Trưởng nhóm nghiên cứu vắc xin COVID-19 AstraZeneca Sarah Gilbert:

Tôi luôn muốn truyền cảm hứng nghiên cứu khoa học cho các cô gái trẻ

27/08/2021 - 17:19

PNO - Từ cuối năm ngoái, tiến sĩ Sarah Gilbert đã được cả thế giới biết đến với tư cách đứng đầu nhóm nghiên cứu vắc xin COVID-19 của “liên danh” Đại học Oxford - Hãng dược đa quốc gia AstraZeneca (Anh, Thụy Điển) trong nỗ lực toàn cầu tìm “vũ khí” hữu hiệu ngăn chặn đại dịch. Đến nay, bà cùng các cộng sự càng được kính trọng khi vắc xin do họ phát triển đang có giá rẻ nhất thế giới, được phân bổ đến hầu hết các quốc gia nghèo.

Tiến sĩ Sarah Gilbert và búp bê Barbie mô phỏng hình ảnh của bà
Tiến sĩ Sarah Gilbert và búp bê Barbie mô phỏng hình ảnh của bà

“Thần tốc” với virus, không chạy đua vì thành tích hay lợi nhuận

Kết quả thử nghiệm giai đoạn cuối của vắc xin AstraZeneca được công bố đạt hiệu quả 70% ngăn chặn virus SARS-CoV-2 giữa tháng 11/2020, đó cũng là lúc bà Gilbert bồi hồi về những thăng trầm trong sự nghiệp. Đã có lúc, nếu chiều theo bản năng, bà đã bỏ dở con đường khoa học. “Một số nhà khoa học vui vẻ với việc tìm hiểu về một chủ đề cả đời. Nhưng đó không phải là tính cách của tôi. Vì luôn trăn trở với các ý tưởng đến từ nhiều lĩnh vực khác nhau, có lúc tôi đã cân nhắc việc rời bỏ nghiên cứu khoa học để làm một điều gì đó khác biệt”, bà nói.

Sau khi lấy bằng tiến sĩ (TS), Gilbert làm việc tại một trung tâm nghiên cứu sản xuất men bia và chưa bao giờ có ý định trở thành chuyên gia vắc xin. Tuy nhiên, giữa những năm 1990, khi giảng dạy tại Đại học Oxford, bà bị thu hút bởi các nghiên cứu di truyền về sốt rét và hứng thú với vắc xin. Từ đây, TS Gilbert thăng tiến vượt bậc, trở thành giáo sư tại Viện Jenner danh tiếng của trường. Bà còn lập nhóm nghiên cứu riêng với nỗ lực tạo ra một loại vắc xin có thể chống lại tất cả chủng cúm khác nhau.

Đầu đại dịch năm 2020, nhóm của bà đã nhanh chóng nhận ra có thể áp dụng các thành tựu sẵn có của họ để phát triển vắc xin COVID-19 khi Trung Quốc công bố cấu trúc di truyền của SARS-CoV-2. Trong sự cấp bách sống còn của nhân loại, nhóm của bà Gilbert làm việc từ 4 giờ sáng đến tận khuya. Nhờ những nỗ lực “hỏa tốc” đó, lô vắc xin AstraZeneca đầu tiên đã được đưa vào sản xuất đầu tháng 4/2020 nhờ các chế độ kiểm nghiệm nghiêm ngặt được nới rộng.

“Ngay lúc khởi đầu, chúng tôi đã xem đây là một cuộc đua chống lại virus chứ không hề muốn đua thành tích với các nhà phát triển khác. Là các nhà khoa học, chúng tôi cũng không làm vì tiền”, bà Gilbert nói. Bà cùng nhóm nghiên cứu cũng kiên định lập trường này trước “liên danh” Oxford - AstraZeneca. Đó là tiền đề để “liên danh” này đưa ra cam kết vắc xin của họ sẽ là sản phẩm phi lợi nhuận trong suốt đại dịch. AstraZeneca hiện là vắc xin COVID-19 rẻ nhất thế giới với “giá gốc” chỉ 2,15 USD/liều theo hợp đồng ký với Liên minh châu Âu. Giá này cũng chỉ nhích lên hơn 5 USD/liều tại các khu vực khác.

AstraZeneca hiện là vắc xin COVID-19 rẻ nhất thế giới với “giá gốc” chỉ 2,15 USD/liều
AstraZeneca hiện là vắc xin COVID-19 rẻ nhất thế giới với “giá gốc” chỉ 2,15 USD/liều

AstraZeneca giá rẻ còn phụ thuộc nhiều yếu tố

Doanh thu từ vắc xin AstraZeneca đến nay đã đạt 1,2 tỷ USD trong nửa đầu năm nay. Công ty đã xuất xưởng 1 tỷ liều trên toàn cầu và đặt mục tiêu đến cuối năm nay đạt sản lượng 2 - 3 tỷ liều. Chính phủ Anh đang đàm phán với AstraZeneca đặt hàng một phiên bản vắc xin mới có thể “giải quyết dứt điểm” các biến thể của virus .

Phát biểu mới nhất trên tờ The Guardian, Pascal Soriot - CEO của hãng AstraZeneca - cho hay: “Vào một thời điểm nào đó trong tương lai” họ sẽ buộc phải tăng giá. “Chúng tôi không phải là một tổ chức phi lợi nhuận mãi mãi được, nhưng cam kết không bao giờ có ý định tạo siêu lợi nhuận từ vắc xin COVID-19”, Soriot nói và cho biết thêm AstraZeneca sẽ giữ “giá gốc” với các nước nghèo.

Tư tưởng của nhóm nghiên cứu Sarah Gilbert đã giúp AstraZeneca trở thành vắc xin phi lợi nhuận trong suốt đại dịch. Thế nhưng, chuyện “giá rẻ” của vắc xin này còn phụ thuộc nhiều yếu tố, điển hình là AstraZeneca sử dụng công nghệ véc-tơ vắc xin adenovirus của tinh tinh, nên chi phí sản xuất, bảo quản và vận chuyển ít tốn kém hơn các loại sử dụng công nghệ tân tiến mRNA như Pfizer hay Moderna. Trước đây, người ta cũng chưa bao giờ có nhu cầu về vắc xin mRNA nhưng giờ thì nhu cầu tăng rất cao, kèm theo đó là áp lực chi phí sản xuất, cung ứng cũng tăng rất cao. Trong khi chuỗi cung ứng vắc xin adenovirus đã hoạt động từ lâu nên có nhiều thuận lợi hơn trong việc giữ giá thành sản phẩm không tăng quá cao.

Một yếu tố khác, AstraZeneca nằm trong danh mục quan trọng của Liên minh Toàn cầu vắc xin và tiêm chủng COVAX nhằm cung cấp vắc xin cho các nước đang phát triển. COVAX thu mua vắc xin trên quy mô lớn, điều này cũng giúp giảm thêm chi phí cho các chính phủ và bệnh nhân.

Nhằm vinh danh việc cung cấp rộng rãi bản quyền nghiên cứu, sản xuất vắc xin AstraZeneca cho toàn cầu, đầu tháng 8/2021, hãng đồ chơi trứ danh Mattel (Mỹ) đã cho ra mắt bộ sưu tập búp bê Barbie “độc nhất vô nhị” mà một trong sáu mẫu này là mô phỏng hình ảnh TS Sarah Gilbert. Cầm mẫu búp bê Barbie mô phỏng hình ảnh vinh danh mình, bà Gilbert hy vọng sẽ truyền cảm hứng cho những cô gái trẻ khắp thế giới dấn thân cho khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học. “Tôi khát khao truyền say mê nghiên cứu khoa học cho trẻ em gái. Khi những đứa trẻ nhìn thấy búp bê Barbie Sarah Gilbert sẽ nhận ra khoa học giúp ích thế nào cho cuộc sống”, bà nói.

Freddie, một trong ba người con “tam sinh” của Gilbert, mô tả mẹ mình là người luôn quan tâm đến lợi ích tốt nhất cho con trẻ. Và đó là lý do cả ba chị em đều chọn học ngành hóa sinh tại các đại học. 

Nam Anh (theo BBC, The Guardian)

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI