Thuốc giải cho căn bệnh dạy thêm, học thêm

26/04/2023 - 05:59

PNO - Tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan như căn bệnh mạn tính kéo dài từ năm này sang năm khác, gây tốn kém tiền bạc của phụ huynh và thời gian của học sinh.

Chương trình giáo dục phổ thông mới - với mục tiêu giảm tải kiến thức hàn lâm, chú trọng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh - sắp bước vào năm thứ tư nhưng vẫn chưa ngăn được nạn dạy thêm, học thêm nở rộ, kể cả với học sinh tiểu học. 

Báo cáo của Viện Khoa học giáo dục Việt Nam vào tháng 8/2022 chỉ ra rằng, trong tổng chi phí học tập của một đứa trẻ, chi phí học thêm chiếm 32% ở cấp tiểu học, 42% ở cấp THCS và 43% ở cấp THPT. Càng lên cấp học cao hơn, tiền bạc, thời gian bỏ ra cho học thêm càng nhiều. Học thêm phổ biến đến độ gần như mọi học sinh, đặc biệt là ở các đô thị lớn, đều đi học thêm, nếu không học thêm là… cá biệt.

Học sinh học thêm xuyên đêm tại TP.HCM
Học sinh học thêm xuyên đêm tại TPHCM

Dạy thêm, học thêm không xấu nếu xuất phát từ nhu cầu chính đáng của người học. Tuy vậy, những biến tướng, tiêu cực đang làm méo mó đi hoạt động này. Trong một xã hội vẫn đang đặt nặng chuyện thi cử, thành tích, bằng cấp như hiện nay, thật khó để triệt tiêu “cuộc đua” tìm thầy giỏi, chỗ dạy thêm uy tín để đưa con đến học thêm. 

Dạy thêm, học thêm tràn lan đang phản ánh những bất cập trong chương trình học, trong cách kiểm tra, đánh giá của ngành giáo dục. Trong đó, có cả tư duy nặng nề thành tích của phụ huynh và một bộ phận không nhỏ trong xã hội.

Chương trình giáo dục mới đang hướng đến việc phát triển toàn diện người học, nên việc học thêm quá nhiều trở thành rào cản đối với mục tiêu này. Việc dành phần lớn thời gian cho việc học ở lớp, học thêm triền miên ở các “lò” khiến học sinh đánh mất đi khả năng tự học. Đồng thời, các em bị suy kiệt, không còn thời gian tái tạo sức khỏe, các em thiếu hụt các kỹ năng xã hội, giao tiếp, trải nghiệm để phát triển toàn diện.

Phụ huynh bất bình trước thực trạng dạy thêm nhưng cũng chính họ “đẩy” con em mình vào guồng quay này. Với mong muốn con đạt kết quả cao trong các kỳ thi, con không thua kém bạn bè, con không bị thầy cô “đì”... phụ huynh đang góp phần làm cho việc học thêm ngày càng phổ biến.  

Một điều rất dễ nhận thấy là, học sinh chủ yếu học thêm các môn có thi. Không học sinh nào học thêm môn giáo dục công dân, thể dục hay mỹ thuật. Áp lực thi cử, trong đó có thi học kỳ, thi tuyển sinh đầu cấp, thi tốt nghiệp THPT là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến việc học thêm của hầu hết học sinh. Việc học chủ yếu để phục vụ thi cử hoàn toàn xa lìa mục tiêu của giáo dục phổ thông là phát triển toàn diện học sinh.

Như vậy, hiện tượng dạy thêm, học thêm là một nhu cầu có tính xã hội, chỉ có thể triệt tiêu dần khi chương trình học hợp lý, khi việc đánh giá học sinh dựa trên các tiêu chí toàn diện cả về trí, đức, thể, mỹ. Nếu như vẫn tiếp tục đánh giá học sinh bằng điểm số bài kiểm tra, thi cử; đánh giá giáo viên bằng thành tích của học sinh thì việc dạy thêm, học thêm không bao giờ chấm dứt.

Nếu không giải quyết được những bất cập cốt lõi của nền giáo dục thì dạy thêm vẫn tiếp tục tồn tại. 

Muốn hạn chế việc dạy thêm, học thêm tràn lan, cần triển khai một cách thực chất chương trình giáo dục phổ thông hướng tới việc phát triển năng lực học sinh, giảm kiến thức hàn lâm, chú trọng dạy kỹ năng, thực hành; cần đầu tư trường lớp để giảm sĩ số, giúp thầy cô nắm sát sao từng học sinh; cần trả lương xứng đáng cho giáo viên để họ thực sự tâm huyết với việc dạy dỗ học sinh trên lớp.

Cùng với đó, cần tuyên truyền để mỗi phụ huynh và học sinh thay đổi nhận thức, hiểu được rằng thước đo để đánh giá con người, hành trang để chuẩn bị cho tương lai không chỉ là những kiến thức trong sách vở, không phải là cuộc rượt đuổi theo điểm số và thành tích các kỳ thi, mà là rất nhiều kỹ năng, trải nghiệm thực tiễn. Thay đổi về nhận thức là thuốc giải căn cơ cho căn bệnh thành tích, cũng như vấn nạn dạy thêm, học thêm. 

Phương Thanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI