Mexico: Nhân viên y tế phản đối vì không được ưu tiên tiêm ngừa COVID-19

29/05/2021 - 13:24

PNO - Nhiều bác sĩ, nha sĩ, nhân viên y tế thuộc các cơ sở y tế tư lẫn công ở Mexico đã tỏ ra bất bình với chính phủ nước này khi bị từ chối tiêm vắc-xin COVID-19, và một số đang phải chọn cách đến những nước khác như Mỹ để được tiêm ngừa. Sự bất bình này càng tăng lên khi họ chứng kiến chính phủ Mexico hiện chỉ ưu tiên tiêm ngừa cho giáo viên và các khu vực nông thôn.

Ana Sofía là bác sĩ X quang tại một bệnh viện nhà nước ở thành phố Monterrey của Mexico, cách bang Texas (Mỹ) không xa. Do đặc thù công việc, Sofia thường phải tiếp xúc gần với các bệnh nhân, nhưng cô cho biết đã bị từ chối tiêm vắc-xin COVID-19 vì cấp trên của cô không xem cô là nhân viên tuyến đầu.

Mexico đã tiêm khoảng 28 triệu liều vắc-xin nhưng nhiều bác sĩ và nhân viên y tế đã bị từ chối - Ảnh: Getty Images
Mexico đã tiêm khoảng 28 triệu liều vắc-xin nhưng nhiều bác sĩ và nhân viên y tế đã bị từ chối - Ảnh: Shutterstock

Trong thất vọng, Sofia đã tham dự một chương trình tiêm chủng ở nông thôn cho người già và yêu cầu được tiêm một liều vắc-xin Sinovac còn dư từ chương trình, nhưng cô lại bị từ chối. Lần này, câu trả lời mà Sofia nhận được từ các nhân viên thực hiện chương trình là: “Hãy đợi đến lượt của bạn”.

“Tôi phải làm một điều tồi tệ nhất trong đời, đó là đi cầu xin một quyền mà lẽ ra người dân nào cũng có. Họ đã ra lệnh chỉ tiêm ngừa cho người cao tuổi và vứt bỏ lượng vắc-xin còn dư”, Sofia bức xúc nói.

Đến nay, Mexico đã tiêm khoảng 27,7 triệu liều vắc-xin cho khoảng 10,9% dân số của nước này. Tổng thống Andrés Manuel López Obrador cũng đã bày tỏ hy vọng rằng tất cả người lớn ở Mexico sẽ được tiêm ít nhất một liều từ nay đến tháng 10.

Thế nhưng, trên thực tế, nhiều bác sĩ, nha sĩ, nhân viên y tế thuộc các cơ sở y tế tư nhân, và cả một số nhân viên y tế trong các cơ sở y tế công cộng vẫn bị từ chối tiêm vắc-xin, ngay cả khi số nhân viên y tế đã tử vong trong đại dịch COVID-19 ở Mexico đang ở mức cao nhất trong khu vực Bắc Mỹ, theo Tổ chức Y tế xuyên Mỹ.

Giới nhân viên y tế của Mexico lại càng cảm thấy bất bình hơn khi chứng kiến việc chính phủ ưu tiên tiêm vắc-xin COVID-19 cho giáo viên, từ cả trường công và trường tư, của nước này. Quyết định này được áp dụng cho các quan chức trong ban thư ký giáo dục công cộng và nhân viên hỗ trợ tại các trường đại học. Ngay cả các phóng viên và biên tập viên tại các cơ quan truyền thông thuộc quản lý của các trường công lập cũng đã được ưu tiên tiêm ngừa.

“Đây là một quyết định mang tính chính trị vì WHO luôn nói rằng các quốc gia phải ưu tiên cho nhân viên y tế. Có vẻ như tổng thống đang làm điều này để đảm bảo có nhiều phiếu bầu hơn ông trong cuộc bầu cử giữa kỳ sắp tới, và vì các trường học đang cần phải mở cửa trở lại gấp”, Roselyn Lemus-Martin - một nhà nghiên cứu về tình hình dịch COVID-19 ở Mexico nhận định. Theo kế hoạch, cuộc bầu cử giữa kỳ ở Mexico sẽ diễn ra vào ngày 6/6, trong khi các trường học ở Mexico City sẽ phải mở cửa trở lại vào ngày 7/6.

Tuy nhiên, các cuộc biểu tình của các nhân viên y tế Mexico đã không nhận được sự cảm thông từ chính phủ liên bang của nước này. Tổng thống Mexico - thường được gọi tên là Amlo - khuyên các nhân viên y tế chưa được tiêm ngừa COVID-19 nên “chờ đến lượt”, và sau đó ông lại cho rằng các cuộc biểu tình này chính là một chiến dịch truyền thông nhằm chống lại ông.

Phản ứng của Amlo đối với đại dịch COVID-19 đã khiến các chuyên gia sức khỏe cộng đồng cảm thấy bức xúc và hoài nghi về các động cơ chính trị đằng sau đó. Theo Đại học Washington, số ca tử vong vì COVID-19 ở Mexico trên thực tế có thể đã lên đến hơn 600.000, gần gấp ba con số chính thức. Tuy nhiên, quốc gia này chỉ bỏ ra một ngân sách chưa đến 1% GDP cho công tác phòng chống dịch.

số nhân viên y tế đã tử vong trong đại dịch COVID-19 ở Mexico đang ở mức cao nhất trong khu vực Bắc Mỹ
Số nhân viên y tế đã tử vong trong đại dịch COVID-19 ở Mexico đang ở mức cao nhất trong khu vực Bắc Mỹ - Ảnh: Reuters

Việc triển khai các chương trình tiêm ngừa COVID-19 của Mexico cũng gây ra nhiều tranh cãi. Chính phủ nước này đã sử dụng lực lượng quân đội để phân phối vắc-xin và loại bỏ thành phần tư nhân ra khỏi hoạt động này. Cảnh tượng hỗn loạn đã diễn ra khi hàng ngàn người tập trung ở các trung tâm tiêm chủng tạm thời thay vì phân tán đều ra phòng khám nhỏ hơn - như cách mà nhiều quốc gia khác đang làm. Chính phủ Mexico cũng bị chỉ trích vì chỉ tập trung tiêm ngừa trước cho các vùng nông thôn, nơi có khả năng lây nhiễm thấp, thay vì ưu tiên các khu vực thành thị đông đúc, nơi có tốc độ lây nhiễm khá cao.

David Berrones - một bác sĩ nhãn khoa và là đại diện cho một nhóm hơn 31.000 nhân viên y tế đang tìm cách để được tiêm vắc-xin - cho biết, theo một nghiên cứu về hệ thống chăm sóc sức khỏe của Mexico được thực hiện năm 2018, 1/3 số bệnh nhân có bảo hiểm y tế hoặc được hưởng các chính sách an sinh xã hội của nước này đã phải tìm đến các cơ sở y tế tư cho các trường hợp khám chữa bệnh ngoại trú, do hệ thống y tế công đang quá tải và yếu kém.

“Nhờ có chúng tôi mà hệ thống y tế Mexico mới không bị sụp đổ trong hơn một năm qua”, Carla Cordero - một bác sĩ đa khoa có phòng khám tư ở phía Nam Mexico City - chia sẻ và cho biết một số đồng nghiệp của cô đã phải tìm cách sang Mỹ để được tiêm vắc-xin COVID-19.

Nhưng Cordero thể hiện quan điểm rằng Mexico cần phải bảo vệ các nhân viên y tế của đất nước. “Đó là quyền lợi chính đáng của chúng tôi và tổng thống cần phải cho chúng tôi được tiêm ngừa. Tại sao tôi phải đi đến một quốc gia khác trong khi đất nước của mình vẫn đang có vắc-xin?”, Cordero bức xúc.

Sofía thì đã đưa ra quyết định ngược lại và sang thị trấn Eagle Pass thuộc bang Texas bên kia biên giới để được tiêm một liều vắc-xin Johnson & Johnson tại một siêu thị. Và ít nhất 20 đồng nghiệp của cô cũng đã thực hiện chuyến đi tương tự.

Nhất Nguyên (theo the Guardian)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI