Theo chân tổ liên ngành xử lý karaoke gây ồn

03/03/2021 - 11:08

PNO - Một số xã, phường ở TP.HCM đã thành lập tổ liên ngành để tuyên truyền, nhắc nhở, lập biên bản các trường hợp hát karaoke vô tội vạ bằng “loa kẹo kéo”, gây ồn ào ở khu dân cư.

Một số xã, phường ở TP.HCM đã thành lập tổ liên ngành để tuyên truyền, nhắc nhở, lập biên bản các trường hợp hát karaoke vô tội vạ bằng “loa kẹo kéo”, gây ồn ào ở khu dân cư.

Gặp tổ liên ngành là tắt nhạc

Đúng 20g ngày 1/3, tổ kiểm tra liên ngành văn hóa - xã hội của UBND P.Tân Tạo, Q.Bình Tân bắt đầu chuyến tuần tra lưu động ở các khu dân cư. P.Tân Tạo có cư dân đông, có nhiều dãy nhà trọ công nhân, người dân thường sử dụng “loa kẹo kéo” (âm-ly kết nối với điện thoại qua bluetooth) hát karaoke như một hình thức giải trí dịp nghỉ lễ, cuối tuần.

Nhóm người hát karaoke vội tắt nhạc khi thấy tổ kiểm tra liên ngành của UBND P.Tân Tạo Ả NH: SƠN VINH
Nhóm người hát karaoke vội tắt nhạc khi thấy tổ kiểm tra liên ngành của UBND P.Tân Tạo Ảnh: Sơn Vinh

Bà Nguyễn Thị Tuyết Nhung - Phó chủ tịch UBND P.Tân Tạo - cho biết tổ liên ngành của phường gồm cán bộ UBND, công an, ban chỉ huy quân sự phường và bảo vệ dân phố. Từ cuối năm 2020 đến nay, tổ liên ngành duy trì hoạt động tuần tra lưu động để tuyên truyền, nhắc nhở người dân chấp hành nghiêm các quy định phòng, chống dịch COVID-19 và không hát karaoke gây ồn ào trong khu dân cư.

Lúc 20g30, tại một căn nhà trên đường Tỉnh lộ 10, khu phố 7, P.Tân Tạo, tổ kiểm tra phát hiện một nhóm người đang ngồi hát karaoke bằng “loa kẹo kéo” nên dừng lại nhắc nhở. Thấy đoàn kiểm tra, chủ nhà vội vàng yêu cầu tắt nhạc. Người đàn ông khoảng 40 tuổi là chủ nhà phân trần: “Em có đọc báo, thấy Chủ tịch UBND thành phố chỉ đạo xử lý nghiêm tình trạng hát karaoke gây ồn ào. Nhưng hôm nay, mấy anh em đi làm về gặp mặt vui quá, em mở máy lên cho mọi người hát giải trí một chút rồi nghỉ, không hát đến khuya đâu”. Đại diện tổ kiểm tra liên ngành nhắc chủ nhà mở âm lượng vừa phải và không được hát quá thời gian quy định. Chủ nhà nhìn đồng hồ, nói: “Bây giờ cũng hơi trễ rồi, tụi em nghỉ luôn, không hát nữa”.

Theo Nghị định 167/2013, hành vi gây tiếng động lớn, làm ồn ào ở khu dân cư, nơi công cộng trong khoảng từ 22g hôm trước đến 6g sáng hôm sau sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000-300.000 đồng. Với các trường hợp hát karaoke ngoài khung giờ nói trên, lực lượng chức năng chủ yếu tuyên truyền, nhắc nhở để người dân chấp hành nghiêm quy định. Đối với trường hợp gây rối trật tự, công an cấp xã, phường sẽ xử lý về an ninh trật tự, an toàn xã hội.

Gần 21g, tổ kiểm tra đến trước một căn nhà ở khu phố 3, P.Tân Tạo, nơi có một nhóm phụ nữ đang ngồi say sưa ca cổ bằng “loa kẹo kéo”. Thấy đoàn liên ngành, nhiều người vội vàng tắt nhạc, buông micro, chạy vào trong nhà. Bà Nguyễn Thị Tuyết Nhung nói: “Chúng tôi chỉ đến nhắc nhở mọi người thực hiện tốt quy định về tiếng ồn trong khu dân cư. Ở khu phố mình rất đông bà con lao động, mấy cô, mấy chị hát karaoke thì nên chỉnh âm lượng vừa phải, đừng hát quá khuya để bà con nghỉ ngơi, mai làm việc tiếp”. Sau khi nghe cán bộ phường nhắc nhở, nữ chủ nhà nhìn đồng hồ, vui vẻ tắt nhạc.

Tổ kiểm tra liên ngành của UBND P.Tân Tạo kiểm tra, nhắc nhở một điểm hát karaoke bằng “loa kẹo kéo” trên đường Tỉnh lộ 10
Tổ kiểm tra liên ngành của UBND P.Tân Tạo kiểm tra, nhắc nhở một điểm hát karaoke bằng “loa kẹo kéo” trên đường Tỉnh lộ 10

Đến gần 22g, lực lượng kiểm tra tiếp tục đến một số khu dân cư, nhưng không còn trường hợp nào hát karaoke gây ồn ào. Theo người dân địa phương, vào mỗi dịp cuối tuần, nhiều người thường mở “loa kẹo kéo” để hát karaoke giải trí. Nhờ tổ liên ngành của UBND phường liên tục kiểm tra nên tình trạng hát karaoke quá giờ đã giảm hẳn.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Nhung cho biết, một trong những giải pháp để xử lý tình trạng hát karaoke gây ồn ào là tuyên truyền, nhắc nhở người dân chấp hành nghiêm quy định. Song song đó, UBND phường cũng mời các chủ quán nhậu đến để tuyên truyền, cho viết cam kết sẽ nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch và không để xảy ra tình trạng hát karaoke to tiếng, quá giờ trong quán.

“Hiện nay, đa số quán nhậu chấp hành nghiêm túc, không để tình trạng “ca sĩ lưu động” đến hát quá giờ bằng “loa kẹo kéo” gây ồn ào. UBND phường cũng công khai số điện thoại của lãnh đạo UBND và công an phường để người dân phản ánh về tình trạng hát karaoke gây ồn. Khi nhận phản ánh, chúng tôi cử người đến hiện trường ngay” - bà Nhung thông tin.

Xử lý nhanh các tin phản ánh 

Ông Trần Vũ Hữu Duy - Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lộc A, H.Bình Chánh - cho biết UBND xã đã nhận được hàng chục thông tin của người dân phản ánh về tình trạng hát karaoke bằng “loa kẹo kéo” gây ồn ào và cử lực lượng đến địa chỉ bị phản ánh để lập biên bản, phản hồi cho người dân phản ánh. “Năm vừa qua, UBND xã đã lập đoàn kiểm tra, xử lý 13 trường hợp hát karaoke gây tiềng ồn. Tất cả các trường hợp này đều chấp hành và cam kết không tái phạm” - ông Duy nói.

Nhiều năm nay, hát karaoke lớn tiếng qua “loa kẹo kéo” ở ngoài trời đã trở thành vấn nạn ở TP.HCM
Nhiều năm nay, hát karaoke lớn tiếng qua “loa kẹo kéo” ở ngoài trời đã trở thành vấn nạn ở TP.HCM

UBND xã Vĩnh Lộc A cũng giao trưởng 15 ấp phối hợp với công an khu vực thường xuyên nắm tình hình ở các khu nhà trọ và các địa điểm thường xuyên tổ chức hát với nhau, phản ánh lên tổ kiểm tra liên ngành. Ông Duy cho biết: “Để đạt hiệu quả tích cực, khi nhận phản ánh, UBND xã lập đoàn, đến kiểm tra ngay. Bên cạnh lập biên bản, tổ kiểm tra cũng chú trọng tuyên truyền để người dân chấp hành tốt quy định”.

Đơn cử, mới đây, người dân phản ánh về tình trạng hát karaoke kiểu “tra tấn” của một chủ nhà trọ ở ấp 2A, ảnh hưởng cuộc sống người dân và việc học hành của trẻ nhỏ, UBND xã liền lập tổ kiểm tra liên ngành đến làm việc với chủ nhà trọ, yêu cầu cam kết nhắc nhở các hộ thuê không hát karaoke giờ nghỉ trưa, lúc quá khuya, đồng thời điều chỉnh âm lượng vừa đủ nghe khi hát. Tương tự, nhận được phản ánh của người dân ở tổ 2, ấp 4A về việc quán ốc V.T. thường xuyên mở loa karaoke lớn, UBND xã đã tổ chức đoàn đến kiểm tra hoạt động kinh doanh của quán ốc, xử phạt vi phạm về giấy phép kinh doanh, an toàn thực phẩm và nhắc nhở về việc hát karaoke gây ồn ào.

Bà Trần Kiều Diễm - cán bộ phụ trách văn hóa, xã hội UBND xã Vĩnh Lộc A - cho biết: “Chúng tôi tiếp nhận phản ánh của người dân qua rất nhiều kênh thông tin, sau đó thành lập đoàn, đến tận nơi xử lý. Với các trường hợp vi phạm lần đầu, chúng tôi lập biên bản nhắc nhở, yêu cầu cam kết khắc phục, không tái phạm. Việc xử lý kịp thời phản ánh của người dân góp phần ngăn chặn tình trạng hát karaoke quá ồn hoặc quá giờ”.

Cần chế tài mạnh hơn

Bà Lê Thị Ngọc Dung - Phó chủ tịch UBND Q.Bình Tân - cho biết UBND quận đã giao chủ tịch UBND phường phối hợp với công an phường chịu trách nhiệm chính trong việc xử lý tình trạng hát karaoke gây ồn ào. Bà nhận xét: “Mấu chốt vẫn là ý thức của người dân. Do đó, chúng tôi tập trung tuyên truyền, nhắc nhở là chính. Từ đầu năm đến nay, chúng tôi chỉ xử phạt hai trường hợp, mỗi trường hợp 200.000 đồng theo quy định tại Nghị định 167/2013”.

Theo Nghị định 167/2013, mức phạt chỉ từ 100.000-300.000 đồng. Lãnh đạo nhiều địa phương cho rằng, mức xử phạt này là quá thấp. Được biết, ngoài Nghị định 167/2013, còn có Nghị định 155/2016 quy định việc xử lý vi phạm về tiếng ồn với mức xử phạt lên đến hàng chục triệu đồng, nhưng quy trình xử lý, xử phạt ô nhiễm tiếng ồn theo nghị định này thường chỉ áp dụng đối với cơ sở sản xuất. 

“Trên thực tế, rất khó xử phạt theo Nghị định 155/2016 đối với hành vi hát karaoke vì nó chỉ diễn ra tức thời, không liên tục. Nếu theo Nghị định 155/2016, địa phương phải mời đơn vị có chức năng đến đo tiếng ồn nhưng đơn vị này cũng phải có thời gian chuẩn bị, không thể xuống ngay được. Lúc lực lượng đến nơi, có thể hành vi gây ồn đã không còn nữa” - một lãnh đạo UBND xã nói.

Ông Phan Huỳnh Tấn Khoa - cán bộ phụ trách môi trường, UBND xã Vĩnh Lộc A - cho biết nếu xử lý hành vi hát karaoke gây ồn theo Nghị định 155/2016 thì cấp xã không đủ thẩm quyền, nên cấp này chỉ kiểm tra, lập biên bản, tuyên truyền, vận động. 

Luật sư Trần Minh Hùng (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng, việc Chủ tịch UBND TP.HCM chỉ đạo xử lý nghiêm tình trạng hát karaoke gây ồn ào là đúng và lẽ ra, nên làm từ lâu. Hiện nay, việc mua thiết bị dễ dàng đã khiến “nhà nhà hát karaoke, người người hát karaoke”, gây phiền toái, mệt mỏi cho người khác. Theo luật sư Hùng, để dẹp được nạn hát karaoke “mọi lúc, mọi nơi”, cơ quan chức năng cần đưa ra giải pháp hiệu quả, đủ sức răn đe. Hát là một nhu cầu, nhưng ai muốn hát tại nhà thì cần có phòng cách âm. Ngoài ra, cần quy định giờ hát karaoke, thời lượng hát karaoke, không thể hát vô tội vạ, hát cả ngày lẫn đêm. 

Nước mắt đằng sau tiếng hát

Trong vai trò luật sư, tôi đã tư vấn nhiều vụ việc liên quan đến tiếng ồn karaoke bằng “loa kẹo kéo”. Nhiều người do bị tiếng ồn “tra tấn” trong thời gian dài nên tìm đến luật sư nhờ viết đơn khiếu nại. 

Có hai vụ án mạng xảy ra tại TP.HCM mà tôi làm luật sư bào chữa, tư vấn. Ở hai vụ án này, tôi cảm thấy oan nghiệt cho bị hại lẫn người phạm tội. Vụ thứ nhất khiến nạn nhân tử vong, người phạm tội bị tuyên án tử hình khi tuổi đời còn trẻ, có con nhỏ. Vụ việc xảy ra do một người thấy nhà đối diện hát, liền mang loa ra chĩa về phía đó để hát, dẫn đến mâu thuẫn, cầm kéo đâm nhau. Vụ thứ hai xảy ra khi nhóm nhậu tổ chức hát karaoke tại nhà, người hàng xóm sang nhắc nhở, bị cả nhóm đánh tử vong; vụ án này đang trong giai đoạn điều tra. 

Luật sư Trần Minh Hùng (Đoàn Luật sư TP.HCM)

Cần có quy định riêng về hát karaoke ở chung cư

Không chỉ ở các khu dân cư, người dân ở các chung cư cao tầng cũng khốn khổ vì nạn hát karaoke ồn ào. Theo tôi, cơ quan chức năng cần ban hành quy định riêng về việc hát karaoke ở các khu chung cư vì ở các chung cư, toàn bộ hành lang, lối đi đều kín, âm thanh bị “nhốt” lại khiến người nghe có cảm giác bị tra tấn. Quy định về hát karaoke ở chung cư cần được cụ thể hóa như: có nơi sinh hoạt riêng cho hoạt động giải trí, hát karaoke. Ở đó, có tiêu chuẩn về cách âm, giờ giấc, thời lượng hát… Quy định này có thể luật định hoặc đưa vào quy ước của chung cư.

Luật sư Nguyễn Tri Đức (Đoàn Luật sư TP.HCM)

Đề xuất xây dựng phần mềm điện tử đo độ ồn từ xa

UBND xã Vĩnh Lộc A vừa có báo cáo về công tác kiểm tra, xử lý các điểm karaoke tự phát và những phản ánh về tiếng ồn gây ảnh hưởng sức khỏe người dân. UBND xã này kiến nghị, cơ quan thẩm quyền cần có quy định thời gian hoạt động karaoke tự phát cụ thể, có thể đến 19g và chỉ được hoạt động một trong các ngày trong tuần, đồng thời đề xuất trang bị dụng cụ đo độ ồn và thiết lập hệ thống phần mềm điện tử đo độ ồn từ xa để đảm bảo tính pháp lý trong việc xử lý vi phạm hành chính đối với các trường hợp gây ồn.

Tiến sĩ tâm lý học Lê Minh Thuận (Trường đại học Y Dược TP.HCM):

Ô nhiễm tiếng ồn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe 

Ô nhiễm tiếng ồn trong nhà và ngoài trời đã được ghi nhận là một mối nguy hiểm nghiêm trọng đối với sức khỏe, tác động có hại ngày càng tăng như giảm thính lực và các tác dụng phụ ở mọi lứa tuổi, kể cả thai nhi. Tiếng ồn là một vấn đề sức khỏe cộng đồng quan trọng.

Tại các thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội còn có hiện tượng hát karaoke bằng loa di động tại các khu dân cư, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng sống. Việc phải nghe những âm thanh không muốn nghe, vượt quá ngưỡng sẽ ảnh hưởng lớn đến sức khỏe tâm thần. Hệ thần kinh căng thẳng, bất ổn sẽ kích thích hung tính tiềm ẩn nổi dậy, dẫn đến hành vi khó lường. Một số trường hợp đâm chém nhau vì nguyên nhân này đã xảy ra.

Tiếp xúc với tiếng ồn khi mang thai có thể dẫn đến mất thính giác tần số cao ở trẻ sơ sinh, chậm phát triển, tổn thương ốc tai, sinh non và dị tật bẩm sinh. Trẻ sơ sinh tiếp xúc với âm thanh trên 45 decibel có thể bị tăng huyết áp, nhịp tim, nhịp hô hấp, giảm độ bão hòa ô-xy và tăng lượng calo tiêu thụ.

Các cuộc khảo sát cho thấy, tiếng ồn ở nhiều dạng khác nhau là một trong những gánh nặng môi trường nghiêm trọng nhất. Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi năm, châu Âu mất đi một triệu năm sống khỏe mạnh do ảnh hưởng của tiếng ồn môi trường. Ngoài karaoke loa kéo, còn có hành vi bấm còi xe, rồ máy xe… đều cần có biện pháp cấm. Cũng cần lưu ý, nhiều trường hợp bệnh lý tâm thần mà tôi từng tiếp cận còn xuất phát từ thói quen nghe head-phone, nhất là ở lứa tuổi thanh thiếu niên.

Bác sĩ Chu Thị Dung - Phó khoa Khám bệnh I, Bệnh viện Tâm thần TP.HCM

Tiếng ồn có thể gây trầm cảm, lo âu

Về mặt tâm thần học, việc tiếp xúc với tiếng ồn cấp tính làm tăng kích thích sinh lý thông qua kích thích hệ thống nội tiết và hệ thống thần kinh tự chủ, dẫn đến sự gia tăng các hoóc-môn căng thẳng như catecholamine, adrenaline, noradrenaline và cortisol. Tiếp xúc với tiếng ồn mãn tính có thể gây ra sự kích hoạt kéo dài của các phản ứng này, có thể đưa đến sự hình thành các rối loạn trầm cảm và lo âu.

Trên thế giới, có nhiều nghiên cứu về tác động của tiếng ồn lên sức khỏe tâm thần. Các nghiên cứu đã xác định được mối liên quan giữa tiếp xúc với tiếng ồn môi trường và các triệu chứng trầm cảm, lo âu. Ngoài ra, có nghiên cứu xác định được mối liên quan của việc tiếp xúc với tiếng ồn môi trường đối với các rối loạn về cảm xúc và hành vi ở trẻ em, trong đó có tăng động.

Mỗi cá nhân đáp ứng với tiếng ồn khác nhau. Việc một cá nhân có phản ứng căng thẳng khi tiếp xúc với tiếng ồn môi trường mãn tính hay không phụ thuộc vào vô số yếu tố khác. Tôi cho rằng, những người không thể ứng phó hoặc có sức khỏe tinh thần kém nên tránh các khu vực ồn ào để tránh làm trầm trọng thêm các tác động sức khỏe khác của tiếng ồn, ví dụ như gây khó chịu và ảnh hưởng đến giấc ngủ. Tiếng ồn vào ban đêm có thể cản trở giấc ngủ, khiến tâm trạng kém và mệt mỏi vào ngày hôm sau, nhất là với những người đang có sức khỏe kém. Đặc biệt, trẻ em thường dễ bị tổn thương hơn trước tác động của tiếng ồn môi trường do các chiến lược ứng phó của cơ thể chưa được phát triển tốt. 

Quốc Ngọc (ghi)

Hoài An - Sơn Vinh

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI