Tết Trung thu rước đèn đi chơi

27/09/2015 - 07:59

PNO - Đêm Trung thu, người ta không còn đoàn tụ với nhau ở nhà, ngắm trăng chờ phá cỗ nữa, họ kéo đến những nhà hàng, quán bar, nightclub...

Tet Trung thu ruoc den di choi
Ảnh: Duy Trân

Sắp Rằm tháng Tám, các cửa hàng đã bày biện bánh Trung thu, nhiều mẫu mới, hương vị mới, pha trộn giữa Tây và ta, bắt mắt hơn, lạ và hấp dẫn hơn. Nhưng cũng như những thứ khác, khi có nhiều cái mới xuất hiện, những gì cũ kỹ cũng sẽ phai nhạt đi, bị thay thế và bị biến hóa.

Trung thu ngày trước là dịp để gia đình đoàn viên, con cháu xum vầy. Dịp để trẻ con tung tăng vui sướng trong trí tưởng tượng vô hạn. Những mâm cỗ trái cây với các con giống mộc mạc đơn giản, những chiếc đèn lồng thủ công giấy bóng kiếng lung linh đẹp mắt vào ban đêm khi ngọn đèn cầy được thắp lên.

Đám trẻ con rồng rắn nối đuôi nhau tay cầm lồng đèn cùng hát vang trời, rồi về lại nhà, chờ trăng thật tròn thật sáng, phải nhìn thấy được chiếc bóng mờ mờ của chị Hằng và chú Cuội in trong trăng, để cùng nhau phá cỗ; thích thú với những chiếc bánh nướng, bánh dẻo thơm nhẹ, cắn dè chừng từng miếng nhỏ để ngậm lại lâu hơn trong giờ khắc của đêm Rằm.

Niềm vui trong trẻo tràn đầy không gian cổ tích ấy không còn nữa. Không biết tự bao giờ, Trung thu dần dần không còn là một cái Tết cho thiếu nhi.

Trung thu bây giờ là dịp để người lớn “thể hiện” mình. Nhìn quanh các mạng xã hội và trên facebook, nhà nhà làm bánh, người người bán bánh, mọi người thi đua mua, chỉ để cho người khác nhìn thấy mình cũng có mua, mua rất nhiều, cảm tưởng như chỉ cần với tay ra là chạm vào bánh.

Họ cố gắng nhồi nhét những hiểu biết về ẩm thực của mình vào nhân bánh. Những cái tên dịch từ hương vị ngoại quốc được dán ngoài hộp bánh.

Đâu còn cảm giác háo hức, náo nức chờ được ăn chiếc bánh chỉ một mùa mới có, chỉ vài hàng nổi tiếng mới bán. Mà thường, cái gì nhiều quá thì ít ai quý, ít được trân trọng.

Đôi khi, tôi có cảm giác mùa Trung thu chỉ là dịp để người lớn tặng nhau những chiếc bánh, qua đó gửi một “thông điệp” nào đấy đến với người nhận. Có những hộp bánh kèm theo rượu mạnh, phong bì.

Những trường hợp ấy, bánh chỉ là cái cớ. Có những hộp bánh để nhắc nhở hoặc “đặt cọc” cho một sự nhờ vả trong tương lai. Có những hộp bánh tặng kiểu dây chuyền, qua tay nhau, thỉnh thoảng lại quay trở về… chính tay người tặng đầu tiên.

Các chương trình PR cho doanh nghiệp rộn ràng Rằm tháng Tám. Mua sản phẩm được tặng bánh Trung thu, các hội thảo, hội nghị rút thăm trúng thưởng bánh Trung thu.

Những tinh hoa chắt lọc của mùa Trung thu được thể hiện qua chiếc hộp đựng bánh; hộp càng sang, càng đẹp, càng có vẻ đắt tiền thì giá trị người nhận càng tăng lên.

Một nửa chi phí thật của những cái bánh nằm ở chiếc hộp. Rồi vài ngày sau, các thùng rác chứa đầy những chiếc hộp đẹp đẽ này, còn bánh có khi mốc cời lên, bị bỏ phí vì ai cũng muốn giảm cân, ăn kiêng, cữ ngọt, bớt tinh bột.

Đêm Trung thu, người ta không còn đoàn tụ với nhau ở nhà, ngắm trăng chờ phá cỗ nữa, họ kéo đến những nhà hàng, quán bar, nightclub, cũng chỉ là một đêm thoải mái ăn uống vui chơi như đêm cuối tuần nào đấy mà thôi.

Chú Cuội, chị Hằng, Thỏ Ngọc đã thật sự là cổ tích thất truyền, mà cổ tích thì ai cũng biết, là những chuyện không có thật, nên có tồn tại hay không cũng không còn là điều quan trọng nữa.

Thế nhưng, dù thế nào đi nữa, tôi vẫn tin rằng, mai sau thế hệ mầm non khác, khi lớn lên vẫn sống cùng ước mơ thánh thiện và trong trẻo như chúng ta của ngày xưa: “Tết Trung thu rước đèn đi chơi. Em rước đèn đi khắp phố phường…".

Lê Phương Thảo

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI