Thua vợ là thua thiệt?

05/10/2019 - 14:30

PNO - Tốp thợ xây nhà cho tôi có mấy cặp vợ chồng. Chồng dựng cột, tô tường thì vợ trộn xi măng, chuyển gạch.

Anh thợ tên Cò có dáng người khác với tên, chắc nụi và đen thui. Nắng gió công trường làm mặt Cò già chát như ông cụ. Mỗi lần thấy Dịu - vợ anh xách xô hồ nặng, Cò liền chạy tới dằn lấy, nạt: “Đã biểu xúc vừa thôi. Thứ gì mà lì, nói hổng nghe!”. Cách anh ta đỡ đần vợ, nếu không có câu nạt, đằm thắm biết bao nhiêu. 

Hết giờ làm, Dịu bỏ áo khoác và khẩu trang ra, tôi xuýt xoa. Dịu ba mươi tám tuổi, nhưng trẻ măng với nét duyên ngầm rất ưa nhìn. Đã vậy, nhờ làm quần quật mà Dịu có cái bụng phẳng lì. Chẳng như tôi, tốn bộn tiền lẫn công sức tập yoga mà cái bụng chẳng tiêu được tí mỡ nào.

Tôi trêu Dịu: “Em đẹp vầy, hèn chi chồng cưng dữ, giành hết việc nặng”. Dịu thở ra: “Cưng gì chị ơi, thằng chả chửi em như chửi chó. Cưng phải khác chớ”. Cô bạn của Dịu đế vô: “Thằng Cò ghen thì có. Cũng tại con Dịu trẻ hoài, đẹp hoài”. 

Thua vo la thua thiet?
Ảnh minh hoạ

Cuối tuần, tôi bồi dưỡng nhóm thợ ít tiền. Họ rủ nhau đi ăn cháo vịt. Tốp đàn ông còn đi tăng hai ở quán lẩu kế bên. Lúc Dịu qua ngồi cùng chồng, đám em út trong quán nhìn Dịu tò mò, kiểu “hoa lài này sao cắm bãi phân trâu?”. Có cô còn cười cợt hỏi Cò: “Phải vợ anh không đó, hay bồ nhí?”.

Cò đâm nổi nóng. Mỗi câu khen vợ, với Cò là một lần nhấn chìm anh ta thêm một chút. Dịu kề tai bảo chồng: “Thôi về anh, mai còn làm”. Cò đang nóng tiết, muốn chứng tỏ quyền lực, nên đấm thẳng vào tai Dịu, hằn học: “Đâu có thứ vợ gì can chồng nhậu”. Cả đám xúm lại lôi Cò ra. Dịu ôm tai, thề độc: “Tui mà điếc, tui bỏ ông liền!”.

Mấy ngày liền, Dịu vừa trộn hồ vừa thỉnh thoảng ôm tai, xuýt xoa than đau. “Chắc em còn mắc nợ thằng chồng mắc dịch này nên chưa điếc hẳn chị à”, Dịu buồn hiu nói với tôi. Cò thì vẫn vậy, thấy vợ xách xô hồ nặng hay khiêng sắt, liền hét: “Bỏ đó, xách gạch lại đây!”. Dịu cần lắm từ chồng lời xin lỗi và những câu dịu dàng, nhưng Cò không làm được. Cái cách đỡ đần, thương vợ của anh ta thiệt kỳ lạ, không chấp nhận nổi.

Đôi khi người ta cố tưởng tượng ra khoảng cách nào đó giữa hai vợ chồng, để rồi cố gắng kéo gần lại một cách khổ sở, trong tâm thế thua thiệt, hằn học. Và vì vậy, khoảng cách vợ chồng ngày càng xa.

Trong tốp thợ có cậu tên Phong. Phong tô tường sắc sảo khỏi chê. Cuối buổi, Phong thu gom vật liệu gọn gàng, còn cẩn thận che chắn mấy bao xi măng cho khỏi ướt. Nghe kể Phong ở rể nhà vợ, tôi nói: “Em làm việc chu đáo vầy, chắc ba má vợ cưng dữ”. Phong cười như mếu: “Ba má vợ cưng ích gì chị ơi, vợ cưng mới sướng”.

Vợ Phong là cô giáo mầm non. Lúc trước, cô của vợ thấy Phong tốt tính nên làm mối. Vợ Phong lưỡng lự ba năm mới ưng. Cô giáo mà lấy chồng thợ hồ, hẳn phải phân vân nhiều. Phong hiểu, nên ráng kê cho bằng cái khập khiễng giữa hai vợ chồng. Cậu không nhậu, không cà phê thuốc lá, làm bao nhiêu tiền, mang về nộp cho vợ không sót một xu. Lương cô giáo mầm non chỉ bằng một phần ba thu nhập nghề thợ hồ, nhưng tiền của Phong có lẽ… hôi mùi xi măng nên không có giá bằng tiền rút ra từ ATM. Cô hay tấm tắc: “Chồng người ta sáng diện quần áo bảnh bao chở vợ đi làm thấy mắc ham…”. Câu nói như nhát dao chém vào lòng tự trọng của Phong.

Có những thứ quý giá luôn ở ngay bên cạnh, nhưng người ta không bao giờ nhận ra, bởi chưa một lần ngoái lại. Mải đuổi bắt những thứ phù du xa xôi, là tự mình làm khổ mình. Bằng lòng với những thứ mình có, chính là gốc rễ của hạnh phúc. Đạo lý đó, mấy ai thấu hiểu? 

Thùy Gương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI