Suy thoái ở Mỹ khiến những người giàu càng giàu, người nghèo càng nghèo

08/09/2020 - 10:00

PNO - Trang mạng Politico hôm 7/9 phân tích, con đường phục hồi kinh tế ở Mỹ bị chia rẽ mạnh mẽ, khi thu nhập và tiền tiết kiệm của những người Mỹ giàu có đạt mức kỷ lục trong khi những người nghèo nhất phải vật lộn để thanh toán hóa đơn sinh hoạt hàng ngày.

Áp lực đè nặng lên những người Mỹ nghèo nhất, những người đứng trước nguy cơ mất việc làm và không có nhiều tiền tiết kiệm để vượt qua cuộc khủng hoảng - Ảnh: Getty Images
Áp lực đè nặng lên những người Mỹ nghèo nhất, những người đứng trước nguy cơ mất việc làm và không có nhiều tiền tiết kiệm để vượt qua cuộc khủng hoảng - Ảnh: Getty Images

Kết quả là một bức tranh kinh tế bị chia cắt với nhiều đỉnh cao - thị trường chứng khoán đạt mức kỷ lục, không có mức thấp, trong khi gần 30 triệu người Mỹ nhận trợ cấp thất nghiệp và tỷ lệ thất nghiệp là 8,4%. Sự phân cực có thể che khuất nhu cầu về biện pháp kích thích kinh tế bổ sung mà hầu hết mọi người cho rằng rất cần thiết.

Tình trạng “bất bình đẳng xoắn ốc” cũng có thể góp phần gây ra bất ổn chính trị và tài chính, thúc đẩy bất ổn xã hội và kéo dài bất kỳ cuộc suy thoái kinh tế nào. Sự chia rẽ ngày càng tăng cũng có thể gây ra những tác động xấu đối với nỗ lực tái đắc cử của Tổng thống Donald Trump. Mặc dù Nhà Trắng luôn nhấn mạnh sự phục hồi kinh tế nhanh chóng như một lý do chính để ông Donald Trump tái đắc cử tổng thống, nhưng sự ủng hộ dành cho ông đang giảm dần khi gần 3/5 số người được hỏi trong thăm dò gần đây của Reuters/Ipsos nói rằng “nền kinh tế đang đi sai hướng”.

Phe Dân chủ đang nắm cơ hội để công kích đương kim tổng thống về điều từng là một trong những lập luận tái đắc cử mạnh mẽ nhất của ông - phục hồi kinh tế Mỹ sau suy thoái.

Một khách hàng rời khỏi cửa hàng bán lẻ sắp ngừng kinh doanh vì đại dịch COVID-19 - Ảnh: AP
Một khách hàng rời khỏi cửa hàng bán lẻ sắp ngừng kinh doanh vì đại dịch COVID-19 - Ảnh: AP

Dữ liệu kinh tế và các cuộc khảo sát gần đây cho thấy sự phân chia giàu nghèo ở Mỹ ngày càng tăng. Người Mỹ gửi tiền tiết kiệm 3,2 ngàn tỷ USD trong tháng 7, cùng tháng mà hơn 1/7 hộ gia đình có trẻ em nói với Cục điều tra dân số Hoa Kỳ (USCB) rằng đôi khi hoặc thường xuyên họ không đủ ăn. Theo một thăm dò mới của AP-NORC, hơn 1/4 số người trưởng thành được khảo sát cho biết họ đã trả nợ nhanh hơn bình thường, trong khi một tỷ lệ tương tự cho biết họ không thể trả tiền thuê nhà, thế chấp hoặc thanh toán hóa đơn sinh hoạt.

Trong khi tỷ lệ việc làm cho người lao động có mức lương cao gần như đã phục hồi hoàn toàn vào giữa tháng 7 (chỉ giảm 1% so với tháng 1), thì tỷ lệ này vẫn giảm 15,4% đối với người lao động lương thấp, theo Công ty theo dõi kinh tế Opportunity Insights của Đại học Harvard.

Beth Akers, chuyên gia kinh tế lao động của Viện Manhattan, người từng làm việc trong Hội đồng Cố vấn Kinh tế dưới thời Tổng thống George W. Bush, cho biết: “Những thứ đó tạo ra câu chuyện về hai cuộc suy thoái”. Ông giải thích, “có những cộng đồng gần như hoàn toàn không bị tổn thương bởi đại dịch, trong khi những cộng đồng khác bị tàn phá nặng nề”.

Tổng thống Trump và các đồng minh của ông nắm bắt được sức mạnh của thị trường chứng khoán và sự tăng trưởng tích cực trong các lĩnh vực như sản xuất và bán lẻ như bằng chứng về điều mà họ gọi là "sự phục hồi hình chữ V": sụt giảm mạnh theo sau là tăng trưởng nhanh. Nhưng các nhà kinh tế khác nói rằng lập luận đó không cho thấy một bức tranh lớn hơn, đó là khoảng một triệu nhân viên bị sa thải đang nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp mỗi tuần, hàng triệu người khác bị cắt giảm lương và giờ làm, và tình trạng mất việc vĩnh viễn đang tăng lên.

Một số nhà kinh tế gọi sự phục hồi là "hình chữ K", bởi vì trong khi một số hộ gia đình và cộng đồng hầu như đã phục hồi, những người khác vẫn đang tiếp tục vật lộn, hoặc thậm chí tình hình của họ còn xấu đi.

Claudia Sahm, Giám đốc chính sách kinh tế vĩ mô tại Trung tâm Tăng trưởng Công bằng ở Washington, nhận xét rất hình ảnh: “Nếu bạn chỉ nhìn vào đỉnh của chữ K, thì đó là chữ V, nhưng bạn không thể chỉ nhìn vào phần nổi bên trên, vì có thể bên dưới có cả một tảng băng chìm bạn phải đào sâu”.

Đối lập với những người nghèo phải chịu gánh năng suy thoái do đại dịch COVID-19, thì lợi nhuận được chào mời cao trên thị trường chứng khoán và chỉ giúp ích cho 10% hộ gia đình giàu nhất, vì hầu hết những người khác sở hữu ít hoặc không có cổ phiếu. Tình hình này được xác định là sự mất kết nối giữa thị trường chứng khoán và nền kinh tế nói chung, và nếu không có thêm biện pháp kích thích, tình hình có thể sẽ trở nên tồi tệ hơn.

Thanh Hải

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI