Người mẹ bị ung thư khát khao được sống bên con

18/07/2025 - 06:52

PNO - Để có tiền chữa bệnh, gia đình bà Liên đã phải cầm cố căn nhà lấy 100 triệu đồng, vay 80 triệu đồng từ nguồn tín dụng sinh viên của con và 70 triệu đồng từ chương trình xóa đói giảm nghèo.

Bà Trần Thị Liên - 62 tuổi, ngụ ấp Tân Phước, xã Hưng Phước, tỉnh Bình Phước - ngồi lặng lẽ trong góc của Bệnh viện Ung Bướu TPHCM - cơ sở II, loay hoay sắp xếp những trang bệnh án và hóa đơn tiền thuốc. Khuôn mặt hốc hác, đôi tay run run, bà dường như đã kiệt quệ sau những tháng ngày dài chống chọi với bệnh tật và nỗi lo cơm áo. “Lần này tôi chỉ còn đủ tiền thuốc, ăn uống chắc phải nhờ cơm từ thiện” - bà Liên nghẹn giọng.

Bà Trần Thị Liên mong mỏi được các tấm lòng hảo tâm giúp đỡ để điều trị bệnh
Bà Trần Thị Liên mong mỏi được các tấm lòng hảo tâm giúp đỡ để điều trị bệnh

Bà kể, khoảng tháng 5/2024, khi đang giúp việc nhà tại huyện Nhà Bè, TPHCM, bà bị những cơn đau dai dẳng ở ngực. Những cơn đau ngày càng dữ dội khiến bà lo lắng, xin nghỉ việc để đi khám. Các bác sĩ ở bệnh viện huyện nghi ngờ bà có khối u ở vú nên chuyển bà đến Bệnh viện Ung Bướu TPHCM.

Cầm trên tay kết quả chẩn đoán ung thư vú giai đoạn 3, bà như chết lặng. Bà vội về quê vay mượn anh chị em được 21 triệu đồng cho ca phẫu thuật cắt bỏ 1 bên vú.
Sau phẫu thuật là lúc bà Liên phải chống chọi với những đợt hóa trị kéo dài. Theo phác đồ điều trị, bà cần truyền 14 toa thuốc, mỗi toa cách nhau 21 ngày, với chi phí dao động từ 8-10 triệu đồng. Nhưng đến nay, bà mới chỉ truyền được 4 toa.

Tiền bạc không còn, sức khỏe ngày càng suy yếu, bà Liên không chỉ đối mặt với căn bệnh ung thư quái ác mà còn phải chống chọi với chứng thiếu máu, thiếu bạch cầu và bệnh gút. Cơ thể bà gầy guộc, xanh xao. Mỗi khi ăn thức ăn giàu đạm, cơn đau lại quặn thắt đến mức bà chỉ muốn buông xuôi. Nhưng rồi nghĩ về người chồng bị tai biến, đứa con trai duy nhất đang ngày đêm miệt mài học tập với hy vọng sau này có công việc ổn định để lo cho cha mẹ, bà lại tự nhủ lòng: không được gục ngã! Bà phải cố gắng, phải sống, dù cuộc đời có khắc nghiệt đến đâu.

Nhắc đến con, đôi mắt bà Liên rưng rưng. Bà nghẹn ngào kể rằng mình từng có 5 người con, nhưng 4 đứa đầu lần lượt qua đời vì bệnh tật. Đến khi sinh con trai út Lê Doãn Hải, bà càng lo lắng hơn vì em chào đời chỉ vỏn vẹn 9 lạng, yếu ớt đến mức ai cũng nghĩ em không thể sống sót. Thế nhưng, bằng tất cả tình thương và sự kiên trì, bà đã nuôi con khôn lớn với muôn vàn khó khăn.

Giờ đây, Hải đang là sinh viên năm cuối đại học. Thấy mẹ ngày một tiều tụy vì bệnh tật, em từng có ý định nghỉ học đi làm để đỡ đần cho mẹ. Nhưng bà Liên nhất định không cho. “Mẹ có thể khổ, nhưng con nhất định phải học xong, phải có một tương lai tốt hơn” - bà kiên quyết.

Để có tiền chữa bệnh, gia đình bà Liên đã phải cầm cố căn nhà lấy 100 triệu đồng, vay 80 triệu đồng từ nguồn tín dụng sinh viên của con và 70 triệu đồng từ chương trình xóa đói giảm nghèo. Dù đã cố gắng đến kiệt quệ nhưng số tiền ấy cũng chỉ đủ cầm cự phần nào giữa những toa thuốc đắt đỏ.

Giọng bà nghẹn lại, đôi mắt đượm buồn: “Tôi chỉ mong có thể tiếp tục chữa trị, khỏe lại để chăm sóc chồng, làm lụng với con để trả nợ. Tôi sợ, nếu tôi mất đi con tôi sẽ càng thêm khổ”.

Mọi đóng góp của bạn đọc giúp bà Trần Thị Liên chữa bệnh xin gửi trực tiếp đến Báo Phụ nữ TPHCM, 311 Điện Biên Phủ, phường Bàn Cờ, TPHCM; qua đường bưu điện hoặc tài khoản từ thiện: Báo Phụ nữ thành phố Hồ Chí Minh, số 1800676768, Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) - chi nhánh Kỳ Hòa; hoặc số 0071001049165, Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) - chi nhánh TPHCM (VCB-CN HCM). Chúng tôi sẽ chuyển đến tận tay gia đình.


Ngọc Trăm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI