Tết này, Khang A Tủa ăn tết như người Kinh

18/01/2020 - 11:08

PNO - Từ căn nhà cheo leo trên mỏm đá của xã Chế Cu Nha (huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái), Khang A Tủa vượt hàng trăm cây số để ghi tên mình vào Trường đại học Bách khoa Hà Nội; rồi hơn ngàn cây số để trở thành một trong 54 sinh viên đồng kiến tạo khóa đầu tiên của Đại học Fulbright Việt Nam ở TPHCM với tỷ lệ chọi gắt gao.

 Giữa hai khoảng thời gian này, Tủa cũng “bỏ túi” được kha khá “vốn liếng xã hội” từ việc thành lập dự án cá nhân, điền dã trong chính dân tộc mình để viết sách, làm việc cho Viện Nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường (iSEE). Tất cả đều hướng đến một điều duy nhất: cộng đồng người Mông, quê hương bé nhỏ của Tủa.

Câu chuyện tìm đến sự học của chàng trai người Mông 25 tuổi đã truyền đi một thông điệp xã hội hết sức tích cực, để rồi trong đêm Gala WeChoice Awards 2019 diễn ra vừa qua, Tủa xuất sắc được tôn vinh trong top 5 đại sứ truyền cảm hứng của năm. Không ít người gọi đó là một hành trình cổ tích đẹp đẽ giữa đời thường. Điều đó dĩ nhiên đúng. Nhưng hấp dẫn tôi hơn cả ở anh chàng người Mông này lại là một hành trình khác: Hành trình kiến tạo văn hóa. 

Gia đình Khang A Tủa sum vầy bên bếp lửa - Ảnh: WeChoice Awards
Gia đình Khang A Tủa sum vầy bên bếp lửa - Ảnh: WeChoice Awards

Ngày gặp Tủa là những ngày cuối cùng ở Sài Gòn trong năm nay, trước khi cậu bay ra Hà Nội, để tham gia sự kiện “Tết Mông xuống phố” cùng bạn bè mình và dự WeChoice Awards; sau đó ngược hơn ba trăm cây số để về lại mỏm đá ở Chế Cu Nha, ăn tết cùng gia đình. 

Người Mông  không còn Tết Mông

Vì thế, Tủa buồn.

Trong hầu hết các bài báo, phát ngôn về tôi, mọi người thường gọi là “dân tộc Hơ-Mông” và viết là “H’Mông”. Điều đó không chính xác. Chính xác thì tôi là người Mông. Người Mông chúng tôi tự gọi mình là “HMOOB”, nghĩa là con người, hoặc những con người. Trong đó, “H” là âm câm (giống chữ “h” trong từ “hour” của tiếng Anh), “OO” phát âm gần giống “ông” trong tiếng Việt còn “B” là âm mũi, khi nói không hoàn toàn phát ra tiếng mà chúng tôi không thể giải thích cho các bạn hiểu nếu không làm ví dụ trực tiếp. Trong tiếng Việt, vốn không có âm câm, không có âm mũi, nên cách phát âm và ký âm gần nhất với tộc danh HMOOB chính là “Mông”.

Khang A Tủa

Khi còn là một cậu học sinh người Mông ở Mù Cang Chải, Khang A Tủa chẳng mấy lưu tâm đến văn hóa Mông, chữ Mông, tiếng Mông. Sau này xa nhà, mỗi năm chỉ được về một hai lần, Tủa mới bắt đầu thấy nhớ cái chất người Mông, cái không khí quê hương “vẫy gọi” trong mình. 

Khi người Mông còn ăn tết theo lịch truyền thống của dân tộc, Tủa cũng chẳng mấy để ý tết đó có gì khác lạ. Nhưng khi tết của người Mông “được vận động ăn chung một tết” với tết Nguyên đán của cả nước, cậu mới bắt đầu nhận ra những cái hay, cái khớp với lịch nông nghiệp, với những quan niệm về cuộc sống, về tâm linh của tết Mông cũ.

Chẳng hạn, tết của người Mông là tết nông nghiệp, dựa vào chu kỳ trăng để tính ngày; mỗi năm sẽ có 12 tháng ứng với 12 con giáp gồm Luav, Zaj, Nab, Nees, Tshis, Liab, Qaib, Dev (Auv), Npua, Nas, Twm (Nyuj), Tsov (tức Thỏ, Rồng, Rắn, Ngựa, Dê (Cừu), Khỉ, Gà, Chó, Lợn, Chuột, Trâu (Bò), Hổ); mỗi con giáp lại có vai trò khác nhau trong cách tư duy về thế giới của người Mông. Kết thúc vụ mùa, người Mông sẽ tổ chức ăn tết như một lễ hội cuối năm, ăn mừng năm qua, cầu mong sự phù hộ cho năm tới.

Hay chẳng hạn, tết của người Mông là sợi dây kết nối ý niệm văn hóa của cộng đồng Mông; gồm cả lễ và cả hội, diễn ra trong khoảng 20 ngày của Twm hli (tháng 11) hoặc Tsov hli (tháng 12) trong năm, hoặc đan xen giữa hai tháng này, tùy vụ mùa của năm đó.

Thế nhưng, khi công cuộc vận động bắt đầu diễn ra từ năm 2013 đến ngày 18/12/2018, sau công văn số 30/TB-UBND của UBND xã Pà Cò, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình đã gửi đi thông điệp “Tết cổ truyền của đồng bào dân tộc Mông bốn xã (xã Lóng Luông, xã Vân Hồ của huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La và xã Pà Cò, xã Hang Kia của huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình) chuyển sang ăn tết Nguyên đán của cả nước”, đồng bào người Mông trên khắp Việt Nam chính thức không còn tổ chức ăn tết theo lịch nông nghiệp truyền thống của mình, mà sẽ ăn Tết theo Tết Nguyên đán của cả nước, ứng với tháng Hai - Ba trong lịch của người Mông với các con giáp mang thiên hướng âm tính là Rồng (Zaj), Rắn (Nab). Hai con giáp này đều là những con giáp thể hiện điều không may trong thế giới quan của cộng đồng này. 

Tủa không hiểu vì sao, mấy năm nay, cộng đồng của cậu phải làm những cái lễ linh thiêng nhất, những hội hè vui vẻ nhất vào hai tháng xấu nhất trong năm. Cậu cũng không hiểu lý do gì, cộng đồng của cậu phải vừa xuống ruộng cày vừa đi ăn hội, vừa làm lễ; vì tháng Hai - Ba âm lịch cũng là mùa người Mông bắt đầu làm nương ngô, lấy củi và làm lúa vụ đông xuân.

Tết Mông ở Mỹ cũng trải qua một quá trình đấu tranh, chứ không hề đơn giản. Họ có rất nhiều cuộc nói chuyện trực tiếp, trao đổi, lẫn thương lượng giữa các thế hệ, giữa các cộng đồng khác nhau để thống nhất các dữ kiện tết với nhau. Điều đó giúp cho họ thuộc về cái tết đó, không giống ở nước ta, chẳng hạn quê Tủa, các vị chức sắc trong bản sẽ ngồi chờ cán bộ xuống một cách thụ động, rồi mới quyết định năm nay ăn tết Mông hay tết Kinh. 

Cậu sinh viên Fulbright dẫn lời một vị học giả đưa ra một ví dụ về cái hang rất hay. Đại ý, mỗi chúng ta đều có cái hang của riêng mình. Dân tộc đa số đang ngồi trong cái hang của họ, tất cả những gì họ biết/nghĩ về dân tộc thiểu số là cái bóng của người thiểu số, thông qua truyền thông, mạng xã hội, các kênh truyền tải, mà không phải từ chính dân tộc đó. 

Đề xuất môn học văn hóa bản địa

Còn nhớ, trong vòng phỏng vấn chính thức để vào Đại học Fulbright, khi được các giáo sư trong hội đồng tuyển sinh hỏi: “Nếu được kiến tạo một môn học mới trong năm đồng kiến tạo, em sẽ đề xuất gì?” thì Khang A Tủa trả lời ngay lập tức: “Một môn học về văn hóa bản địa”.

Tôi hỏi: “Vì sao Tủa lại chọn văn hóa bản địa?”

Tủa giải thích: “Tôi lớn lên và được giáo dục trong một môi trường mà thầy cô giáo không hiểu về văn hóa của người Mông. Việt Nam có hơn 54 dân tộc anh em; vì thế, tôi nghĩ nên có một môn học về văn hóa bản địa hoặc đa dạng văn hóa ở các trường đại học, bất kể chuyên ngành gì.  

Nhiều chuyên gia trong các lĩnh vực đều đồng ý với nhau một điều, khái niệm “đa dạng văn hóa” được dạy ở Việt Nam không phải là một thứ đa dạng văn hóa nguyên trọn, mà chỉ là một góc nhìn của dân tộc Kinh - dân tộc chiếm gần 90% tổng số dân Việt Nam; làm cho khái niệm đó chưa được hiểu đủ sâu, đủ tầm nghĩa khác biệt; để người ta hiểu sự cần thiết của đa dạng văn hóa ấy.

Có một thời gian, khi tôi nói mình là người Mông, người ta hỏi luôn: “Chỗ cậu có bao nhiêu người tự tử bằng lá ngón? Còn thuốc phiện, còn tảo hôn không?”. Nói chung, những gì xấu xa mà truyền thông nhắc đến, người ta sẽ hỏi tôi và nghĩ tôi thuộc về thế giới đó. Những cái tốt đẹp của cộng đồng Mông lại không được giới thiệu, hoặc giới thiệu có khi không chính xác. Tôi nghĩ ở nước ta, “dân tộc thiểu số” vẫn được gắn vào một định nghĩa về sự hoang dã, xa xôi. Và những gì được cho là lạc hậu, mê tín dị đoan, kém văn minh hoặc khác biệt một chút, sẽ bị gán cho “dân tộc thiểu số”. Bản thân cái từ đó, với chúng tôi, mang nghĩa tiêu cực và bị đẩy ra ở hai thái cực giữa “mình” và “họ”. Ngoài bị chê bai, đôi khi người dân tộc thiểu số bị lung linh hóa, như những con người hiếu khách, chân thành, chất phác… Nhưng điều quan trọng là ít khi những người dân tộc thiểu số được nhìn nhận như những con người bình thường”. 

Rồi Tủa đặt câu hỏi: “Nếu có một môn học chính thức như vậy trong chương trình giáo dục, thì lúc đó, thái độ với sự khác nhau của các nền văn hóa cùng chung sống với nhau sẽ thế nào? Có phải sẽ giúp ta hiểu sự liên tồn tại của những nền văn hóa này, thay vì sự tồn tại theo thứ bậc nào đó như cách phần đông chúng ta được dạy, được nghe nói đến?”. 

Lời phản biện với tác phẩm Vợ chồng A Phủ

Khang A Tủa dẫn một ví dụ rất điển hình để cắt nghĩa cho sự cần thiết đó, đó là tác phẩm Vợ chồng A Phủ của nhà văn Tô Hoài. 

Lâu nay, khi nhắc đến Vợ chồng A Phủ, bạn đọc hay nhớ đến những thực hành văn hóa của người Mông như cướp vợ, làm dâu gạt nợ… rồi đổ lỗi, phán xét khi cho rằng đó là những hủ tục lạc hậu, cần phải bỏ. Song, tác giả truyện ngắn là Tô Hoài - một nhà văn người Kinh, có thể vì chưa hiểu ngôn ngữ và văn hóa của người Mông một cách đầy đủ, nên có những điều viết ra chưa chính xác. Khi tác phẩm được đưa vào sách giáo khoa phổ thông, vô hình trung tạo nên một lớp suy nghĩ quen thuộc và tái trình diễn đối với cộng đồng người này. 

Chẳng hạn, khi được chuyển ngữ và diễn giải trong văn hóa Việt, từ “đón/dẫn vợ” trong văn hóa Mông bị bóp méo thành “kéo/cướp vợ”, tạo ra một cách hiểu bạo lực cho nền văn hóa ấy. Bản thân người Mông thế hệ sau này cũng sẽ tin vào cách diễn giải một cách chính thống trong sách giáo khoa đó mà thực hành trái đi. 

Tôi hỏi Tủa có sợ vấp phải chỉ trích khi “phản biện” lại Vợ chồng A Phủ - vốn được xem là một tác phẩm kinh điển của văn học Việt Nam? Tủa nói: “Tôi từng đăng một phần suy nghĩ của mình về tác phẩm này, thì nhận được rất nhiều ý kiến trái chiều. Nhưng ý tôi muốn nói ở đây, hãy trả Vợ chồng A Phủ về với vai trò là một tác phẩm văn học nghệ thuật, đừng xem nó là một tác phẩm chính thống và duy nhất nói về người Mông. Tôi nghĩ khi viết tác phẩm này, có lẽ nhà văn Tô Hoài cũng không hình dung được tác phẩm của ông sẽ áp đặt một cách nghĩ/hiểu duy nhất về người Mông. Ông cũng không nghĩ đến việc tác phẩm sẽ được đưa vào chương trình sách giáo khoa, cho đến khi các nhà soạn sách giáo khoa đưa vào và trình ra một bộ khung giảng dạy đi kèm để áp dụng trên cả nước. Vì thế mới có chuyện một người bạn của tôi khi giải thích về tục kéo vợ theo cách của người Mông trong bài thi học kỳ về tác phẩm này, đã bị cô giáo cho điểm rất thấp.

Những điều tương tự như thế chỉ có thể được thay đổi nhờ giáo dục. Không phải giáo dục đại trà mà là giáo dục sư phạm, dành cho thầy cô, vì họ là những người ảnh hưởng trực tiếp đến học sinh. Theo tôi, thầy cô mà không hiểu về văn hóa Mông hay bất cứ văn hóa nào khác thì không thể dạy đúng được”.

Khái niệm “văn minh” hiện nay bạo lực quá. Tủa không nghĩ “văn minh” là một từ đối lập với “lạc hậu”, cũng không hiểu vì sao ở Việt Nam, hai từ đó lại trở thành một cặp phạm trù phổ biến đến vậy. Nếu đặt hai nền văn hóa trong trạng thái so sánh cái nào tốt hơn, thì rất khó để hiểu thế giới. 

Xưa người Mông gọi người Hán (Hoa) là Suav (Súa) nhưng nay thì từ này thường được dùng để chỉ ngoại nhân, những người không phải người Mông. Chính bản thân người Mông cũng cho rằng, ngoại nhân là văn minh hơn, phải học hỏi ngoại nhân; chứ không hẳn khái niệm văn minh đến một chiều từ phía người Kinh. Bản thân người Mông cũng tự định kiến cộng đồng mình như thế. Thái độ tự định kiến đó đến từ lịch sử tang thương, thua trận liên miên của người Mông trước Suav. Vì vậy, Tủa phải đi học. Thay vì hoàn toàn tin vào những gì mình được dạy, được nghe nói, Tủa muốn học để tư duy và phát triển như một con người bình thường; để từ đó, lựa chọn góc nhìn của mình, và cắt nghĩa mọi thứ đang diễn ra với cộng đồng của mình. Như ông thầy Ian Kalman của Tủa thường nói: “Điều đến sau cùng sau chuỗi câu hỏi vì sao, sẽ là điều giữ ta ở lại và tiếp tục”. 

 

Cộng đồng các dân tộc thiểu số đang đối diện nhiều nguy cơ

Mùa đông năm 2017, băng giá kèm tuyết nhẹ kéo dài bảy ngày đã thay đổi cuộc sống của người Mù Cang Chải rất rõ, bởi đó là lần đầu tiên trong lịch sử, ít nhất 100 năm qua, mới có tuyết rơi ở đây. 

Nghe đến băng giá, đặc biệt là tuyết, hẳn đa số sẽ nghĩ ngay đến việc đi chơi, tận hưởng và chụp những bức hình thật đẹp để “check-in”. Nhưng nhiều người không biết, rất nhiều gia đình người Mông đã bị nghẽn kế hoạch của họ. Kinh khủng hơn, nhiều cánh rừng, cây cối, nông sản bị cháy lạnh. Sang năm 2018, rất nhiều nơi trên khắp Mù Cang Chải đã có những vụ cháy rừng kỷ lục.

Hồi còn nhỏ, thi thoảng tôi theo bố mẹ vào rừng sâu, ở biên Mù Cang Chải vào Văn Bàn (Lào Cai). Ở đó, có một cao nguyên nhỏ, bằng phẳng “rộng tít chân trời”, rất nhiều loài động vật cả thuần và tự nhiên sống ở đây. Nhưng sau trận tuyết kỷ lục, khu này giờ đã thành bãi đất trống, hoang tàn, không còn gì ngoài mấy con trâu, ngựa, dê do người dân lùa tới, gửi tạm.

Trận tuyết đột ngột đó cũng giết chết biết bao động vật nuôi, đặc biệt là trâu, bò đang mùa chăn thả. Tôi còn nhớ năm đó, con nghé nhà tôi mới ra đời, nó chưa biết uống nước ấm được cung cấp vào máng, nên toàn ra bể uống nước lạnh. Mỗi lần uống xong, nó kêu lên những tiếng é é nghe rất xót lòng, rồi đứng đơ độ một hai phút. Giờ nó đã thành một con trâu non, nhưng bị bệnh tật, ốm yếu. Bố tôi tin là những miếng nước lạnh nó uống khi nhỏ đã làm hỏng hết hệ tiêu hóa và hô hấp của nó. 

Nói về trận tuyết năm 2017 mà không nói về thảo quả là một thiếu sót lớn. Thảo quả là một loại cây dược liệu được trồng làm cây thu nhập chính của người Mông Mù Cang Chải trong vòng hai mươi năm qua. Thảo quả là một loài cây thân cỏ, sống cần bóng mát và độ ẩm, tươi tốt của đất, cũng như độ mát mẻ vừa đủ của thời tiết. Nhưng loài cây này lại quá nhạy với nhiệt độ nóng lạnh. Trận tuyết năm ấy đã xóa sạch thảo quả khỏi bản đồ thu nhập của người Mông Mù Cang Chải, những người mà ngoài thảo quả ra, gần như không còn cách nào làm ra tiền, nếu không phải xuống thành phố, sang Trung Quốc lao động “chui”.

Cuối cùng, nếu bạn còn nhớ, mới cách đây ba tháng thôi, nhiều vùng Tây Bắc, đặc biệt là Sơn La và Điện Biên chết trong khô hạn khi hàng tháng trời không có một giọt mưa. Trong thời buổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt này, người dân địa phương thật sự cần được biết chuyện gì đang xảy ra, và điều gì chúng ta có thể cùng nhau làm. Ít nhất là trồng thêm cây xanh, hạn chế sử dụng hóa chất vào nông nghiệp, để cứu cuộc sống của chính chúng ta.

Khang A Tủa

Đậu Dung 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(2)
  • Sình Mí Cơ 20-01-2020 10:41:41

    Gửi lời đồng cảm và cảm ơn người anh đang cố gắng vì một dân tộc Mông được hiểu hơn và một tương lai tốt đẹp hơn. Những người tiên phong luôn gặp những khó khăn lớn nhất do đó chúc anh luôn luôn cố gắng, ở phía sau luôn có những người đọc giả luôn ủng hộ anh.
    Em có ý kiến góp ý cho bài viết trên đó là về vấn đề ăn Tết. Hiện nay hầu hết ở chỗ em ăn theo lịch nhà nước nhưng lịch đó là ăn theo tết Âm, do đó nó vẫn luôn đúng vs các tháng nhé. Ăn Tết từ Mùng 1 Tháng 1 của năm mới. Còn 1 số bộ phận dân cư trong Tỉnh vẫn còn ăn theo lịch Tết truyền thống của người Mông

  • Thào lử 19-01-2020 17:36:56

    Mỗi vùng miền của dân tộc mông cũng có nét văn hóa riêng, như anh nói đến 12 con giáp thì sự sắp xếp đó không giống bên Hà Giang bên em, bên em vẫn giống y hệt như của Trung Quốc hiện giờ. Và một cái gọi dân tộc Hán (súa) anh lại gọi chung cho tất cả các dân tộc ngoại. Bên em gọi phân rõ rệt dân tộc nào.
    Cũng phải thừa nhận anh nói rất đúng về sách học hay thông tin nói về bản sắc văn hóa dân tộc Mông mình nhiều cái sai nhiều, xuống phố gặp người Kinh người ta luôn có những câu hỏi mà luôn nghĩ rằng trên mình vẫn lạc hậu và mê tín quá nhiều. Em từng ở chung nhà thầy lang của dân tộc Kinh em mới thấy kinh nhiều cái còn mê tín hơn, đốt hàm mã, đốt xe... 1 lần tốn 20 triệu.
    Vậy mong anh sẽ cố gắng để tiếng nói dân tộc Mông mình lớn hơn để họ hiểu 1 cách tích cực hơn về văn hóa dân tộc mình.
    Chúc anh năm mới gặp nhiều may mắn và hạnh phúc!!

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI