng như góp phần phủ xanh Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn và bảo vệ môi trường

Trao đổi với phóng viên Báo Phụ Nữ TPHCM, ông Võ Văn Hoan cho rằng, phát triển kinh tế biển, kết nối đô thị biển là cần thiết, nhưng phải quan tâm đến tính bền vững thông qua việc kiểm soát và bảo vệ môi trường.

Theo ông Hoan, khi phát triển kinh tế biển, không được gây ra những tác động bất lợi cho môi trường; mọi khâu trong quá trình thực hiện các dự án đầu tư đối với kinh tế biển và đô thị biển đều phải được lập thẩm định và phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường; mọi hoạt động trong quá trình vận hành, phát triển kinh tế biển cũng như quản lý đô thị biển phải tuân thủ nghiêm ngặt những quy định về quản lý, bảo vệ môi trường. 

“Như vậy, quá trình từ ý tưởng cho đến nghiên cứu và triển khai thực hiện đều phải tuân thủ nguyên tắc điều gì có lợi và bảo đảm được môi trường thì làm, còn nếu chỉ có lợi về kinh tế mà bất lợi cho môi trường thì phải cân nhắc, thậm chí không làm” - ông khẳng định. 

Quốc Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI