Chuyên mục Ăn ngon - Sống khỏe: Ăn mì có gây nóng, nổi mụn?

22/08/2022 - 11:07

PNO - Khi có dấu hiệu nóng trong người như nổi mụn, nhiệt miệng… người tiêu dùng thường quy kết cho thực phẩm hoặc món ăn mình vừa sử dụng là chưa chính xác.

Mì ăn liền là “bạn thân” của dân văn phòng và là “món ăn sung sướng” của nhiều trẻ em. Nhưng những thông tin như ăn mì nóng, ăn mì nổi mụn khiến chúng tôi e dè. Tôi được biết mì gói làm từ bột mì rồi chiên qua dầu, như vậy đó là đồ chiên, có thể gây nóng cho cơ thể. Vậy mì gói gây nóng tới đâu và có thể khắc phục như thế nào? Mì trộn và mì nước, cách ăn nào thì “mát” hơn?

Thanh Xuân (quận 11, TPHCM)

Phó giáo sư - tiến sĩ - bác sĩ Lê Bạch Mai - nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia - trả lời: Trước hết, xin nói về các chất dinh dưỡng trong mì ăn liền. Một sản phẩm mì ăn liền thông dụng (75g) cung cấp các dưỡng chất và năng lượng như sau: chất bột đường (40 - 50g), chất đạm (khoảng 6,8g), chất béo (10 - 13g) và cung cấp khoảng 300 - 350kcal. 

Nhu cầu năng lượng người trưởng thành một ngày cần khoảng 2.000 - 2.500kcal, tùy vào giới tính (nam thường có nhu cầu năng lượng cao hơn nữ), mức độ lao động (người làm việc nặng cần năng lượng nhiều hơn bình thường…). Như vậy, năng lượng mà mì ăn liền cung cấp tương đương 15 - 17% nhu cầu năng lượng mỗi ngày đối với người trưởng thành.

Nguồn năng lượng này được cung cấp từ ba chất sinh năng lượng là chất bột đường (carbohydrate), chất đạm (protein) và chất béo (lipid). Chế độ ăn hằng ngày được chế biến từ nhiều thực phẩm và cần đảm bảo tính cân đối giữa ba chất sinh năng lượng. Theo đó, năng lượng từ chất đạm nên cung cấp 13 - 20% tổng số năng lượng khẩu phần, năng lượng đến từ chất béo nên đạt 20 - 25% và phần năng lượng còn lại sẽ do chất bột đường cung cấp. Mì ăn liền chỉ là một thực phẩm trong khẩu phần ăn hằng ngày, góp phần đảm bảo đủ nhu cầu, tính cân đối và đa dạng thực phẩm.

Mì gói làm từ bột mì rồi chiên qua dầu, như vậy đó là đồ chiên, có thể gây nóng cơ thể không? Cơ thể hằng ngày cần bốn nhóm chất dinh dưỡng: chất đạm (protein), chất béo (lipid), chất bột đường (carbohydrate), vitamin và khoáng chất. Các thành phần chính của vắt mì gồm bột lúa mì cung cấp chất bột đường là chủ yếu, dầu để chiên mì cung cấp chất béo. 

Cụ thể, lượng tinh bột trong gói mì ăn liền nhiều hơn 8g so với một tô bún (loại 150g bún/tô) và kém hơn 30g so với bánh bao nhân thịt (loại 180g/cái). Thành phần bột lúa mì trong mì ăn liền không khiến người dùng bị nóng. Lượng dầu chiên trong gói mì ăn liền tương đương với bốn miếng đậu chiên, hoặc tăng hơn 1g so với một tô phở gà. Ngoài việc cung cấp thêm một phần chất béo cho cơ thể, thực phẩm chiên không gây hại đến sức khỏe nếu được chế biến đúng cách và tiêu thụ vừa đủ về số lượng.

Do đó, khi có dấu hiệu nóng trong người như nổi mụn, nhiệt miệng… người tiêu dùng thường quy kết cho thực phẩm hoặc món ăn mình vừa sử dụng là chưa chính xác. Việc “gây nóng” có thể đến từ nhiều yếu tố khác nhau như:

- Do chế độ ăn uống không hợp lý, mất cân bằng: ăn ít chất xơ, không đủ các vitamin và khoáng chất (rau củ, trái cây), ăn quá nhiều đồ cay nóng, nhiều chất đạm, tinh bột, nhiều muối…

- Do hút thuốc lá, lạm dụng rượu bia… sẽ làm tăng chuyển hóa và cơ thể sẽ cần nhiều nước hơn.

- Do tác dụng không mong muốn khi sử dụng một số thuốc, đặc biệt khi sử dụng với liều cao, trong thời gian dài. Tuy nhiên, các tác dụng ngoài ý này sẽ khác nhau tùy từng người.

- Một số bệnh lý có thể gây nóng trong như: nhiễm trùng, viêm loét dạ dày, tăng huyết áp, cường giáp…

Như vậy, nên coi mì ăn liền là một thực phẩm thuộc nhóm ngũ cốc và sản phẩm chế biến, cung cấp chất bột đường là chủ yếu và có thể chế biến thành món mì trộn hay mì nước tùy sở thích. Cần kết hợp mì ăn liền với các thực phẩm thuộc nhóm khác để có bữa ăn đa dạng, cân bằng về dinh dưỡng: 

+ Kết hợp với nhóm thực phẩm cung cấp chất đạm (thịt: thịt bò, thịt heo, thịt gà; trứng; tôm…). 

+ Kết hợp với nhóm cung cấp vitamin, chất khoáng, chất xơ như xà lách, rau thơm, hành lá, cà chua, đậu bắp, giá đỗ, rau họ cải (cải cúc, cải ngọt…).

Không có thực phẩm xấu mà chỉ có bữa ăn xấu do người tiêu dùng chưa biết phối hợp các loại thực phẩm, chế biến và ăn sai cách có thể ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe. Một chế độ ăn đủ các chất dinh dưỡng, cân đối, đa dạng thực phẩm, uống đủ nước và hoạt động thể lực phù hợp là bí quyết để sống khỏe và dài lâu. 

B.T. (ghi)

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI