"Thất học trong hôn nhân"

29/06/2016 - 05:44

PNO - Vì thiếu “vốn” khi kết hôn nên vào cuộc sống chung, các cặp đôi sẽ “vỡ mộng” về nhau, rơi vào tình trạng “khủng hoảng hậu kết hôn” không thể cứu vãn.

Chóng nở, rợp trời sắc thắm rồi nhanh chóng lụi tàn là những cuộc hôn nhân “phù dung”, thường để lại nỗi đau dai dẳng. Theo ThS-BS Nguyễn Lan Hải, vì thiếu “vốn” khi kết hôn nên vào cuộc sống chung, các cặp đôi sẽ “vỡ mộng” về nhau, rơi vào tình trạng “khủng hoảng hậu kết hôn” không thể cứu vãn; dẫn đến khoảng 60% các vụ ly hôn thuộc về gia đình trẻ dưới 30 tuổi (theo một số nghiên cứu tại TP.HCM).

Ly hôn "xanh"

Trong khái niệm “ly hôn xanh”, màu xanh không gợi mở một sức sống, một hy vọng nào; mà là một dấu chấm hết buồn bã khi cặp đôi chỉ mới xuất phát, khi đời sống vợ chồng vẫn còn xanh non. Trong nhiều trường hợp, “hạn sử dụng” của hành trình trăm năm rút lại chỉ còn… 5 năm đã khiến người trong cuộc ngán đến tận cổ. “Anh ấy đã không còn như ngày xưa em thương nữa, mà đã thành con người hoàn toàn khác” - chị Nguyễn Kim Yến (21 tuổi, công nhân) nức nở khi đang cầm viết bổ sung chi tiết vào đơn ly hôn tại TAND H.Củ Chi (TP.HCM).

Cái bầu vượt mặt của chị khiến ai nhìn cũng ái ngại cho những ngày sắp tới, nhưng nó cũng chính là “giọt nước tràn ly” giúp chị mạnh dạn quyết định. Chồng không chỉ chơi bời, say xỉn, gây nợ mà còn đánh chị suýt sẩy thai khi chị đề nghị anh ta đưa tiền để khám thai, đóng tiền nhà trọ. Ly hôn gấp trở thành giải pháp để chị cắt nợ đời, giữ an toàn tính mạng cho hai mẹ con.

Thời nay, hôn nhân là tự nguyện, là tự do chọn lựa, không còn chuyện “cha mẹ đặt đâu, con ngồi đấy”. Vậy xu hướng ly hôn xanh là do đâu? Do các bạn trẻ không biết chọn người thích hợp? Do hôn nhân quá ràng buộc, hạn chế sự phát triển cá nhân? Do sức chịu đựng của người trẻ giảm? Do giá trị của gia đình, của nghĩa tình trong mắt người trẻ đã trở nên bèo bọt và họ có nhiều cơ hội để thay đổi, để chọn lại? Hay do họ muốn tìm kiếm một cuộc hôn nhân khác với chất lượng cao hơn?

Giai đoạn đầu của hôn nhân với những đối chọi của sự khác biệt về tâm sinh lý, những bất đồng vụn vặt được xem là giai đoạn có nguy cơ cao. Sự chào đời của đứa con, dù là kết quả của tình yêu, nhưng cũng là một thử thách quan trọng khiến bố mẹ trẻ lúng túng, thiếu hụt, xung khắc… Nếu được trang bị đủ “vốn” khi kết hôn, hạnh phúc gia đình sẽ được duy trì, bồi đắp.

Ảnh mang tính minh họa

Có thể “tìm vốn” bằng cách học hỏi. Học từ gia đình, người quen, tham gia các lớp học của các chuyên viên tâm lý, chuyên viên giới tính. Học các bí quyết nuôi dưỡng hạnh phúc gia đình, chăm sóc và giáo dục con cái, những cách duy trì mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu… Trước khi kết hôn, các bạn trẻ còn cần đưa nhau đi khám sức khỏe để lường trước những nguy cơ sức khỏe và tham gia các lớp học tiền hôn nhân, thai giáo. Việc "cầu học" nghệ thuật chung sống phải càng sớm càng tốt, nếu đợi đến khi cuộc hôn nhân đã “suy dinh dưỡng” rồi mới tìm cách “chữa cháy” thì sẽ chẳng còn tác dụng gì.

Sống thử sao bằng học thật

Theo ThS-BS Nguyễn Lan Hải, “vốn liếng” của người muốn lên xe hoa rất đa dạng, nhưng nhìn chung có ba nhóm: kiến thức, kỹ năng và tài chính.

Cụm từ nghe có vẻ lạ tai “thất học trong hôn nhân” giờ đang là vấn đề đáng suy ngẫm đối với các bạn trẻ. Có một nghịch lý là bất cứ việc gì, nghề gì chúng ta cũng buộc phải học, chỉ có “nghề” làm vợ chồng, làm cha mẹ, tuy phải thực hiện suốt đời nhưng lại ít người chịu học hỏi. Về kiến thức hôn nhân, các bạn trẻ hãy học ngay từ bố mẹ trước. Bố mẹ nào giỏi cung cấp kiến thức, con cái sẽ được nhờ.

Ngày nay, các bạn trẻ rất giỏi ngoại ngữ, tin học, nhưng lại mù về giới và càng tai hại hơn là không biết mình đang mù! Lỗi ấy, trước hết thuộc về bố mẹ. Nhiều bạn trẻ cho rằng mình “biết cả rồi” không cần phải học, nhưng thật ra, họ biết những điều không chính thống và khi đụng chuyện thì không biết xử lý thế nào, đến khi đổ vỡ thì mới thấy hối hận.

Thay vì sống thử để trải nghiệm hôn nhân, việc cần thiết hơn phải là “học thật, học đúng” để đảm bảo cô dâu chú rể có thể bước vào cuộc sống chung thật tự tin, nghiêm túc. Hiểu biết để yêu thương người bạn đời cả từ những khác biệt về giới, về tính cách, hoàn cảnh. Trong hôn nhân, sự tranh giành hơn thua là điều tối kỵ, bởi “ai thắng cũng là người thua”. Nếu cá tính trong cuộc sống được đánh giá cao bao nhiêu thì cá tính, cái “tôi” quá lớn của mỗi người, lại là kẻ thù số một của hôn nhân.

Điều nguy hiểm là bản thân người trong cuộc thường đổ vấy mọi vấn đề cho “bên kia”, tin là mình đã chọn lầm người. Chọn lầm thì chọn lại và những cuộc hôn nhân cứ đến rồi đi trong bẽ bàng chỉ vì người trong cuộc không biết tự nhìn nhận lại bản thân. Sự mạnh mẽ để đi đến quyết định ly hôn, làm lại từ đầu là cần thiết, nhưng sẽ đáng quý hơn nữa nếu biết dùng sự mạnh mẽ ấy để thay đổi bản thân, để giúp bạn đời sống tốt, vượt qua những bất đồng để bảo toàn mái ấm. Hạnh phúc chắc chắn sẽ tìm thấy nếu người trong cuộc có kỹ năng quản lý cảm xúc, có kỹ năng ra quyết định, biết quản lý tốt các mối quan hệ với cha mẹ, gia đình hai bên.

Tài chính cũng là vấn đề lớn đẩy nhiều cặp vợ chồng trẻ đến “nội chiến” triền miên. Nhiều bạn trẻ, trong giai đoạn yêu đương không hề quan tâm đến chuyện chi tiêu của nhau, để khi về chung sống thì thất vọng, dẫn đến xung đột. Sức “sát thương” từ những xung đột này khiến họ mất tin tưởng về nhau, dẫn đến “ly hôn xanh”. Hôn nhân chân chính là khi hai người chọn chung sống dù hoàn toàn có thể sống độc lập, chứ không phải là tìm người để dựa dẫm.

Phi Khanh - Diệu Hiền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI