“Tôi không phải là virus” - các nghị sĩ người Mỹ gốc Á bác bỏ sự cố chấp

19/03/2021 - 17:04

PNO - Các nhà lập pháp người Mỹ gốc Á hôm 18/3 mô tả sự phân biệt đối xử nghiêm trọng - bao gồm cả trải nghiệm cá nhân của một nữ nghị sĩ trong việc bị chính phủ ngược đãi - khi họ điều trần về thảm kịch phân biệt chủng tộc của quốc gia, mà đỉnh cao là các vụ thảm sát ở Atlanta trong tuần này.

Dân biểu Doris Matsui, người được sinh ra trong trại nơi cha mẹ và ông bà người Mỹ gốc Nhật của bà bị giam giữ trong Thế chiến thứ hai - Ảnh: ABS-CBN News
Dân biểu Doris Matsui, người được sinh ra trong trại nơi cha mẹ và ông bà người Mỹ gốc Nhật của bà bị giam giữ trong Thế chiến thứ hai - Ảnh: ABS-CBN News

Phiên điều trần tại Quốc hội trở nên “rất nóng” khi các nghị sĩ Dân chủ trút giận về cách cựu Tổng thống Donald Trump và những người chia sẻ quan điểm của ông đã coi người châu Á “phải chịu trách nhiệm về virus COVID-19”, thái độ sai trái đó đã gắn nhãn “tội đồ” cho người Mỹ gốc Á và cư dân các đảo ở Thái Bình Dương (AAPI).

Dân biểu Doris Matsui, một phụ nữ California 76 tuổi, tuyên bố :"Tôi có trách nhiệm và nghĩa vụ đạo đức phải lên tiếng đòi chấm dứt các cuộc tấn công vào cộng đồng AAPI".

Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, chính phủ Hoa Kỳ ép buộc cha mẹ và ông bà người Mỹ gốc Nhật của bà Matsui đến trại quản thúc ở Poston, Arizona. "Họ sống trong những điều kiện tồi tệ, bên trong lớp hàng rào dây thép gai, có lính bảo vệ cầm súng gác trên các tháp canh, lý do họ bị quản thúc tập trung duy nhất là vì tổ tiên của mình”, bà Matsui nói. Bà Matsui chào đời trong chính trại đang giam giữ gia đình bà.

Bà nói: “Chính phủ của chúng ta và nhiều nhà lãnh đạo chính phủ đã thêu dệt “huyền thoại” rằng cộng đồng người Mỹ gốc Nhật vốn dĩ là kẻ thù của nước Mỹ. Người Mỹ trên khắp đất nước đã tin vào điều đó, họ ủng hộ chế độ phân biệt chủng tộc được thể chế hóa và hành động theo phương châm đó”.

Lời điều trần của các nữ dân biểu Matsui, Grace Meng và Judy Chu, và thượng nghị sĩ Tammy Duckworth, được đưa ra sau khi 6 phụ nữ gốc Á bị sát hại hôm thứ 16/3 tại Atlanta, Georgia.

Các chuyên gia cho rằng tình trạng bạo lực chống người châu Á đã gia tăng đáng kể trên toàn quốc kể từ khi đại dịch bùng phát cách đây một năm. Cựu Tổng thống Trump  đã gọi COVID-19 là "virus Trung Quốc", các nghị sĩ Cộng hòa trong Quốc hội hòa giọng vào luận điệu trên và các cuộc tấn công vào người Mỹ gốc Á dường như đã tăng đột biến.

"Cộng đồng của chúng ta đang chảy máu. Chúng tôi rất đau đớn và trong năm qua chúng tôi đã kêu gọi sự giúp đỡ", dân biểu Meng, 45 tuổi, một người gốc Đài Loan ở New York, tuyên bố trước Tiểu ban tư pháp Hạ viện về quyền công dân. Tiểu ban đã nghe thuật lại những trường hợp người Mỹ gốc Á bị quấy rối bằng lời nói, tát tai, nhổ nước bọt và đâm bằng dao.

Khi Nghị sĩ đảng Cộng hòa tại Hạ viện, ông Chip Roy, cảnh báo rằng phiên điều trần là một nỗ lực nhằm "kiểm soát" quyền tự do ngôn luận, ông lập tức phải hứng sự chỉ trích gay gắt. Nghị sĩ Ted Lieu, người sinh ra ở Đài Loan và từng phục vụ trong Lực lượng Không quân Hoa Kỳ, nhắc nhở ông Roy: "Tôi không phải là một con virus".

Ông Lieu nói thêm: “Bất kể điểm chính trị nào mà các ngài nghĩ rằng mình đạt được bằng cách sử dụng các nhận dạng dân tộc để mô tả loại virus này, các ngài cũng gây hại cho những người Mỹ có nguồn gốc châu Á. Vậy làm ơn đừng làm như vậy nữa”.

Các cuộc tấn công chống người Mỹ gốc Á vẫn tiếp tục xảy ra. Gần 3.800 vụ đã được báo cáo kể từ năm ngoái, theo nhóm “Stop AAPI Hate” (Chấm dứt thù ghét người Mỹ gốc Á).

Erika Lee, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Lịch sử Nhập cư Đại học Minnesota, nói rằng người Mỹ gốc Á “bị khủng bố", và việc lạm dụng đang diễn ra đánh dấu "một thảm kịch quốc gia có hệ thống", nó sẽ không biến mất sau đại dịch.

Bà Lee nói: “Trong 24 giờ qua, chúng ta đã nghe nhiều người mô tả nạn phân biệt đối xử và bạo lực chống người châu Á là “không đặc trưng cho nước Mỹ”. "Nhưng thật không may, nó rất Mỹ”.

Tô Châu (theo AFP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI