Phụ huynh Trung Quốc xoay xở tìm giáo viên dạy thêm từ thị trường chợ đen

23/06/2023 - 17:54

PNO - Mặc cho chính phủ cấm dạy và học thêm, nhiều bậc cha mẹ Trung Quốc (TQ) vẫn lén lút tìm đến giáo viên ngoài trường học do lo sợ con mình tụt hậu.

 

Các hình thức dạy và học thêm vẫn đang bị cấm ở TQ, do chính quyền muốn hạn chế sự can thiệp của tiền bạc vào cuộc cạnh tranh trong giáo dục – Ảnh: Getty Images
TQ cấm dạy thêm vì không muốn tiền bạc can thiệp vào cuộc cạnh tranh trong giáo dục - Ảnh: Getty Images

Chính quyền TQ đã ra lệnh cấm nghiêm ngặt nhằm ngăn chặn việc dạy và học thêm, cả trực tiếp và trực tuyến, nhưng nhu cầu của phụ huynh khiến thị trường dạy thêm của “đất nước tỉ dân” vẫn âm thầm phát triển, theo chia sẻ từ người trong cuộc được Financial Times (FT) đưa tin vào ngày 23/6.

Trước sự chứng kiến của phóng viên FT, chuyên viên môi giới dạy kèm Elaine (đã đổi tên) giới thiệu một danh sách liên lạc đầy giáo viên và phụ huynh, những người mong muốn con cái họ có cơ hội giáo dục tốt nhất.

Elaine cho biết, sau 2 năm bị cấm, các trung tâm dạy thêm đang phục hồi và thậm chí “phát triển rất nhanh”. Họ hoạt động rầm rộ, ngay cả khi phải trải qua nhiều lần đóng cửa, bị phạt tiền và các hình thức trừng phạt khác.

Nữ chuyên viên môi giới dạy thêm ở thành phố Thâm Quyến, miền nam TQ chia sẻ: “Chúng tôi đã bị báo cáo nhiều lần. Cơ quan chức năng phát hiện những việc chúng tôi làm, nhưng hình phạt rất nhẹ”. Theo Elaine, ngày càng có nhiều phụ huynh TQ nhận ra rằng các hoạt động dạy và học thêm vẫn tồn tại, và nếu quay lưng với dịch vụ này, con em họ sẽ tụt lại phía sau.

Theo chính sách “giảm kép” (shuang jian) được chính quyền TQ thực thi từ năm 2021, bài tập về nhà của học sinh được hạn chế, việc dạy thêm các môn cốt lõi, như Trung ngữ, Anh ngữ và toán, bên ngoài trường học là bất hợp pháp. Tuy nhiên, phụ huynh tại các thành phố lớn như Thượng Hải, Thâm Quyến và Bắc Kinh luôn biết xoay xở để con mình được học thêm.

Ngành công nghiệp dạy kèm một thời được hỗ trợ bởi các tập đoàn TQ được niêm yết tại Hoa Kỳ, với nguồn nhân lực lên tới hàng trăm ngàn người và được định giá hàng chục tỉ USD giờ đã chuyển thành một thị trường chợ đen, nơi các trung tâm môi giới và gia sư phải tìm kênh liên lạc riêng với phụ huynh.

Julian Fisher, nhà đồng sáng lập của công ty dịch vụ tư vấn Venture Education có trụ sở tại Bắc Kinh, cho biết: “Người ở tầng lớp trung lưu đã tìm ra giải pháp, những giải pháp rất địa phương mà người ngoài không thể nhận ra. Bạn không thể hình dung nó lan rộng thế nào vì không ai nói về nó nữa”.

Tháng 3 vừa qua, chính quyền TQ thông báo sẽ “tiếp tục thực hiện” chính sách “giảm kép”, nhưng trên thực tế ở các thành phố lớn, "những người có nhu cầu vẫn tìm cách tiếp cận dịch vụ dạy thêm" - một phụ huynh ở Thượng Hải có con đang học trung học chia sẻ.

Vị phụ huynh cho biết: “Gần đây, tôi có cảm giác mọi thứ đang dần trở lại như trước”. Cũng theo người này, chính quyền TQ thật sự đã tìm cách ngăn chặn việc dạy thêm chứ không nói suông, nhưng khi thị trường ngầm ngày càng phát triển mạnh mẽ, giới chức cũng phải “dần làm ngơ”.

Một giáo viên dạy thêm tiếng Anh ở Thượng Hải cho biết: “Nhu cầu thật điên rồ”. Theo đó, giáo viên này kiếm được khoảng 400 nhân dân tệ, xấp xỉ 56 USD chỉ trong một giờ dạy thêm. Khi anh đi dạy, nếu có người dân địa phương bắt chuyện và phát hiện việc dạy thêm, họ cũng xem đó là chuyện thường.

Chủ một cơ sở dạy thêm ở thành phố Hàng Châu cho biết, giáo viên đôi khi thuê các điểm dạy khác nhau để tránh bị phát hiện. Các lớp học trực tuyến, được điều phối qua WeChat cũng rất phổ biến.

Julian Fisher cũng kể câu chuyện tương tự. Theo đó, một phụ huynh là người có chức quyền ở Bắc Kinh mỗi lần đưa con đi học thêm lại phải đến một địa điểm khác. Sau đó, giáo viên tiếp tục được đưa đến một điểm dạy kèm được giữ bí mật mà cả 2 bên đều không được kể.

Cũng theo Fisher, chính sách “giảm kép” vẫn được một số phụ huynh TQ ủng hộ, vị doanh nhân kể rằng đã thấy nhiều trẻ em được chơi sau giờ học ở sân chung cư nơi anh sống tại Bắc Kinh.

Trở lại Thâm Quyến, nữ môi giới Elaine chia sẻ cảm giác thoải mái vì cô đã tìm được cách đối phó với các cuộc kiểm tra không thường xuyên của giới chức. Cô kể: “Họ cũng có con mà. Sau những lần họ đến kiểm tra đột xuất chúng tôi, đôi khi họ quay lại để tìm gia sư cho con em mình”.

Trường An (theo Financial Times)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI