Họ đã làm nên một nông thôn mới nơi miền bản:

Thương hiệu bún dâu tây, son môi sachi, bia chanh leo trên bản Áng

26/04/2021 - 06:53

PNO - Qua mười năm, Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới đã làm thay đổi bộ mặt nông thôn. Góp phần vào sự thay đổi tích cực này, không thể không nhắc đến những phụ nữ đã mạnh dạn đi tiên phong bằng lối canh tác an toàn, áp dụng công nghệ cao vào chế biến nông sản, kết hợp nông nghiệp với du lịch…

Mấy năm gần đây, tỉnh Sơn La trở thành vựa trái cây của miền Bắc. Không chỉ chuyển đổi cây trồng hiệu quả, không ít nữ nông dân nơi này còn chế tác ra những sản phẩm độc đáo khiến không ít người phải trầm trồ: bún dâu tây, bánh xoài, son sachi, phở sâm, mì rau chân vịt…

Người ta làm mì rau củ, mình làm bún dâu tây 

Bản Áng thuộc xã Đông Sang là bản du lịch nổi tiếng của H.Mộc Châu, từng được biết đến với sản phẩm du lịch duy nhất là thổ cẩm. Khí hậu ôn hòa, đất đai màu mỡ, nông sản của bản Áng cũng đủ đầy bắp cải, su hào nhưng nghịch lý “được mùa mất giá, được giá mất mùa” khiến đời sống của bà con không khấm khá lên được bao nhiêu.

Phụ nữ đến từ các cộng đồng thiểu số ở tỉnh Sơn La tham gia các lớp học về canh tác bền vững, chế biến nông sản công nghệ cao
Phụ nữ đến từ các cộng đồng thiểu số ở tỉnh Sơn La tham gia các lớp học về canh tác bền vững, chế biến nông sản công nghệ cao

Bà Nguyễn Thị Thu - chuyên gia của dự án Sáng kiến hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp và kinh doanh (WISE) - nhớ lại lần đầu đến bản Áng tập huấn về canh tác nông nghiệp hữu cơ. Khi đó, những phụ nữ dân tộc Thái nơi này đã khẩn khoản: “Cô Thu ơi, cô giúp chúng tôi xem trồng loại cây gì tiêu thụ được mà không phải dùng hóa chất, chứ trồng bắp cải, su hào thì phải phun thuốc trừ sâu nhiều, chúng tôi cũng sợ lắm. Cô hướng dẫn trồng cây gì, chúng tôi cũng làm được, không lười đâu”.

Cuối năm 2019, nhiều tỉnh miền núi phía bắc phải hứng chịu những trận mưa đá kinh hoàng khiến nông sản hư hại. Rồi dịch COVID-19 bùng phát, lưu thông hạn chế, du lịch đình trệ, dâu tây của bản Áng không tiêu thụ được. Bà Lữ Thị Thuận - Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Du lịch Bản Áng - cùng các thành viên trong HTX đứng ngồi không yên. Một số thành viên đề xuất: “Người ta làm mì rau củ được, sao mình không thử làm bún dâu tây”. Thế là bà Thuận dò tìm các kênh rồi liên hệ được với HTX Tâm An - đơn vị có nhiều kinh nghiệm về chế biến và sản xuất mì rau củ. 

Bà Thuận mời giám đốc HTX Tâm An đến hướng dẫn chị em trong HTX Du lịch Bản Áng quy trình sản xuất và công nghệ chế biến để dâu tây giữ được hàm lượng vitamin tối đa. Mấy tháng sau khi triển khai và thử nghiệm, bún dâu tây bản Áng đã ra đời. Cuối năm 2020, nhờ sự hỗ trợ của một số chuyên gia từ các dự án, sản phẩm của bà con HTX đã tìm được thị trường tiêu thụ. Cùng với bún dâu tây, các thành viên HTX Du lịch Bản Áng còn nhờ các chuyên gia tư vấn về xây dựng không gian văn hóa bản Áng, về xây dựng vườn rau sinh thái, mô hình farmstay. 

Ngoài dâu tây, cây dâu tằm cũng được một số thành viên của HTX Du lịch Bản Áng chọn trồng vì đây là loài cây không được phun hóa chất. Trong những lần lên hỗ trợ phụ nữ Thái ở tỉnh Sơn La, bà Nguyễn Thị Thu đã được nghe chị em trình bày những ấp ủ về các sản phẩm chế biến từ cây dâu tằm: quả làm siro, làm mứt, lá để nuôi tằm và còn làm bột đắp mặt nạ. “Họ vẫn đang từng bước hoàn thiện từng sản phẩm, từ khâu chế biến đến khâu tiêu thụ. Vướng ở đâu, các chị ấy lại gọi điện hoặc mời tôi lên tư vấn, hỗ trợ” - bà Thu nói.

Dùng hạt sachi làm son môi

Bà Thuận cùng chị em các cộng đồng thiểu số của bản Áng luôn khiến người khác phải bất ngờ. Bên cạnh bún dâu tây, các sản phẩm từ cây dâu tằm, họ còn thành công trong việc tạo sản phẩm son môi và dầu dưỡng da từ hạt cây sachi. 

Son sachi, một sản phẩm của phụ nữ Thái ở H.Mộc Châu, tỉnh Sơn La
Son sachi, một sản phẩm của phụ nữ Thái ở H.Mộc Châu, tỉnh Sơn La

Bốn năm trước, loài cây chịu được thời tiết khắc nghiệt, ít sâu bệnh này được trồng thử nghiệm ở ba xã của H.Mộc Châu, 1ha cây sachi cho thu hoạch gần 1 tấn hạt khô/năm với giá 30.000-40.000 đồng/kg. Đó là lúc đầu ra thuận lợi, còn lúc khó khăn, người trồng sachi gần như không có lãi. Thế nên, khi Hội Nông dân Việt Nam triển khai chương trình Hỗ trợ rừng và trang trại (FFF) Việt Nam giai đoạn II (2019-2020), HTX Du lịch Bản Áng đã tận dụng cơ hội, trình dự án “Hỗ trợ HTX, tổ hợp tác xây dựng mô hình du lịch trải nghiệm, mô hình nông nghiệp hữu cơ gắn với công tác bảo vệ rừng tại xã Đông Sang, H.Mộc Châu, tỉnh Sơn La” với hoạt động cụ thể là chế biến hạt sachi thành son môi và dầu dưỡng. 

Bà Thuận “gõ cửa” Công ty cổ phần Hỗ trợ sáng kiến Kinh doanh tạo tác động MEVI. HTX lại đón đội ngũ tư vấn từ Hà Nội lên, hướng dẫn chị em công thức làm son môi. Tối hôm ấy ở nhà cộng đồng, những người phụ nữ Thái khăn piêu, áo cóm đã chăm chú, tỉ mỉ với sáp ong, màu khoáng và sachi. Lúc giáo viên bảo mở khuôn son, chị Vì Thị Hoa thở phào khi nghe cô giáo nhận xét sản phẩm của chị đã đạt yêu cầu. 

Bà Lữ Thị Thuận giới thiệu  sản phẩm rượu vang thanh long
Bà Lữ Thị Thuận giới thiệu sản phẩm rượu vang thanh long

Bà Thuận cho biết, chọn chế biến hạt sachi thành son môi và dầu dưỡng là một quyết định táo bạo của các thành viên HTX Du lịch Bản Áng, bởi mọi người phải chủ động học hỏi, thử nghiệm nhiều lần, mới cho ra sản phẩm hoàn chỉnh như hiện nay. HTX áp dụng quy trình sản xuất hoàn toàn thủ công và không sử dụng bất kỳ hóa chất độc hại nào từ khâu bóc, tách lấy hạt, nấu sáp ong đến điều chế dầu dưỡng và son môi. Việc này tiêu tốn nhiều thời gian nhưng giữ được hương thơm, mùi vị đặc trưng của các nguyên liệu. 

Son môi và dầu dưỡng của HTX Du lịch Bản Áng đã được kiểm định, đánh giá chất lượng và đang hoàn thiện các thủ tục pháp lý để lưu hành trên thị trường. Các chị em trong HTX hy vọng, son và dầu sachi của bản Áng sẽ góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch của bản Áng nói riêng và cao nguyên Mộc Châu nói chung. Hiện HTX Du lịch Bản Áng đã ký hợp đồng hỗ trợ thu hái và tiêu thụ sản phẩm với một số hộ trồng sachi ở toàn xã Đông Sang và các xã khác, hy vọng sẽ mở ra hướng đi mới cho những người trồng sachi của huyện nhà.

Bia chanh leo ở xã nghèo nhất huyện

Chiềng Khừa là xã khó khăn nhất, cách thị trấn Mộc Châu 35km và giáp nước bạn Lào. Chị Hoàng Thị Lả cùng một số phụ nữ nơi đây đang tìm hướng đi mới để nâng cao giá trị cây chanh leo trên đất dốc quê mình. Chị Lả cùng các chị em được hướng dẫn các bước: tìm ý tưởng sản phẩm từ chanh leo (chanh leo sấy lạnh, siro chanh leo, bia chanh leo, kẹo chanh leo, bánh chanh leo…); tìm công thức và làm thử; tính tổng chi phí và thời gian để làm được một sản phẩm; nhờ nếm thử và cho nhận xét về sản phẩm và giá tiền; in thông tin về tên sản phẩm, thành phần, địa chỉ liên hệ rồi mang đi chào hàng…

Đã và đang hỗ trợ phụ nữ các cộng đồng thiểu số, bà Nguyễn Thị Thu phải thốt lên: “Chúng tôi đã kiểm nghiệm sản phẩm mứt chanh leo nguyên quả, siro chanh leo, bia chanh leo của chị em. Đó sẽ là hướng đi mới, bền vững cho vùng trồng chanh leo của Chiềng Khừa nói riêng và Mộc Châu nói chung. Với chị em nông dân đến từ các cộng đồng thiểu số, nếu nói “nghiên cứu thị trường”, họ sẽ thấy khó, nhưng bảo họ mang sản phẩm đi hỏi những người xung quanh xem sản phẩm có ngon không, bán giá đó có hợp lý không thì tôi khẳng định là họ làm được”. 

Uông Ngọc

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI