Tại sao con dâu cứ phải chăm sóc cha mẹ chồng?

10/04/2017 - 06:30

PNO - Các nàng dâu phải toàn vẹn với bên chồng để bảo toàn một giá trị nào đó, hay đấy chỉ là tàn dư của một thời mông muội trọng nam khinh nữ?

Ngày về nhà chồng, hầu hết các cô dâu đều được khuyên bảo phải “giữ phận dâu con”, phải biết cáng đáng “giang sơn nhà chồng”, phải “xem cha mẹ chồng như cha mẹ” và vô vàn thứ bổn phận, trách nhiệm khác.

Các nàng dâu phải toàn vẹn với bên chồng để bảo toàn một giá trị nào đó, hay đấy chỉ là tàn dư của một thời mông muội trọng nam khinh nữ?

Tai sao con dau cu phai cham soc cha me chong?
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Sách Nhị thập tứ hiếu, tích Đinh Lan kể vào đời nhà Hán, có chàng Đinh Lan, mồ côi từ nhỏ nên thuê người tạc tượng gỗ cha mẹ để thờ - ngày cơm dâng hai bữa, tối sửa soạn gối chăn suốt mấy mươi năm.

Thế rồi chỉ vì sự xao nhãng của vợ, cộng việc nàng lấy kim thử chích vào tượng gỗ khiến tượng chảy máu mà bị Đinh Lan đuổi bỏ. Người ta xếp Đinh Lan vào nhóm 24 người con tận hiếu và coi khinh người vợ.

Không ai xét lại dẫu chỉ một lần rằng cô vợ ấy không hề có trách nhiệm gì trong việc phải chăm sóc hai bức tượng. Người đàn bà ấy chỉ lấy Đinh Lan. Nếu có chăm sóc hay thậm chí hầu hạ thì chỉ phải chăm sóc, hầu hạ mỗi mình Đinh Lan là chồng mình mà thôi.

Lấy chồng phải chăm sóc cha mẹ chồng? Vì sao cô dâu phải chăm sóc cha mẹ chồng khi cha mẹ chồng chưa một ngày chăm sóc cô? Ai bắt cô phải vâng lời hoặc nín nhịn nếu cha mẹ chồng hành xử không đúng mực? Cho trong ấm ngoài êm? Cho gia đình hòa thuận? Làm sao có thể trong ấm ngoài êm được khi mà sự uất ức trong lòng những cô con dâu còn đó và cứ dâng lên từng ngày?

Có thể, ở một thời điểm nào đấy trong quá khứ, khi vai trò của người đàn bà bị đặt để thấp kém hơn mức mà họ xứng đáng được nhận; khi những cô con dâu trong xã hội phong kiến thường không được học hành, chỉ có thể quẩn quanh nơi xó bếp và hoàn toàn lệ thuộc thì các cô phải cam tâm gánh chịu sự thiệt thòi của số phận (dù nếu phải xét ra thì việc cơm nước, giặt giũ... cũng có thể quy thành ngày công lao động, có thể tính thành tiền và cũng vất vả không kém bất cứ ngành nghề nào).

Nhưng hôm nay, khi những cô dâu đã có học thức cao hơn, có vị trí vững vàng trong xã hội, có gia đình riêng để lo lắng, có những đứa con phải chăm lo thì việc buộc các cô phải gánh thêm nhà chồng quả là một gánh nặng phi lý.

Tất nhiên, chúng ta vẫn cần khuyến khích các nàng dâu nên giữ lễ với cha mẹ chồng cũng như khuyến khích các chàng rể nên kính trọng cha mẹ vợ và nếu được thì nên phụng dưỡng, chăm sóc các cụ.

Song bên cạnh đó chúng ta cũng cần phải sòng phẳng thừa nhận rằng đó không phải là nhiệm vụ và cô dâu hay chú rể không bị bắt buộc phải làm. Một cô dâu có thể thương yêu cha mẹ chồng, có thể cơm bưng nước rót, có thể lặng im khi nghe trách mắng..., nhưng hãy hiểu đó là vì cô tự nguyện, cô muốn làm như thế vì yêu thương người chồng của mình, vì tính cách và sự bao dung của cô.

Nếu cô không chấp nhận mà từ chối các “nghĩa vụ” ấy, không ai có thể trách cô. Cha mẹ chồng không sinh ra cô, không nuôi dưỡng, chẳng thức đêm trông cô ốm, tất bật tìm trường tốt cho cô học hành... thì giữa cô và các cụ nào có phát sinh nghĩa vụ gì với nhau đâu.

Kể cả khi nói như Xuân Quỳnh - “Mẹ sinh anh để bây giờ cho em” thì ở chiều ngược lại mẹ cũng đã sinh em để bây giờ cho anh - âu cũng là sòng phẳng. Thế nên, muốn con dâu yêu thương, tận tụy với mình; các bậc cha mẹ chồng sẽ cần yêu thương, tử tế với các cô thay vì mặc định rằng mình “có quyền”, rằng mình là “cha mẹ”.

Chuyện nhà mình, sao bắt con dâu cáng đáng, trừ khi mình giúp con dâu chăm cháu hoặc, nghe có vẻ chối tai - nhưng đúng, mình làm giấy để lại tài sản cho cô dâu.

Hãy sòng phẳng với nhau và gieo yêu thương thì mới có thể hy vọng vào mùa gặt. Bằng không, thất bát cũng là lẽ tự nhiên, chẳng thể trách ai.

Phạm Thành Nhân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI