Tạm ổn với COVID-19, nhiều quốc gia “khát” lao động nhập cư

26/06/2021 - 05:42

PNO - Giữa lúc mùa du lịch hè bắt đầu và các đợt tiêm chủng đem lại kết quả tốt, nhiều khu nghỉ dưỡng, công viên giải trí, khách sạn và nhà hàng bên bãi biển tại các quốc gia phát triển lại phải đối mặt với tình trạng thiếu lao động thời vụ trầm trọng.

Cơn sốt lao động nhập cư

Khi người dân Mỹ bắt đầu thoải mái du lịch trở lại, các điểm đến nổi tiếng vào mùa hè dự kiến sẽ bận rộn. Tuy nhiên, các chủ khách sạn, nhà hàng và cửa hàng bán lẻ cảnh báo rằng, tình trạng thiếu nhân sự trầm trọng do đại dịch có thể buộc họ phải hạn chế hoạt động, cắt giảm giờ làm việc, loại hình dịch vụ hoặc phải đóng cửa sau một năm tồi tệ.

 

 

Công nhân nhập cư ngồi chờ tại khu vực theo dõi sau khi tiêm vắc-xin COVID-19  tại Trung tâm tiêm chủng Seletar, Singapore - Ảnh: Straits Times
Công nhân nhập cư ngồi chờ tại khu vực theo dõi sau khi tiêm vắc xin COVID-19 tại Trung tâm tiêm chủng Seletar, Singapore - Ảnh: Straits Times

Morey’s Piers - công viên giải trí bên bờ biển ở Wildwood, bang New Jersey - cần tuyển 1.500 vị trí vào giữa tháng Sáu. Để tuyển dụng, công ty đã quảng cáo việc làm trên 12 bảng quảng cáo trong khu vực, tham gia hội chợ việc làm ảo tại các trường trung học và khai thác mạng lưới nhân viên cũ. Nhưng đến nay, họ không thể tuyển đủ các vị trí, và nguồn nhân lực thời vụ chủ chốt - số sinh viên nước ngoài đến từ hơn 30 quốc gia - không còn khả thi do giới hạn di chuyển.

Brian Crawford, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nhà nghỉ và Khách sạn Mỹ, cho biết: “Những người sử dụng lao động đang tìm mọi cách đưa người lao động nhập cư vào đất nước, đồng thời họ cũng làm tất cả để tuyển dụng nguồn nhân lực trong nước. Thật mệt mỏi. Họ đang cố gắng lấy lại vị thế sau đại dịch, nhưng chặng đường còn rất xa”.

Sự thiếu hụt lao động cũng ảnh hưởng đến châu Âu, nơi mà vấn đề có thể còn khó khắc phục hơn Mỹ. Số lao động di cư sang Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, đã giảm khoảng 1/3 vào năm 2020. Trong ngắn hạn, các hạn chế đi lại do COVID-19 đồng nghĩa việc người lao động không thể qua biên giới dễ dàng theo thỏa ước chung trong khối 27 quốc gia châu Âu. Đó là vấn đề, bởi Liên minh châu Âu (EU) sắp tung ra quỹ phục hồi trị giá 800 tỷ euro, vốn tập trung vào các ngành công nghiệp kỹ thuật số và môi trường đòi hỏi lao động chuyên môn.

Các mạng lưới và kênh cung cấp nguồn nhân lực cũng bị gián đoạn, dự kiến gây ra hậu quả kéo dài. Nhiều hội chợ việc làm phải hủy bỏ và các chương trình đào tạo nghề bị đình chỉ. Các trường đại học chứng kiến sự sụt giảm về sinh viên nước ngoài. Ngoài ra, sự kiện Brexit còn đặt ra một số rào cản, bởi thỏa thuận thương mại giữa Anh và EU bắt đầu vào năm 2021 bao gồm các hạn chế về di chuyển, và giới hạn công nhận trình độ nhân lực.

Đảm bảo an toàn trước COVID-19

Bên cạnh việc tìm kiếm nguồn nhân lực từ nước ngoài, nhiều quốc gia còn phải đảm bảo an toàn cho nhóm lao động nhập cư sẵn có trước COVID-19, nếu không muốn tiếp tục đối mặt với các ổ dịch mới và gián đoạn sản xuất.

Một số cơ quan xuyên biên giới của Mỹ đang thực hiện dự án tiêm chủng cho công nhân lưu động từ Mexico đến Mỹ làm việc. Theo kế hoạch, công nhân từ phía Nam biên giới được phép đi bộ vào lãnh thổ Mỹ, nơi một phòng khám di động giúp tiêm vắc xin COVID-19 của hãng Johnson & Johnson cho họ. Ngay sau khi được tiêm chủng, người lao động sẽ quay trở lại Mexico. Carlos González Gutiérrez - Tổng Lãnh sự Mexico tại San Diego, California - cho biết, đến giữa tháng Sáu, hơn 23.000 công nhân từ Mexico đã được tiêm chủng.

Tại Nhật Bản, chính phủ thông qua chính sách hôm 15/6 nhằm tăng cường hỗ trợ cho người nước ngoài sinh sống và làm việc tại đây. Chính phủ cùng với các thành phố trực thuộc trung ương đảm bảo công dân nước ngoài nhận được phiếu tiêm chủng COVID-19 và tiếp cận các dịch vụ tư vấn đa ngôn ngữ qua điện thoại. Ngoài ra, các doanh nghiệp cung cấp chỗ ở cho thực tập sinh nước ngoài sẽ nhận ưu đãi nếu thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm.

Đối với Singapore, đợt bùng phát dịch lớn nhất xảy ra trong các ký túc xá dành cho lao động nước ngoài vào năm 2020, với hàng trăm ca nhiễm mới hằng ngày, đỉnh điểm là vào tháng 4/2020. Đến nay, hơn 54.000 cư dân ký túc xá đã nhiễm COVID-19. Do đó, chính phủ quyết định ưu tiên tiêm chủng cho những người khỏe mạnh thuộc nhóm đối tượng này.

Khoảng 1/5 số lao động nhập cư sống trong các khu tập thể tại Singapore được tiêm phòng đầy đủ. Vào ngày 31/5, ước tính 55.000 công nhân nhập cư đã tiêm đủ cả hai liều vắc xin COVID-19. Theo Bộ Nhân lực Singapore, 67.000 người khác cũng được tiêm một liều, với liều thứ hai dự kiến đến sau 6-8 tuần kể từ liều đầu tiên. 

Tấn Vĩ (theo NY Times, AP, Business Day, Japan Times, Straits Times)

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI