Phụ nữ Trung Quốc phản ứng kế hoạch “sưởi ấm phòng ngủ”

12/10/2021 - 11:07

PNO - Mới đây, chiến dịch “sưởi ấm phòng ngủ” do chính quyền huyện Tương Âm, tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc, phát động - thực chất là ép buộc kết hôn để giải quyết khủng hoảng hôn nhân, thông qua khuyến khích phụ nữ ở lại làng quê để kết hôn với trai làng độc thân - đã bị nhiều người chế giễu sau khi chi tiết về kế hoạch xuất hiện trên mạng xã hội.

Cảnh đám cưới hạnh phúc ở nông thôn ngày càng hiếm gặp ở Trung Quốc - Ảnh: SCMP/Getty Images
Cảnh đám cưới hạnh phúc ở nông thôn ngày càng hiếm gặp ở Trung Quốc - Ảnh: SCMP/Getty Images

Phụ nữ trên khắp Trung Quốc phẫn nộ với kế hoạch của huyện Tương Âm, vì nó gây áp lực buộc phụ nữ trẻ phải ở lại nông thôn để kết hôn với những người đàn ông không tìm được vợ, vì Trung Quốc là một quốc gia có tỷ lệ mất cân bằng giới tính nhất trên thế giới, với số lượng nam giới vượt trội nữ giới sau nhiều năm thực thi chính sách một con.

Đề xuất của chính quyền huyện Tương Âm cho biết những thách thức mà nam giới nông thôn đang tìm kiếm hôn nhân phải đối mặt là “một vấn đề cá nhân chuyển thành một vấn đề xã hội”.

Kế hoạch 4 điểm bao gồm việc tăng cường tuyên truyền không khuyến khích phụ nữ địa phương rời khỏi làng quê, đơn giản hóa thủ tục giấy tờ pháp lý để mọi người ở lại, tăng cường dịch vụ mai mối, cải thiện cơ hội việc làm và trả lương tại địa phương.

“Phụ nữ nông thôn phải được giáo dục để yêu quê hương, xây dựng quê hương, được khuyến khích ở lại và thay đổi quê hương của họ, để giảm tỷ lệ mất cân bằng giữa nam và nữ ở đây”, đề xuất cho biết.

Một nam nông dân kéo xe chở lúa mì đã thu hoạch trên con đường nông thôn ở tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc - Ảnh: SCMP/Getty Images
Một nam nông dân kéo xe chở lúa mì đã thu hoạch trên con đường nông thôn ở tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc - Ảnh: SCMP/Getty Images

Sau khi kế hoạch được công bố trên website của chính quyền huyện, nó đã lập tức bị chỉ trích trên mạng xã hội như là “một đề xuất xúc phạm, vi phạm quyền tự do của phụ nữ”.

Một phụ nữ viết trên mạng xã hội Weibo: “Chúng tôi không học hành để quay về quê hầu hạ bố mẹ chồng”. Một người khác thẳng thắn: “Tôi sợ rằng phụ nữ nông thôn vẫn sống trong làng sẽ bỏ đi hết sau khi họ biết được xuất này”.

Một số người bày tỏ sự ủng hộ đối với đề xuất cũng bị chỉ trích thậm tệ trên mạng. Tuần trước, Red Star News, một trang web do Tỉnh ủy Hồ Nam điều hành, đã đăng một bài báo cho rằng đề xuất này là “cần thiết”.

Phụ nữ nông thôn làm việc trong một trang trại ở tỉnh Hồ Bắc - Ảnh: SCMP/Getty Images
Phụ nữ nông thôn làm việc trong một trang trại ở tỉnh Hồ Bắc - Ảnh: SCMP/Getty Images

“Đàn ông nông thôn lấy vợ là một vấn đề không hề nhỏ, đối với các vùng nông thôn thì việc “sưởi ấm phòng ngủ” là điều hoàn toàn cần thiết, đặc biệt đối với những người đàn ông nông thôn lớn tuổi”, theo bài báo.

Chính quyền huyện Tương Âm đã phải làm rõ với Red Star News rằng họ không có ý ép buộc phụ nữ ở lại và đây chỉ nhằm mục đích khuyến khích phụ nữ trẻ ở lại quê hương.

Năm 2020, chỉ có 8,13 triệu cặp vợ chồng kết hôn ở Trung Quốc, giảm 12% so với năm trước và là năm thứ 7 liên tiếp tỷ lệ kết hôn giảm, theo dữ liệu của Bộ Dân chính Trung Quốc.

Nguyên nhân một phần là do tỷ lệ mất cân bằng giới tính của Trung Quốc sau nhiều năm phân biệt giới tính và sinh chọn lọc do chính sách một con của nước này. Các khu vực nông thôn bị ảnh hưởng đặc biệt nặng nề khi nhiều phụ nữ bỏ làng đến các thành phố lớn để tìm kiếm cơ hội việc làm tốt hơn.

Tỷ số giới tính khi sinh của Trung Quốc là một trong những nước mất cân bằng nhất trên thế giới, với 114 nam/100 nữ được sinh ra, và theo số liệu chính thức của Statista, hiện số nam giới nhiều hơn nữ giới ở nước này là 30 triệu người. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tỷ số giới tính khi sinh trung bình trên toàn cầu là khoảng 105 bé trai/100 bé gái.

Đây không phải là lần đầu tiên một đề xuất như vậy được đưa ra ở Trung Quốc. Đầu năm nay, một quan chức cấp cao đề nghị đưa phụ nữ thành thị chưa lập gia đình di cư đến các vùng nông thôn, nơi có hàng triệu đàn ông chưa kết hôn đang tìm kiếm cô dâu, đã khiến dư luận hết sức phẫn nộ.

Quế Lâm (theo SCMP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI