Số trường hợp trẻ em có ý định tự làm hại bản thân hoặc tự tử tăng 25% trong đại dịch

15/01/2022 - 15:15

PNO - Bark - một ứng dụng giám sát phương tiện truyền thông xã hội dành cho các bậc cha mẹ - đã ghi nhận số cảnh báo tự làm hại bản thân và tự tử ở trẻ vị thành niên trong độ tuổi từ 12 đến 18 ở Mỹ tăng 25% trong năm 2021, theo một nghiên cứu được công bố hôm 14/1.

Ứng dụng Bark, với tính năng cảnh báo cho phụ huynh khi “phát hiện các vấn đề tiềm ẩn” trong tin nhắn văn bản và hoạt động của trẻ em trên các ứng dụng trực tuyến, đã phân tích hơn 3,4 triệu tin nhắn văn bản, thư điện tử (email) và các nền tảng mạng xã hội trong năm 2021, khi đại dịch COVID-19 khiến hàng ngàn trẻ em ở Mỹ dành thời gian trên mạng nhiều hơn.

đại dịch COVID-19 khiến trẻ em ở Mỹ dành thời gian trên mạng nhiều hơn
Đại dịch COVID-19 khiến trẻ em ở Mỹ dành thời gian trên mạng nhiều hơn

“Theo các phiên điều trần gần đây của quốc hội Mỹ, chúng tôi nhận thấy cần công bố các dữ liệu, nhất là dữ liệu có liên quan đến trẻ vị thành niên và những nội dung hoặc đối tượng độc hại. Chúng tôi đã cung cấp những thông tin mà chúng tôi có được, với hy vọng sẽ bảo vệ được nhiều trẻ em hơn nữa.

Đã đến lúc các công ty công nghệ khác làm cần phải làm điều tương tự, và tạo điều kiện để người dùng thực sự sở hữu dữ liệu của họ, thay vì ngăn cản việc cha mẹ bảo vệ sự an toàn cho con em của họ trong môi trường trực tuyến”, bà Titania Jordan - Giám đốc phụ trách quan hệ với phụ huynh của Bark - chia sẻ với trang FOX Business trong một thông cáo.

Qua khảo sát về tin nhắn và hoạt động trên mạng xã hội của trẻ vị thành niên ở Mỹ, Bark nhận thấy gần 75% các em đã tham gia vào các cuộc trò chuyện hoặc tình huống liên quan đến việc tự làm hại bản thân hoặc tự tử.

Theo Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), ước tính sơ bộ có hơn 6.600 ca tử vong do tự tử ở thanh thiếu niên Mỹ trong độ tuổi từ 10 đến 24 trong năm 2020.

Dữ liệu của CDC cũng cho thấy số ca cấp cứu do trẻ vị thành niên gái tìm cách tự tử đã tăng 51% trong thời kỳ đại dịch, trong khi con số tương tự ở trẻ vị thành niên trai tăng 4% trong cùng khoảng thời gian này.

“Tự tử đang là nguyên nhân đứng hàng thứ 2 gây tử vong ở trẻ em tại Mỹ. Và xu hướng nói trên rất đáng báo động. Chúng ta cần phải hành động nhiều và nhanh hơn nữa để bảo vệ các em”, bà Jordan lên tiếng.

Theo dữ liệu thống kê của Bark, phần lớn các cảnh báo về sự lo lắng thường liên quan đến trẻ ở độ tuổi 15. Ngoài ra, khoảng 56% thanh thiếu niên cũng tham gia vào các cuộc trò chuyện về bệnh trầm cảm.

Ngoài ra, khoảng 25% thanh thiếu niên trong độ tuổi từ 13 đến 18 bị ảnh hưởng bởi chứng lo âu, theo Hiệp hội Lo lắng và trầm cảm Mỹ. Các nhà nghiên cứu từ Đại học Calgary ở Canada cũng phát hiện khoảng 1/4 trẻ em trên toàn cầu bị trầm cảm trong thời kỳ đại dịch.

Đa số thanh thiếu niên (khoảng 85%) đều đã chứng kiến ​​hoặc từng trải qua nạn bắt nạt trên mạng. Theo CDC, trong năm 2019, cứ 4 trẻ vị thành niên ở Mỹ thì có 1 tham gia vào các hành vi bắt nạt trực tuyến.

Theo ghi nhận của Bark, trong khi việc sử dụng rượu giảm vào năm 2020 và  giảm tiếp vào năm 2021, hơn 93% thanh thiếu niên ở Mỹ đã tham gia vào các câu chuyện liên quan đến ma túy hoặc rượu.

Jordan cũng lưu ý rằng trẻ em còn đang sử dụng ứng dụng Snapchat để mua một số loại ma túy, mà đôi khi được tẩm các chất độc hại như fentanyl.

“Chúng ta lẽ ra đã có thể phòng và tránh đươc những cái chết đáng tiếc. Chúng ta không nên để trẻ em tiếp cận với những kẻ buôn bán ma túy thông qua các ứng dụng mạng xã hội”, bà Jordan bức xúc.

Theo ứng dụng Bark, gần 90% thanh thiếu niên nhìn thấy các “hình ảnh khỏa thân hoặc nội dung có tính chất tình dục” trong tin nhắn hoặc trên ứng dụng trực tuyến. Ngoài ra, 20% thanh thiếu niên đã bị “dụ dỗ” trên môi trường mạng.

Nhất Nguyên (theo FOX Business)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI