Chuyên mục Ăn ngon - Sống khỏe:

Thức ăn đóng hộp giữ lạnh có đảm bảo dinh dưỡng?

29/08/2022 - 09:00

PNO - Đa phần những loại thức ăn nhanh tại cửa hàng tiện lợi đáp ứng nhu cầu nhanh gọn nhưng thiếu hụt một nhóm chất dinh dưỡng.

* Con tôi rất thích ăn cơm nắm, mì hộp, sushi và các loại thức ăn đóng hộp, giữ lạnh trong các cửa hàng tiện ích gần trường. Đồng nghiệp trẻ của tôi cũng ăn mỗi ngày các loại cơm lạnh (khi mua nhân viên mới hâm nóng bằng lò vi sóng) trong cửa hàng tiện ích. Xin hỏi, cách ăn này và những món này có an toàn, có đảm bảo dinh dưỡng không? 

Thanh Chung (quận 7, TPHCM)

Thạc sĩ Trương Nhật Khuê Tường, giảng viên bộ môn dinh dưỡng - thực phẩm, Trường đại học Y Dược TPHCM, trả lời: Thức ăn nhanh bán tại các cửa hàng tiện lợi trước tiên vẫn cần tuân thủ quy tắc an toàn thực phẩm để tránh lây nhiễm chéo và gây ngộ độc thực phẩm. 

Khi đến cửa hàng tiện lợi, khách hàng cần để ý vị trí của loại thực phẩm, theo quy tắc thức ăn đã chín (ví dụ cơm nắm nhân cá thu) sẽ được để lên trên và thức ăn sống (ví dụ salad rau sống), chưa qua xử lý sẽ được để tầng dưới. Người tiêu dùng cần lưu ý hạn sử dụng của thực phẩm. Những thực phẩm có hạn sử dụng gần (thời hạn bảo quản ngắn) sẽ được để lên trước, khuyến khích người tiêu dùng mua và sử dụng nhanh nhất có thể. Cần báo cho nhân viên cửa hàng thu hồi lại sản phẩm quá hạn, bị mở nắp và tuyệt đối không sử dụng những loại này cho dù có khuyến mãi. 

Về hạn sản xuất, nhà sản xuất thông thường sẽ làm theo những quy định an toàn thực phẩm. Các sản phẩm chứa thịt như thịt bò, gà, heo đã nấu chín chỉ để từ 1-3 ngày. Hotdog và xúc xích chín để một tuần nếu đã mở gói, hai tuần nếu chưa mở gói. Thịt muối hoặc các loại cá khô, thịt khô chứa nhiều muối để tủ lạnh bảy ngày. Cơm đã nấu chín có thể trữ trong tủ lạnh 3-5 ngày. Salad có thể vẫn còn tươi ngon trong 1-3 ngày. Cần lựa chọn sản phẩm dựa trên ngày sản xuất và hạn sử dụng an toàn của sản phẩm. 

Việc vệ sinh tủ lạnh cũng là một vấn đề quan trọng tại cửa hàng tiện lợi, thức ăn vừa phải đảm bảo trong môi trường nhiệt độ thích hợp và hạn chế vi khuẩn sinh sôi từ tay của người tiêu dùng. 

Thực phẩm sẵn để ăn như bánh mì sandwich, sữa, sữa chua… phải được giữ lại dưới 80C tại các tủ lạnh. 

Thực phẩm nóng phải được bảo quản ở nhiệt độ trên 650C. Nếu thực phẩm nóng được giữ ở nhiệt độ dưới 630C thì phải xử lý trong vòng 2 giờ. Khách hàng cũng cần lưu ý đọc bảng nhiệt độ, thông thường phía trước hoặc bên hông thiết bị giữ nóng. 

Nếu bạn hoặc nhân viên nấu hoặc hâm bằng lò vi sóng cho bạn tại chỗ, đảm bảo thực phẩm được nấu ở nhiệt độ lõi là 750C trong ít nhất 30 giây. 

Tóm lại, nếu cửa hàng tiện lợi có thể đáp ứng và tuân thủ được những quy tắc này thì thực phẩm vẫn an toàn được sử dụng. 

Vậy liệu những thực phẩm trên có đảm bảo dinh dưỡng hay không? 

Đa phần những loại thức ăn nhanh tại cửa hàng tiện lợi đáp ứng nhu cầu nhanh gọn nhưng thiếu hụt một nhóm chất dinh dưỡng. Về cơ bản, một bữa ăn cần có tinh bột (cơm, khoai, bắp, bánh…), đạm (thịt, trứng, cá, hải sản, đậu…), rau và trái cây. Ví dụ, cơm nắm về lượng tinh bột có thể đủ nhưng phần đạm lại thiếu hay phần salad đáp ứng được nhu cầu rau một bữa nhưng lại thiếu tinh bột, đạm và trái cây. 

Có thể thi thoảng vì lý do thời gian, công việc mà chúng ta vẫn ghé và ăn những món này thay bữa cơm nhưng về lâu dài mỗi ngày, thì sẽ gây tình trạng thiếu hụt chất dinh dưỡng. 

Thức ăn tại đây rất bắt mắt và ngon miệng do chứa nhiều muối hơn sẽ dễ kích thích vị giác. Đối với trẻ em, nếu ăn thường xuyên sẽ hình thành thói quen dinh dưỡng không tốt và mất cân bằng dinh dưỡng, gây ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của trẻ.  

B.T. (ghi)
 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI