Đàn ông Trung Quốc tìm đến phẫu thuật thẩm mỹ để mong thêm cơ hội trong cuộc sống

09/09/2021 - 20:58

PNO - Ngày càng có nhiều nam giới có học thức ở Trung Quốc lựa chọn các thủ thuật phẫu thuật thẩm mỹ để mang lại lợi thế trong cuộc sống của họ.

Lo lắng ngoại hình của mình sẽ làm mất đi cơ hội trong một xã hội cạnh tranh ngày càng dữ dội ở Trung Quốc, Xia Shurong quyết định nhờ đến kỹ thuật dao kéo của bác sĩ phẫu thuật để sửa lại mũi của mình. Nhà nghiên cứu 27 tuổi này muốn dùng các thủ thuật y tế thay đổi diện mạo của một người từ "đam mê kỹ thuật" thành một thứ gì đó mà anh nghĩ sẽ tăng cơ hội cho mình. 

Lo lắng ngoại hình của mình sẽ làm mất đi cơ hội trong xã hội cạnh tranh của Trung Quốc, Xia Shurong quyết định nhờ đến dao kéo của bác sĩ phẫu thuật để chỉnh hình lại mũi của mình
Lo lắng ngoại hình của mình sẽ không mang lại nhiều cơ hội, Xia Shurong quyết định nhờ bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình lại mũi của mình

Ngoại hình sẽ thay đổi số phận

Tiêu chuẩn cái đẹp ở Trung Quốc đặc biệt được xem trọng trong thời gian gần đây. Áp lực về màu da, mắt và mũi cho đến ngoại hình luôn gây ra những tranh cãi. Với chuẩn ngoại hình theo kiểu ""tiểu thịt tươi" (là cao ráo, trắng trẻo, làn da không tì vết, mũi cao mắt sáng cùng những đường nét thanh tú) đã được nam giới trẻ Trung Quốc theo đuổi. Và Xia Shurong là một trong số hàng triệu thanh niên ở đất nước này đang chuyển sang phẫu thuật thẩm mỹ để có ngoại hình như ý. Chàng trai trẻ ở Bắc Kinh đã phẫu thuật thêm để làm đầy các đường nét của mình. Anh đã chi 40.000 nhân dân tệ (6.192 USD) cho một thủ thuật làm đầy khuôn mặt vào đầu năm nay.

“Tôi lớn lên ở nông thôn - da mặt sạm đen, da xấu, nhìn chung tôi nghĩ ngoại hình của mình không đẹp”, anh nói và cho biết từ lâu anh đã lên kế hoạch "tân trang'' gương mặt của mình. “Tôi luôn cảm thấy mình kém cỏi”, anh nói thêm.

Sự phổ biến dữ dội của mạng xã hội Trung Quốc với đầy rẫy các xu hướng về quy trình thẩm mỹ, "hướng dẫn" làm đẹp và lời khuyên về cách trở nên "xinh đẹp" hơn đã gây thêm áp lực cho nam giới. Điều này đã khiến ngày càng có nhiều nam giới có học thức ở Trung Quốc lựa chọn các thủ thuật thẩm mỹ và phẫu thuật để mang lại thêm nhiều lợi thế cho mình.

Theo iResearch, khoảng 17% nam công nhân cổ cồn trắng ở Trung Quốc đã từng tìm đến thẩm mỹ và đại đa số nam giới thực hiện thủ thuật đầu tiên là trước tuổi 30.

Xia Zhengyi, bác sĩ thực hiện thủ thuật cho Xia Shurong, cho biết ông đã thấy ngày càng nhiều nam thanh niên đến làm thủ tục giải phẫu thẩm mỹ. “Phẫu thuật có thể thay đổi nét mặt và mang lại cho mọi người cảm giác thân mật, điều này rất tốt cho các mối quan hệ với xã hội", ông nói.

Rose Han, từ nhóm đầu tư BeauCare Clinics, cho biết các công chức nam ngày càng chăm chút ngoại hình vì họ lo lắng dáng vẻ bề ngoài trông mệt mỏi hoặc già đi có thể đồng nghĩa với việc bỏ lỡ các cơ hội làm việc và kiếm tiền tốt cho bản thân.

Theo ứng dụng phẫu thuật So Young, nam giới ở độ tuổi 20 quan tâm đến phẫu thuật nhiều nhất là tái tạo mắt và mũi. Đây là một trích dẫn từ cuộc khảo sát với 8,9 triệu người dùng hoạt động hàng tháng của họ.

"Chăm chút vẻ bề ngoài không giống như việc mua một chiếc túi xách Gucci mà nó đang tạo cơ hội cho bản thân. Sự tự tin sẽ mang lại những thay đổi trong công việc và cuộc sống của tôi", Xia nói.

Theo số liệu của chính phủ, thu nhập trung bình ở Trung Quốc đã tăng hơn gấp đôi kể từ năm 2010 và sự giàu có tăng lên trong các tầng lớp trung lưu của nước này cũng thúc đẩy sự quan tâm bề ngoài.  Điển hình là Zhang Xiaoma - người đã rời bỏ công việc của mình tại một công ty CNTT để trở thành người có ảnh hưởng trên mạng xã hội sau khi chia sẻ kinh nghiệm phẫu thuật thẩm mỹ của bản thân.

“Bạn có thể có nhiều cơ hội để kiếm tiền cũng như đứng trước máy quay hơn nếu bạn có ngoại hình trở nên dễ nhìn và hấp dẫn hơn", Zhang nói.

Riêng người mẫu Nai Wen đã trải qua hơn 60 ca phẫu thuật trên khuôn mặt, bao gồm cả điều trị bằng laser, và tin rằng phẫu thuật thẩm mỹ đã "thay đổi số phận của anh". "Nó tiện lợi như một chiếc mặt nạ - thực sự tuyệt vời khi bạn có thể tăng tuổi đời theo năm tháng nhưng không già đi", anh chia sẻ trong một buổi chụp hình.

Cái giá phải trả

Theo iResearch, ngành công nghiệp phẫu thuật thẩm mỹ của Trung Quốc hiện trị giá 197 tỷ nhân dân tệ (30 tỷ USD) - tăng từ mức 64,8 tỷ nhân dân tệ vào năm 2015. Nhưng sự gia tăng nhanh chóng về nhu cầu này diễn ra vào thời điểm các nhà chức trách lo ngại rằng quốc gia này đang đối mặt với "cuộc khủng hoảng nam tính".

Bắc Kinh đã đặc biệt chỉ trích vẻ ngoài "tiểu thịt tươi", đồng thời đề xuất tăng các lớp giáo dục thể chất cho nam sinh để khuyến khích vẻ đẹp nam tính "truyền thống" hơn trong xã hội.

Đầu tháng này, các chương trình phát sóng thường xuyên đã phải thực hiện nghiêm ngặt việc không cho những hình ảnh có "tính thẩm mỹ bất thường" lên màn ảnh.

Ngoài ra chính quyền nước này còn có những lo ngại về an toàn và chất lượng của ngành phẫu thuật thẩm mỹ. Theo Hiệp hội Người tiêu dùng Quốc gia Trung Quốc cho biết, họ đã ghi nhận hơn 7.200 đơn khiếu nại liên quan đến ngành mỹ phẩm.

Hồi tháng 7, Xiaoran 33 tuổi - một người có ảnh hưởng trên mạng xã hội đã chết vì nhiễm trùng nặng sau khi hút mỡ. Hay cũng như những hình ảnh được chia sẻ bởi diễn viên Gao Liu cho thấy phần da chết đen trên mũi của cô sau khi phẫu thuật sai lầm cũng là hồi chuông cảnh báo. Từ những thực tế này, các nhà phê bình tin rằng cần phải có quy định nghiêm ngặt hơn về ngành giải phẫu thẩm mỹ cũng như khuyến cáo về sự an toàn khi mọi người tìm đến phẫu thuật thẩm mỹ .

Trọng Trí (theo AFP, SCMP)

 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI