Thế giới lao vào cuộc chiến mới với biến chủng vi-rút SARS-CoV-2

12/01/2021 - 06:01

PNO - Số ca nhiễm tăng bất thường ở Nam Phi đã dẫn đến việc phát hiện ra các biến chủng vi-rút SARS-CoV-2 và từ đó, thế giới tiếp tục chạy đua với thời gian trong nhiệm vụ ngăn cản COVID-19 lây lan.

Một tình nguyện viên ở Trung Quốc tham gia thử nghiệm vắc-xin COVID-19  do hãng Sinovac nghiên cứu. Cuộc chạy đua sản xuất vắc-xin đang tăng tốc  khi SARS-CoV-2 xuất hiện nhiều biến chủng đáng lo ngại hơn
Một tình nguyện viên ở Trung Quốc tham gia thử nghiệm vắc-xin COVID-19 do hãng Sinovac nghiên cứu. Cuộc chạy đua sản xuất vắc-xin đang tăng tốc khi SARS-CoV-2 xuất hiện nhiều biến chủng đáng lo ngại hơn

Kẻ thù mới

Cuối tháng 10/2020, các bác sĩ tại một nhóm bệnh viện ở Nam Phi nhận thấy sự gia tăng kỳ lạ về số lượng bệnh nhân COVID-19 trong khu vực. Con số tăng lên quá nhanh đặt ra câu hỏi: “Đây có phải là một chủng vi-rút khác hay không?”. Trong email nhóm vào đầu tháng 11/2020, một quan chức y tế nước này nêu lên khả năng vi-rút đã phát triển đột biến nguy hiểm.

Điều này giúp khởi động cuộc điều tra di truyền bắt đầu ở Durban, đánh động những chuyên gia dịch tễ trên khắp thế giới. Kết quả, các nhà khoa học phát hiện ra nhiều biến thể mới đáng lo ngại của vi-rút, dẫn đến việc đóng cửa biên giới, kiểm dịch và phong tỏa, đồng thời thúc đẩy phân phối vắc-xin.

Tại Anh, số ca nhiễm phải nhập viện tăng vọt trong những tuần gần đây kể từ khi phát hiện ra biến thể mới. Ước tính, vi-rút đột biến đã gây ra hơn 60% số ca nhiễm mới ở London và khu vực lân cận. Giống như bất kỳ loại vi-rút khác, SARS-CoV-2 thay đổi theo thời gian. Nhưng các chuyên gia giật mình với tốc độ mà những biến thể mới xuất hiện, tạo thêm tính cấp bách cho cuộc chạy đua giữa các hệ thống phòng thủ tốt nhất trên thế giới - tiêm chủng, phong tỏa và giãn cách xã hội. Biến thể mới gây chấn động ở Anh hiện được tìm thấy ở gần 45 nước, nhưng nhiều quốc gia không hiểu rõ vấn đề có thể tồi tệ như thế nào.

Rất lâu trước khi đại dịch bùng phát, các quan chức y tế công cộng đã kêu gọi giám sát di truyền thường xuyên đối với các đợt bùng phát. Nhưng bất chấp những lời cảnh báo này, nhiều quốc gia - bao gồm cả Mỹ - chỉ tiến hành một phần nhỏ các nghiên cứu bộ gen cần thiết để xác định mức độ phổ biến của các đột biến vi-rút mà ít quan tâm việc phát hiện thêm biến thể khác.

Thiếu sự giám sát và hiệu quả

Chỉ vắc-xin là không đủ để ngăn cản vi-rút. Thế giới sẽ còn mất nhiều năm để tiêm phòng, đạt mức miễn dịch cộng đồng nhằm hạn chế sự tiến hóa của SARS-CoV-2. Trong khi đó, giãn cách xã hội, đeo khẩu trang và rửa tay - cùng với việc kiểm tra, theo dõi và truy vết - có thể kéo dài thời gian và ngăn chặn sự gia tăng đột biến về số ca nhập viện, tử vong. Các chuyên gia cho biết, những chiến lược này vẫn có thể giúp chống lại vi-rút.

Tuy nhiên, giữa đại dịch, các chính phủ thường tỏ ra miễn cưỡng hoặc không thể phát động những biện pháp phòng thủ cơ bản trên. Nhiều quốc gia đã từ bỏ việc theo dõi và truy vết. Việc đeo khẩu trang vẫn bị lên án ở Mỹ, mặc cho bằng chứng rõ ràng về tính hiệu quả của nó. 

Vẫn còn nhiều điều chưa biết về các biến thể mới, hoặc thậm chí có bao nhiêu biến thể đang hình thành trên toàn thế giới. Các nhà khoa học đang chạy đua để giải mã đủ số lượng biến thể cần biết, nhưng chỉ một số ít quốc gia có đủ khả năng thực hiện điều đó ở mức độ thường xuyên. 

Sự lây lan nhanh chóng của các biến thể mới là một lời nhắc nhở về những thất bại và sai lầm của các quốc gia lớn trong việc ngăn chặn đại dịch. Giống như việc Trung Quốc không thể ngăn du khách lây truyền vi-rút trước tết Nguyên đán năm 2020, hoặc Anh ngần ngại ban hành lệnh phong tỏa trước sự lây lan của biến thể mới. 

Khi nhóm công tác của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhìn thấy dữ liệu đầu tiên về biến thể vi-rút SARS-CoV-2 ở Nam Phi vào ngày 4/12, tất cả đều quan ngại. Marion Koopmans - nhà vi-rút học người Hà Lan, thành viên nhóm chuyên gia WHO - cho biết: “Câu hỏi ngay lập tức được đặt ra là, liệu vắc-xin vẫn có thể bảo vệ chúng ta trước những đột biến này?”.

Jesse Bloom - nhà sinh học tiến hóa tại Trung tâm Nghiên cứu ung thư Fred Hutchinson ở bang Seattle (Mỹ) - cho biết câu trả lời hiện tại dường như là có. Nhóm của tiến sĩ Bloom đã phân tích 4.000 đột biến, tìm kiếm những đột biến khiến vắc-xin trở nên kém hiệu quả. Tiến sĩ Bloom khẳng định, sẽ mất vài năm nữa, các loại vắc-xin mới cần được điều chỉnh. Thế nhưng, tốc độ tiêm chủng là có hạn và số nạn nhân của COVID-19 - hiện vào khoảng 90 triệu người nhiễm và 1,9 triệu người tử vong - dự kiến ​​sẽ tăng lên.


Tấn Vĩ (theo NY Times)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI