Thổ Nhĩ Kỳ một mình ‘thách thức’ châu Âu

13/03/2017 - 06:39

PNO - Mối hận ngoại giao giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hà Lan tiếp tục leo thang trong ngày 12/3 khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan cáo buộc Hà Lan "hy sinh quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ-Hà Lan" và Đan Mạch đổ thêm dầu vào lửa.

Tranh cãi nổ ra hôm 11/3 sau khi Hà Lan cấm chiếc máy bay chở Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu hạ cánh xuống nước này. Ngoại trưởng Cavusoglu có kế hoạch phát biểu với kiều dân Thổ Nhĩ Kỳ ở châu Âu để tranh thủ sự ủng hộ của họ trong cuộc trưng cầu dân ý sắp tới, được cho là nhằm mở rộng quyền hạn của Tổng thống Erdogan.

Trong khi đó, Hà Lan cho biết họ huỷ chuyến bay vì lo ngại về trật tự công cộng tại cuộc tập trung của người Thổ ở nước này. Lập tức, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan lên tiếng cáo buộc Hà Lan chống Hồi giáo và so sánh họ với Đức Quốc xã.

Tho Nhi Ky mot minh ‘thach thuc’ chau Au
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan phát biểu tại cuộc mít tinh ở Istanbul ngày 12/3 - Ảnh: CNN

Một tuần trước đó đã xảy ra tranh cãi tương tự giữa ông Erdogan và Đức, dẫn đến việc ông Erdogan cáo buộc chính phủ Đức là Quốc xã và bị Thủ tướng Đức Angela Merkel phản ứng gay gắt.

Nguyên nhân dẫn đến các tranh cãi là do cuộc trưng cầu vào tháng tới của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ thay đổi cấu trúc của chính phủ. Trong khi các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ muốn tập hợp những người ủng hộ là kiều dân Thổ sống ở châu Âu, thì một số nước sở tại đã phản đối động thái chính trị này.

Với việc Hà Lan đang tiến đến cuộc bỏ phiếu toàn quốc vào ngày 15/3, những lo ngại về người Hồi giáo nhập cư đang trở nên một vấn đề trung tâm.

Phát biểu tại lễ trao giải Giải thưởng Goodness quốc tế tại Istanbul hôm 12/3, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ nói:"Tôi nghĩ chủ nghĩa phát xít đã kết thúc nhưng tôi đã sai, những gì chúng ta thấy trong hai ngày qua ở Đức và Hà Lan là phản ánh của chủ nghĩa bài Hồi giáo”.

Tho Nhi Ky mot minh ‘thach thuc’ chau Au
Những người biểu tình ở Rotterdam (Hà Lan) xuống đường ngày 11/3 - Ảnh: CNN/Getty Images

Đến cuối ngày 12/3, Thủ tướng Đan Mạch Lars Løkke Rasmussen đã hoãn một chuyến thăm của người đồng nhiệm Thổ Nhĩ Kỳ. Ông Rasmussen nói: "Trong tình hình bình thường, tôi rất vui mừng chào đón Thủ tướng Binali Yildirim tại Copenhagen, nhưng sau khi nổ ra những công kích ngôn từ của Thổ Nhĩ Kỳ với Hà Lan, cuộc gặp của hai bên khó tránh khỏi bị ảnh hưởng bởi điều đó”.

Trước đó, nhiều cuộc biểu tình đã nổ ra ở Rotterdam (Hà Lan) và các thành phố chính của Thổ Nhĩ Kỳ như Ankara và Istanbul để phản đối việc Hà Lan phong tỏa chuyến bay của Ngoại trưởng Thổ Cavusoglu. Ông Erdogan phản ứng giận dữ trước sự việc xảy ra. Ông gọi những quốc gia phản đối Thổ Nhĩ Kỳ là “tàn dư của Quốc xã” và đe dọa nước ông “sẽ đáp trả một cách mạnh mẽ nhất!”.

Theo hãng thông tấn Anadolu của Thổ Nhĩ Kỳ, khoảng 1,5 triệu người Thổ Nhĩ Kỳ đang sống tại Đức có thể tham gia bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý sắp tới.

VIỆT HƯNG (Theo CNN, Reuters, AFP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI