Tết đến muộn ở làng ly hương

18/01/2020 - 15:46

PNO - Ngày 24 tháng Chạp, nhiều căn nhà ở xã Phổ Cường, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi vẫn còn cửa đóng, then cài đợi chủ nhân trở về. Tết ở “làng ly hương” thường đến muộn hơn những nơi khác…

7 giờ sáng ngày 24 tháng Chạp, chợ Đức Phổ (tỉnh Quảng Ngãi) vẫn chỉ có lưa thưa người qua lại, giống như cảnh chợ ngày thường. Chị Minh (tiểu thương ở chợ Đức Phổ) cho biết: “Năm nay có lẽ “việt kiều hủ tiếu” ở thành phố về muộn nên chợ còn vắng. Chắc phải cận ngày chợ mới đông”.

“Việt kiều hủ tiếu” là cụm từ người dân ở huyện Đức Phổ hay gọi vui khi nói về những người tha hương bán hủ tiếu gõ ở TPHCM. Gọi là “việt kiều” vì những người tha hương bán hủ tiếu gõ mỗi năm cũng chỉ về quê ăn tết một lần như những người ở nước ngoài. Thậm chí, có những người làm ăn khó khăn, vài năm mới về quê một lần.

Ngày 24 tháng Chạp, chợ Đức Phổ vẫn chưa có không khí mua bán ngày Tết.
Ngày 24 tháng Chạp, chợ Đức Phổ vẫn chưa có không khí mua bán ngày Tết

Dạo theo trục lộ chính chạy ngang UBND xã Phổ Cường, chúng tôi nhận ra những căn nhà khang trang nhưng vẫn còn cửa đóng then cài. Trước những căn nhà này, cỏ mọc um tùm vì lâu ngày không được dọn dẹp.

Ông Lâm Hương, ngụ thôn Nga Mân, xã Phổ Cường lý giải: “Năm nay, chắc buôn bán khó khăn nên con em làm ăn xa quê về muộn. Mọi năm, qua ngày 20 tháng Chạp là nhiều căn nhà đã sáng đèn rồi, nhưng năm nay thì chưa”.

Nhiều căn nhà khang trang ở Phổ Cường vẫn cửa đóng, then cài chờ chủ về trong những ngày Tết.
Nhiều căn nhà khang trang ở Phổ Cường vẫn cửa đóng, then cài chờ chủ về trong những ngày Tết

Nhà ông Lâm Hương có 8 người con đều tha hương mưu sinh bằng nghề hủ tiếu. Năm nay, dịch tả heo châu Phi và sau đó là “cơn lốc” thịt heo tăng giá khiến những người bán hủ tiếu gõ điêu đứng. Hiện nay, giá thịt heo đã bình ổn, cùng với việc buôn bán cuối năm ổn định nên nhiều người cố nán lại bán đến ngày gần cuối năm mới về để kiếm thêm một khoản tiền chi tiêu đợt Tết.

“Có đứa gọi điện về báo là đến ngày 29 Tết mới bắt xe về. Bán thêm ít ngày giáp tết để kiếm thêm một ít sắm sửa quà”, ông Lâm Hương nói.

Tết đã cận kề nhưng nhiều con đường ở xã Phổ Cường vẫn thưa người qua lại vì người làm ăn xa quê chưa về.
Tết đã cận kề nhưng nhiều con đường ở xã Phổ Cường vẫn thưa người qua lại vì người làm ăn xa quê chưa về

Theo thống kê từ UBND xã Phổ Cường, toàn địa phương có hơn 46% dân số rời quê mưu sinh, con số này tương đương với khoảng gần 7.400 người. Ở lại quê đa số là người già và trẻ em nên thường ngày làng xóm rất vắng vẻ.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, những người còn bám trụ lại xã Phổ Cường hiện nay đa số sinh sống nhờ trồng lúa và hoa màu. Sau đợt nắng hạn kéo dài hồi những tháng hè, hiện nay, bà con nông dân mới xuống giống gieo sạ được hơn một tháng. Trong khi đó, thời tiết dịp cuối năm diễn biến rất bất thường. Ban ngày nắng gắt, về đêm thì sương xuống trắng đồng, bà con lo diện tích lúa đã gieo sạ bị hư nên những ngày cuối năm họ vẫn bám ruộng đồng.

Nông dân ở làng ly hương vẫn tất bật với ruộng đồng khi Tết đã cận kề.
Nông dân ở làng ly hương vẫn tất bật với ruộng đồng khi Tết đã cận kề

Ngày giáp Tết, người dân ở khắp nơi đang nô nức mua sắm đón năm mới. Tuy nhiên, ở làng ly hương lại từng ngày ngóng đợi những người con làm ăn xa quê trở về. Tết ở làng ly hương đến rất muộn và rồi cũng kết thúc rất sớm. Bởi thông thường, những người làm ăn xa thường về ăn Tết những ngày cuối năm rồi tất tả rời quê khi còn chưa hết bảy ngày Xuân.

Nông dân Tạ Văn Mật (ngụ xã Phổ Cường, huyện Đức Phổ) cho biết: “Vụ hè thì lúa chết cháy, coi như bỏ trắng rồi. Sau đợt nắng nóng, chúng tôi sạ ruộng xuống thì bị chuột cắn phá hết. Hiện nay thời tiết đang hủy hoại hoa màu, kiểu như thế này chắc Tết chúng tôi phải chật vật vì cây lúa bị sâu bệnh”.

Sơn Vinh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI