Thế giới lo sợ trước làn sóng dịch bệnh mới

26/10/2021 - 06:46

PNO - Một lần nữa, số ca nhiễm COVID-19 có chiều hướng gia tăng tại nhiều nước trên thế giới, từ Mỹ, Anh, Nga đến Singapore, buộc nhà chức trách phải tìm cách tăng cường tiêm chủng bổ sung, áp đặt kế hoạch giãn cách mới nhằm bảo vệ bộ phận dân số dễ tổn thương nhất.

Số ca nhiễm tăng khi mùa đông đến gần

Tại Anh - một trong những nước tiêm chủng cho cư dân sớm nhất và hiện đã loại bỏ hầu hết các biện pháp giãn cách - số trường hợp mắc COVID-19 tăng cao đáng báo động kể từ tháng 7. Tờ Observer tiết lộ rằng chính phủ Anh đang xem xét thực hiện “kế hoạch B” để chống lại làn sóng lây nhiễm mới, trong bối cảnh một “vòng xoáy áp lực” đang bao vây dịch vụ y tế quốc gia (NHS).

Các bác sĩ cảnh báo rằng nhiều ca mổ đã bị hủy bỏ do thiếu nhân sự, các nhà khoa học cũng cảnh báo về “hỗn hợp bệnh hô hấp” trong mùa đông này, bao gồm COVID-19, cúm và virus hợp bào hô hấp (RSV) gây cảm lạnh. “Kế hoạch B” dự kiến bao gồm việc sử dụng hộ chiếu vắc xin tại các địa điểm có nguy cơ cao và tập trung đông người, cũng như hợp pháp hóa yêu cầu bắt buộc mang khẩu trang. 

Nhân viên y tế tiêm liều vắc-xin COVID-19 thứ ba cho cư dân cao tuổi ở thành phố Seville, Tây Ban Nha - ẢNH: EL PAÍS
Nhân viên y tế tiêm liều vắc xin COVID-19 thứ ba cho cư dân cao tuổi ở thành phố Seville, Tây Ban Nha - Ảnh: EL PAÍS

Ở những nước mà tỷ lệ tiêm chủng tụt hậu so với mặt bằng chung khu vực, tình hình còn tồi tệ hơn. Nga báo cáo có số ca nhiễm và tử vong do COVID-19 cao kỷ lục với đỉnh điểm là 1.075 người chết và 37.678 ca nhiễm mới vào ngày 22/10. Đất nước này đã tiến tới một tuần không làm việc nhằm mục đích ngăn chặn sự gia tăng mạnh về số ca bệnh. Chỉ khoảng 1/3 trong số 146 triệu người dân Nga đã tiêm chủng. Con số đáng thất vọng này khiến hệ thống chăm sóc sức khỏe quốc gia và các nhà lãnh đạo căng thẳng. 

Biến thể Delta rất dễ lây lan cũng đang bùng phát ở Trung Quốc và Úc, những nước đã theo đuổi chính sách không khoan nhượng với virus. Tại Mỹ, nơi các đợt bùng phát nghiêm trọng trong mùa hè hầu như đã lui dần, chính phủ đang mở rộng khả năng tiếp cận với đợt tiêm chủng tăng cường để cố gắng ngăn chặn một làn sóng khác.

Khi mùa đông đến gần ở Bắc bán cầu, hy vọng về việc vắc xin sẽ cung cấp một con đường giúp có thể nhanh chóng thoát khỏi cuộc khủng hoảng trở nên mong manh hơn. Các mũi tiêm đã chứng minh tính hiệu quả trong việc giảm ca bệnh nặng và tử vong, tuy nhiên không phải lúc nào chúng cũng ngăn chặn sự lây nhiễm hoặc lan truyền bệnh. Đồng thời, việc hiệu lực phòng bệnh của các mũi tiêm giảm dần theo thời gian khiến bức tranh chống dịch thậm chí còn phức tạp hơn so với một năm trước.

Arnaud Fontanet - nhà dịch tễ học tại Viện Pasteur, Pháp - cho biết: “Nhiệt độ dự kiến sẽ lạnh hơn, hiệu quả của vắc xin suy giảm và khoảng cách chênh lệch tiêm chủng gây khó khăn cho việc dự đoán diễn biến của dịch bệnh”.

Dù không nước nào giống nhau, nhưng có một số điều rõ ràng là những nước tiêm phòng sớm - như Israel, Mỹ và Anh - là những nước đầu tiên ghi nhận hiệu quả vắc xin giảm dần. Những biện pháp bảo vệ sức khỏe cộng đồng bổ sung - đeo khẩu trang hoặc giới hạn các cuộc tụ tập - dường như đem lại hiệu quả hơn. Mặt khác, những nước có nhiều người từ chối tiêm vắc xin đang chứng kiến viễn cảnh tồi tệ nhất.

Bảo vệ những đối tượng dễ tổn thương nhất

Tiêm chủng và giãn cách xã hội là điều kiện cần thiết để tái mở cửa nền kinh tế và bước vào giai đoạn “bình thường mới”, nhưng như vậy vẫn chưa đủ để giữ số ca nhiễm và tử vong ở mức thấp. 

Singapore bắt đầu mở cửa trở lại từ mùa hè và chuyển sang sống chung với COVID-19 sau khi tỷ lệ tiêm chủng đạt mức 80%. Nhưng cho dù quốc gia này duy trì quy định về đeo khẩu trang, biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt và chiến dịch tiêm chủng liều vắc xin tăng cường suốt hơn một tháng qua, số ca nhiễm trong đợt bùng phát mới nhất do biến thể Delta bắt đầu tăng nhanh sau khi nới lỏng kế hoạch chống dịch vào tháng Tám.

Tuần qua, Singapore quyết định giữ nguyên các biện pháp hạn chế xã hội thêm một tháng nữa và cảnh báo làn sóng lây nhiễm hiện tại có thể quật ngã hệ thống chăm sóc sức khỏe. 

Câu hỏi mà các nhà chức trách phải đối mặt là làm thế nào để ngăn chặn sự gia tăng ca nhiễm và tử vong ở những người lớn tuổi và những người có hệ miễn dịch kém. Số người tiêm chủng đầy đủ chiếm khoảng 30% ca tử vong trong tháng Chín, hầu hết trên 60 tuổi với các vấn đề về y tế tiềm ẩn, phù hợp với các nghiên cứu cho thấy rằng vắc xin tạo hàng rào bảo vệ kém hơn ở những người già và ốm yếu. 

Paul Tambyah, Chủ tịch Hiệp hội Vi sinh lâm sàng và nhiễm trùng châu Á Thái Bình Dương, cho biết: “Chìa khóa của vấn đề vẫn là tiếp cận những người cao niên chưa được tiêm chủng còn lại và bảo vệ những người dễ bị tổn thương nhất”. 

Tấn Vĩ (theo Bloomberg, Reuters, AP)

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI