Thổ Nhĩ Kỳ vây tàu chiến Nga ở eo Bosporus, Nga thêm giận?

09/04/2016 - 15:18

PNO - Trước khi bao vây tàu chiến Nga ở eo biển Bosporus, Thổ Nhĩ Kỳ đã liên tiếp thực hiện những hành động có thể khiến Nga tức giận.

Hãng tin Sputnik của Nga đưa tin, vào lúc 8h30 ngày 8/4, tàu hải quân Minsk số hiệu 127 thuộc Hạm đội biển Đen của Nga đã vượt qua eo biển Bosphorus do Thổ Nhĩ Kỳ kiểm soát để tới biển Đen.

Tuy nhiên, khi qua eo biển này, các tàu tuần duyên và tàu hải cảnh của Thổ Nhĩ Kỳ đã bám sát tàu Nga, trong khi đó, một chiếc trực thăng cảnh sát cũng lượn vòng phía trên tàu Minsk.

Tho Nhi Ky vay tau chien Nga o eo Bosporus, Nga them gian?
Tàu hải quân Minsk thuộc Hạm đội biển Đen của Nga bị Thổ Nhĩ Kỳ áp sát khi qua eo biển Bosphorus. Ảnh: twitter.com/alperboler

Theo Đài REN TV của Nga, khoảng 10 phút sau khi tàu chiến nước này vượt hẳn qua eo biển Bosphorus, tàu phá mìn TCG-Ayvalık của Ankara cũng đi qua nơi tàu chiến Nga vừa rời đi, tiến về phía biển Marmara. Tuy nhiên, không có bất cứ vụ va chạm, đối đấu nào xảy ra giữa 2 bên.

Cùng với việc mối quan hệ Nga - Thổ Nhĩ Kỳ đang sứt mẻ trong thời gian gần đây, việc tăng cường an ninh, tăng cường kiểm soát đối với các tàu của Nga khi qua eo biển Bosphorus được coi là một trong các hành động khiêu khích của Thổ Nhĩ Kỳ.

Hai eo biển Bosporus và Dardanelles có vai trò đặc biệt đối với Nga. Hạm đội Biển Đen của Nga muốn tới Syria chỉ có một con đường độc đạo duy nhất là đi qua eo biển Bosphorus, sau đó vượt qua tiếp eo biển Dardanelles của Thổ, để ra ngoài Địa Trung Hải.

Giới chức Nga đã từng tính đến khả năng Ankara sẽ đóng cửa hai eo biển Bosporus và Dardanelles khi mối quan hệ hai nước xuống cấp. Một số nhà phân tích, chức trách Thổ Nhĩ Kỳ chỉ hành động như vậy khi không còn giải pháp nào khác để "ép" Nga.

Tuy nhiên, từ thế kỷ trước, qui chế của Bosphorus đã được củng cố bằng Công ước Montreux năm 1936, qui ước đặc quyền sử dụng eo biển của Nga và các nước ở trên bờ Biển Đen.

Theo đó, Thổ Nhĩ Kỳ chỉ có thể đóng cửa Bosporus trong trường hợp có tuyên chiến chính thức, nhưng cũng chỉ áp dụng với các tàu chiến và vào ban đêm hoặc trong tình huống Thổ Nhĩ Kỳ là một bên tham chiến với các quốc gia có tàu thuyền muốn đi qua eo biển.

Trước đó Ankara cũng đã có những hành động khiêu khích, khiến Nga có thể nổi nóng bất cứ lúc nào. Một nguồn tin trong các đội tự vệ người Kurd nói với Sputnik, không dưới 100 thành viên lực lượng đặc nhiệm Thổ Nhĩ Kỳ đã xâm nhập vào lãnh thổ tỉnh Idlib, Syria.

Tho Nhi Ky vay tau chien Nga o eo Bosporus, Nga them gian?
Ảnh: Sputnik/ Michael Alaeddin

Ankara đã liên tục bắn phá dữ dội vào lực lượng dân quân người Kurd đóng quân ở miền bắc Syria dọc theo biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ kể từ tháng 2 vừa qua.

Ngoài ra, tại miền Bắc Iraq, Sputnik ngày 6/4 dẫn lời các quan chức Ankara xác nhận rằng, quân đội nước này vừa tiến hành các cuộc không kích chống lại các phiến quân của Đảng Công nhân người Kurd (PKK).

Các cuộc không kích nhắm vào kho vũ khí, hầm trú ẩn, và nhiều vị trí khác của PKK trong khu vực Qandil.

Mới đây khi cuộc giao tranh ở vùng Nagorno-Karabakh bùng bổ sau 22 năm âm ỉ đã xảy ra ngày 2/4, khiến 30 binh sĩ ở cả hai bên thiệt mạng. Giới phân tích cho rằng đứng sau sự tự tin và quyết tâm của Azerbaijan nhằm giành lại Nagorny-Karabakh là sự tác động ít được chú ý là sự can dự của Thổ Nhĩ Kỳ.

Ngay sau khi bùng phát xung đột đêm rạng sáng 2/4, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Azerbaijan Ilham Aliyev.

Trong cuộc điện đàm, ông Erdogan đã “chia sẻ mất mát” với thân nhân những binh sĩ Azerbaijan bị thiệt mạng trong cuộc đụng độ mới đây ở khu vực Nagorny Karabakh.

Phủ Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ hôm 3/4 dẫn lời ông Erdogan nói với một phóng viên Azerbaijan trong chuyến thăm Mỹ rằng “Chúng tôi cầu nguyện cho những người anh em Azerbaijan sẽ giành ưu thế trong các vụ đụng độ như thế này với thương vong ít nhất”.

Ông Erdogan nói thêm với người phóng viên: “Chúng tôi sẽ ủng hộ Azerbaijan tới cùng”.

Trong một diễn biến có liên quan, NATO cũng đã ngỏ ý muốn làm lành, khôi phục quan hệ với Nga, đồng thời Nga - Mỹ cũng đang có những cuộc thảo luận, tìm ra hướng giải quyết chung về vấn đề Syria, nhất là việc cả 2 nước cùng rất ủng hộ lực lượng người Kurd Syria.

Lo lắng của Thổ Nhĩ Kỳ về việc hình thành một liên bang do người Kurd tự trị, nhất là trong bối cảnh lực lượng người Kurd này mới đưa ra yêu cầu khả năng đang có khả năng thành sự thật hơn bao giờ hết. Bởi vậy, những hành động mới đây của Ankara là có thể dự đoán trước.

Nguyễn Thu (tổng hợp)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI