Phụ nữ Ấn Độ chịu đựng bị giẫm lên lưng để "cầu con"

09/12/2020 - 07:24

PNO - Sự kiện này diễn ra vào trung tuần tháng 11, là một phần trong nghi lễ sinh sản được duy trì suốt trăm năm qua ở huyện Dhamtari, thuộc bang Chhattisgarh (vùng Trung Ấn Độ).

Những phụ nữ cho phép tu sĩ bản địa giẫm lên lưng tin rằng, họ sẽ được “ban phép lành” và có thể sớm sinh con. Hàng loạt đoạn video ghi hình buổi lễ kỳ lạ có tên Madhai Mela, diễn ra thường niên vào ngày thứ Sáu đầu tiên sau Diwali - lễ hội mùa thu nổi tiếng của đạo Hindu - đang lan truyền rộng rãi trên Internet.       

Ở Ấn Độ - quốc gia đông dân thứ 2 thế giới, việc sinh con, đặc biệt là con trai như cách đảm bảo tương lai dòng dõi gia đình, vẫn là lối tư duy định kiến đang gây sức ép với nhiều phụ nữ. (Ảnh: AsiaMedia)
Tại Ấn Độ - quốc gia đông dân thứ 2 thế giới, việc sinh con, đặc biệt là con trai vẫn là định kiến gây sức ép với nhiều phụ nữ - Ảnh: AsiaMedia

“Đã kết hôn gần 17 năm, nhưng vợ chồng tôi vẫn không thể có con”, Rameshwari Sinha - một phụ nữ từng tham dự nghi lễ - cho biết. Cô và chồng đã gặp nhiều bác sĩ, thử qua vài phương pháp điều trị nhưng đều không hiệu quả. “Vài năm trước tôi quyết định tham gia buổi lễ, và ngay năm sau đó, tôi hạ sinh bé trai đầu lòng”, cô chia sẻ.

Với những ai có hoàn cảnh tương tự như Sinha, đức tin dường như dễ dàng “thắng thế” khoa học hiện đại.

“Hàng trăm phụ nữ đăng ký tham dự nghi lễ "cầu con" mỗi năm. Họ nuôi hy vọng sinh con sẽ thành hiện thực”, Dhruv - thư ký phụ trách quỹ hoạt động của đền thờ nơi tổ chức buổi lễ - lý giải.

Theo Dhruv, phụ nữ nằm sấp thành hàng dài ngoài sân đền, cho phép nhóm tu sĩ bước đi trên lưng họ, trước khi tiến vào bên trong đền. Họ tin rằng, những thầy tu - khi này được nữ thần sinh sản Angaarmoti của Hindu giáo nhập vào thân xác, sẽ ban phước lành giúp họ có thể mang thai.

Vị thư ký tại ngôi đền tiết lộ, nghi thức “bước đi trên người” không gây tổn hại cho cơ thể người tham dự. “Nữ thần Angaarmoti đảm bảo rằng không người phụ nữ nào bị thương. Hành động giẫm lên lưng biểu trưng cho sự hy sinh họ phải trải qua để toại nguyện mơ ước có con”.

Đức tin truyền thống là một lẽ. Thế nhưng hiện nay, đã xuất hiện nhiều luồng ý kiến quan ngại về nghi lễ “cầu con”.

“Một nhóm nam giới cao to giẫm lên lưng người có thân hình nhỏ hơn, rất dễ gây nguy hiểm. Hành vi này có thể khiến người phụ nữ bị chấn thương nội tạng”, theo Kiranmayee Nayak - Chủ tịch Ủy ban Phụ nữ của bang Chhattisgarh.

Nayak cho biết, chính quyền địa phương đang lên kế hoạch tổ chức chiến dịch giáo dục sức khỏe sinh sản sâu rộng đến nữ giới tại đây.

Ở Ấn Độ, lễ hội sinh sản với nhiều nghi thức kỳ quặc là điều không hề mới. Trong một số cộng đồng đạo Hindu, bé gái trước khi đến tuổi dậy thì phải trải qua một nghi lễ đánh dấu sự bắt đầu trọng trách sinh sản của họ. Ở vài nơi, phụ nữ thậm chí bị buộc ăn thức ăn rơi vãi trên sàn nhà, với bàn tay trói chặt sau lưng. Đức tin cho rằng, làm điều này sẽ giúp họ nhanh chóng mang thai sau khi lấy chồng.

“Trong khi nghi lễ sinh sản khá phổ biến trên thế giới, tại Ấn Độ, luôn hiện hữu một thứ sức ép vô hình lên người phụ nữ về trách nhiệm sinh con”, Rituparna Patgiri, giảng viên chuyên ngành xã hội học - trường cao đẳng phụ nữ Indraprastha (một nhánh của đại học Delhi), nhận xét.

“Tất cả lễ hội sinh sản xuất phát từ Ấn Độ chúng ta từng được biết, đều liên quan đến phụ nữ. Đàn ông gần như không bao giờ phải chịu áp lực trước vấn đề này”, nữ giáo sư nhấn mạnh.

Tháng trước, truyền thông Ấn từng rúng động về vụ việc một phụ nữ tự sát do bị gia đình chồng bạo hành, sau khi một nhà chiêm tinh “dự đoán” rằng cô không thể sinh con.

Nghi lễ gây tranh cãi ở Chhattisgarh đồng thời khiến dư luận chỉ trích vì đã vi phạm quy định giãn cách xã hội của chính phủ giữa mùa dịch COVID-19. 

Như Ý (theo Vice)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI