Thế giới đã học cách thích nghi với COVID-19

01/01/2022 - 05:26

PNO - Với tỷ lệ tiêm chủng tăng lên, các biên giới được mở lại và nhiều quốc gia đang hướng tới một năm mới với nhiều quyền tự do hơn, mọi người trên thế giới đang cảm thấy nhẹ nhõm hơn sau một năm thực sự khó khăn.

Ai cũng có thể nhiễm COVID-19

Fareha Ahmed - sống tại Washington (Mỹ) - luôn thận trọng kể từ khi bắt đầu đại dịch. Vợ chồng cô đã tiêm phòng và tiêm nhắc lại, đứa con bảy tuổi cũng được tiêm chủng ngay khi đủ điều kiện. Vào giữa tháng 12, gia đình lần đầu tiên tham dự buổi họp mặt trong nhà với các gia đình khác. Dù có kết quả test nhanh âm tính ngay trước và sau bữa tiệc, đến ngày thứ ba, Ahmed bắt đầu cảm thấy không khỏe. Ngay hôm sau, xét nghiệm PCR của cô cho kết quả dương tính. 

Vượt qua năm 2021 đầy sóng gió, thế giới trông đợi một cuộc sống bình thường mới dễ dàng hơn vào năm 2022
Vượt qua năm 2021 đầy sóng gió, thế giới trông đợi một cuộc sống bình thường mới dễ dàng hơn vào năm 2022

Trên khắp nước Mỹ và thế giới, những người nghĩ rằng họ hiểu rõ và thực hiện đủ các biện pháp phòng COVID-19 vẫn bất ngờ nhiễm bệnh. Các biện pháp phòng ngừa an toàn vốn có như tiêm phòng, đeo khẩu trang, tránh tụ tập đông người trong nhà dường như không còn “bất tử” trước Omicron, một biến thể có khả năng lây truyền cao hơn nhiều so với những biến thể trước đó. Theo Robert Frenck - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu vắc xin tại Bệnh viện Nhi đồng Cincinnati, bang Ohio (Mỹ) - có lẽ rồi ai cũng nhiễm COVID-19, nhưng nếu đã được tiêm vắc xin, khả năng bệnh trở nặng là rất thấp. 

Vấn đề quan trọng hiện nằm ở việc bệnh nhân hạn chế lây nhiễm khi dương tính. Các nghiên cứu cho thấy khi kết thúc mười ngày nhiễm bệnh, cơ thể đã loại bỏ được phần lớn số virus hoạt động. Vì vậy, bệnh nhân cần cách ly tại nhà hoặc cơ sở y tế đủ lâu để đảm bảo không còn nguy cơ lây nhiễm. Khả năng miễn dịch của cơ thể rất phức tạp và mọi người vẫn có thể bị tái nhiễm, đặc biệt đối với Omicron. Theo một nghiên cứu gần đây, những người bệnh nhân là người trưởng thành đã khỏi bệnh nhưng chưa được tiêm chủng có nguy cơ tái nhiễm COVID-19 cao gấp đôi so với những người đã được tiêm phòng sau khi khỏi bệnh. 

Cuộc sống bình thường mới

Các chuyên gia cho rằng COVID-19 sẽ không còn là “đại dịch” vào năm 2022, nhờ tỷ lệ tiêm chủng toàn cầu tăng và sự phát triển của thuốc kháng virus. Thay vào đó, COVID-19 có thể trở thành căn bệnh “đặc hữu”, gắn liền với cuộc sống bình thường. Căn bệnh sẽ tiếp tục lưu hành khắp nơi trên thế giới, với xu hướng gây bệnh nhẹ hơn. Bệnh nhân có thể bị ho và chảy mũi, nhưng nếu tuân thủ khuyến nghị về mũi vắc xin bổ sung, họ sẽ được bảo vệ trước nguy cơ bệnh nặng hoặc nhập viện. 

Ngoài ra, nếu có con dưới năm tuổi, phụ huynh có thể mong đợi mũi tiêm cho trẻ vào năm 2022. Vắc xin Pfizer có khả năng được chấp thuận tại Mỹ vào đầu năm 2022, trong khi Moderna cũng dự kiến công bố kết quả thử nghiệm vắc xin cho nhóm tuổi dưới năm vào giữa tháng 1/2022.  
Sau tất cả những nỗ lực và sự hy sinh trong năm 2021, giờ đây chúng ta phải bảo vệ những gì đã đạt được với tư cách là một cộng đồng toàn cầu, góp phần giảm nguy cơ dịch bệnh bùng phát trở lại. COVID-19 có thể sẽ không biến mất nhưng nếu tất cả mọi người đều làm tốt vai trò của mình, chúng ta có thể sẵn sàng đối mặt những làn sóng lây nhiễm mới trong tương lai và giảm tác động của COVID-19 đến sức khỏe, nền kinh tế và cuộc sống hằng ngày. 

Ngọc Hạ (theo Washington Post, Al Jazeera, CNBC, WHO)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI