Thấy gì từ hiện tượng sinh con khi chưa kết hôn tăng cao?

22/08/2022 - 06:50

PNO - Việc sinh con khi chưa kết hôn đang là xu hướng gia tăng trên toàn thế giới. Tại nhiều nước châu Á, những người mẹ đơn thân phải chịu sự kỳ thị và rất nhiều khó khăn.

Tỷ lệ sinh con khi chưa kết hôn đã tăng vọt 

Theo dữ liệu mới ở Anh và xứ Wales, số trẻ sinh ra từ những bà mẹ chưa kết hôn hoặc không có người chung sống như vợ chồng đã vượt qua số trẻ sinh ra trong gia đình có đầy đủ chồng và vợ. Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh (ONS) cho biết, tổng cộng có 624.828 trẻ sinh ra ở Anh và xứ Wales vào năm 2021. Trong đó 320.713 trẻ là con của những người mẹ chưa kết hôn, chiếm 51,3%.

Đây là lần đầu tiên có sự chênh lệch này kể từ năm 1845. Kết quả thống kê trùng khớp với giai đoạn phong tỏa do đại dịch COVID-19, khi các cặp đôi không được phép tổ chức đám cưới. Tuy nhiên theo tiến sĩ James Tucker - người đứng đầu phòng phân tích sức khỏe tại ONS - các số liệu theo sau một “xu hướng về tỷ lệ kết hôn giảm và số lượng các cặp sống thử ngày càng tăng trong những thập kỷ gần đây”. 

Tại Trung Quốc, các quyền lợi như nghỉ thai sản được trả lương và bảo hiểm y tế vẫn chỉ dành cho phụ nữ đã lập gia đình - ẢNH: AFP
Tại Trung Quốc, các quyền lợi như nghỉ thai sản được trả lương và bảo hiểm y tế vẫn chỉ dành cho phụ nữ đã lập gia đình - Ảnh: AFP

Tương tự ở Mỹ, kể từ năm 1970, tỷ lệ sinh con khi chưa kết hôn đã tăng vọt. Năm 1965, có 24% trẻ em da màu và 3,1% trẻ da trắng được sinh ra bởi các bà mẹ đơn thân. Đến năm 1990, tỷ lệ này đã tăng lên lần lượt là 64%, và 18%. Ước tính mỗi năm có thêm khoảng một triệu trẻ em được sinh ra trong các gia đình không cha. Những nỗ lực của các nhà xã hội học nhằm giải thích sự gia tăng tỷ lệ sinh con khi chưa kết hôn cho đến nay vẫn chưa thuyết phục, dù một số lý thuyết được nhiều người ủng hộ.

Một trong số những lý do có lẽ là bởi sự phổ biến của các biện pháp tránh thai và phá thai. Từ đó, các đám cưới “chạy” khi người phụ nữ trót mang thai cũng trở thành dĩ vãng. Mặt khác, nhiều người đàn ông đã thay đổi thái độ về trách nhiệm trong việc người phụ nữ mang thai ngoài ý muốn. Họ từ chối chọn hôn nhân như một cách hợp thức hóa thai nhi, đẩy người mẹ vào lựa chọn phá thai, tự mình nuôi con hoặc cho đứa trẻ làm con nuôi.

Bị kỳ thị và gặp nhiều khó khăn

Theo báo cáo của Ban Dân số Liên Hiệp Quốc, trong số 140 triệu ca sinh trên thế giới vào năm 2016, khoảng 15% - tức 21 triệu trẻ - được sinh ra từ những người mẹ chưa kết hôn. Ở một nhóm khoảng 25 quốc gia, bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ và hầu hết các quốc gia ở Bắc Phi, Tây và Nam Á, tỷ lệ sinh con khi chưa kết hôn khá thấp, thường dưới 1%. Ở đó, việc sinh con ngoài hôn nhân gặp phải sự phản đối mạnh mẽ của xã hội. Bao gồm các biện pháp trừng phạt về cả vật chất lẫn tinh thần đối với người mẹ và người cha, cũng như sự kỳ thị đối với đứa trẻ.

Li Meng là người mẹ đơn thân ở Thượng Hải, Trung Quốc đang cố gắng nuôi dạy đứa con gái hai tuổi. Trong mắt xã hội, cô gần như là công dân hạng hai. Hàng triệu bà mẹ đơn thân như Li Meng đang phải vật lộn ở một đất nước mà việc sinh con khi chưa kết hôn luôn bị coi thường. “Khi quyết định sinh con, tôi vấp phải nhiều sự phản đối. Mẹ tôi nói tôi bị điên và cho rằng điều đó là không thể chấp nhận được”, Li nói. 

Năm 2016, Chính phủ Trung Quốc đã loại bỏ chính sách một con và bắt đầu khuyến khích người dân sinh thêm con khi tỷ lệ sinh giảm xuống. Nhưng các quyền lợi như nghỉ thai sản được trả lương và bảo hiểm y tế vẫn chỉ dành cho phụ nữ đã lập gia đình. Khi Li cố gắng đòi quyền thai sản của mình, cô ấy bị cản trở bởi việc không có giấy đăng ký kết hôn. Một báo cáo năm 2019 ước tính Trung Quốc có hơn 19 triệu bà mẹ đơn thân, bao gồm cả những người ly hôn và góa bụa.

Luật sư Dong Xiaoying - người sáng lập một mạng lưới hỗ trợ pháp lý cho các bà mẹ đơn thân - giải thích: “Những người phụ nữ này đang mắc kẹt. Không có luật trực tiếp nào nói rằng sinh con khi chưa kết hôn là bất hợp pháp… nhưng cũng không luật nào nói rằng việc đó không vi phạm pháp luật. Điều này khiến phụ nữ bị động bởi những cách giải thích khác nhau của từng chính quyền địa phương”. Thậm chí, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc đã tuyên bố vào năm 2017 rằng sinh con khi chưa kết hôn là “trái với trật tự công cộng và trái với đạo đức”.

Gần đây, nhiều phụ nữ Trung Quốc đã tìm thấy nguồn cảm hứng trong câu chuyện của gia đình vận động viên trượt tuyết tự do người Mỹ gốc Hoa Eileen Gu - người đã trở thành ngôi sao của cả nước sau khi giành huy chương Vàng tại Thế vận hội Bắc Kinh vào tháng 2/2022. Mẹ của cô, Yan Gu - người đã tự mình nuôi dạy Eileen - cũng thu hút nhiều lời khen ngợi và trở thành hình mẫu cho các bà mẹ đơn thân. Yu - một bà mẹ đơn thân 37 tuổi sống ở Thượng Hải cùng con trai hai tuổi - cho biết, bạn bè cô bao gồm cả những gia đình dị giới đã kết hôn, gia đình đồng giới, hoặc những cặp đôi chọn không sinh con và “tất cả cấu trúc gia đình này đều nên được coi là 
bình thường”. 

Ngọc Hạ (theo Sky News, Guardian, Japan Times, Yale Global)
 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI