Phòng ngừa, xử trí ngộ độc thực phẩm trong mùa nắng nóng

28/04/2024 - 07:31

PNO - Theo thống kê của Bộ Y tế, trong quý I/2024, cả nước xảy ra 16 vụ ngộ độc thực phẩm, làm 659 người bị ngộ độc, trong đó có 3 người tử vong.

Ngày 15/1, sau khi ăn uống trong một quán ở TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, 17 thực khách bị đau bụng dữ dội, nôn ói và sốt cao, phải nhập viện điều trị, trong đó có 2 người được chuyển lên tuyến trên. Giữa tháng 3/2024, vụ ngộ độc cơm gà tại quán cơm gà Trâm Anh ở TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa khiến 368 người phải đến các cơ sở thăm khám, chữa trị. Qua kiểm tra, cơ quan chức năng xác định, trong các món gà, xốt trứng, dưa chua… phát hiện có vi khuẩn salmonella, bacillus cereus, staphylococcus aureus. Mẫu nước máy lấy tại vòi khu vực chế biến có các vi khuẩn escherichia coli và coliform. Mẫu nước giếng lấy tại thùng chứa có vi khuẩn escherichia coli, coliform và pseudomonas aeruginosa.

Quán cơm gà Trâm Anh, Nha Trang
Quán cơm gà Trâm Anh, Nha Trang

Đến ngày 31/3, cơ quan chức năng tỉnh Khánh Hòa lại ghi nhận hàng chục trường hợp có dấu hiệu bị ngộ độc sau khi ăn thực phẩm được chế biến từ gà. Đầu tháng Tư, sau khi ăn bánh mì trong một lễ hội ở TP Thuận An, tỉnh Bình Dương, hơn 40 người bị mệt mỏi, đau bụng, buồn nôn, chóng mặt, phải đi cấp cứu.

Theo thống kê của Bộ Y tế, trong quý I/2024, cả nước xảy ra 16 vụ ngộ độc thực phẩm, làm 659 người bị ngộ độc, trong đó có 3 người tử vong. Tại TPHCM, từ đầu năm đến nay chưa ghi nhận vụ ngộ độc thực phẩm tập thể nào, nhưng theo một số bệnh viện, lượng bệnh nhân bị rối loạn tiêu hóa đến điều trị đang có dấu hiệu tăng. Ở Bệnh viện Nhi Đồng 2, trung bình mỗi ngày, có 100 trẻ nhập viện điều trị các bệnh liên quan đến tiêu hóa, trong đó có 20 - 30% bị tiêu chảy, nhiễm trùng đường ruột, viêm dạ dày.

Đang chăm 2 con (2 tuổi và 4 tuổi) trong Bệnh viện Nhi Đồng 2, chị Trần Thị Trúc Lan (tỉnh Đồng Nai) cho biết, trước đó, bé lớn mua bắp xào ăn, đút cho em vài muỗng. Chỉ 30 phút sau, 2 bé đều bị tiêu chảy, ăn cơm, uống sữa đều bị nôn ói. Bé lớn có biểu hiện sốt cao. “Các bé vẫn thường mua bắp xào từ người cùng xóm nhưng không ngờ lần này lại bị tiêu chảy nặng như vậy” - chị Lan nói.

Bác sĩ Trương Thị Ngọc Phú - Phó trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Nhi Đồng 2 - khuyên, để bảo vệ trẻ, phụ huynh tập cho trẻ thói quen giữ vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, không ăn đồ ăn trên vỉa hè, trước cổng trường. Nắng nóng dễ làm cho trẻ bị mất nước, nên phụ huynh cần nhắc nhở trẻ uống nhiều nước, chơi ở nơi có bóng râm.

Phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Lâm Vĩnh Niên - Trưởng khoa Dinh dưỡng tiết chế, Bệnh viện Đại học y dược TPHCM - khuyên, trước và sau khi chế biến thức ăn, người nấu cần rửa tay bằng xà phòng, luôn lau dọn bếp, nồi, chảo, chén, dĩa. Khi nấu ăn, các gia đình nên nấu một lượng vừa đủ, ăn ngay sau khi vừa nấu. Nếu thức ăn còn dư, cần bảo quản trong tủ lạnh, không để ở ngoài quá 2 giờ bởi càng để lâu, thức ăn càng dễ bị nhiễm vi khuẩn có hại, có thể gây rối loạn tiêu hóa, ngộ độc. Không nên cho trẻ nhỏ dùng lại thức ăn cũ. Ông lưu ý, thực phẩm được bảo quản lạnh lâu ngày vẫn có khả năng hư hỏng, nhiễm khuẩn. Vì vậy, khi nghi ngờ thức ăn ôi thiu thì không nên dùng.

Theo ông, các biểu hiện ngộ độc thực phẩm thường gặp nhất là nôn ói, đau bụng, tiêu chảy, sốt. Tùy theo tình trạng ngộ độc, những biểu hiện này có thể xuất hiện ngay sau khi ăn, cách vài giờ, hoặc 1-2 ngày sau. Nếu chỉ nôn ói, tiêu chảy khoảng 1-2 lần trong ngày, không sốt, không mệt mỏi, có thể tự theo dõi tại nhà, uống bù nước, nghỉ ngơi, chia nhỏ bữa ăn để tránh nôn ói. Nếu bệnh tiến triển nặng, bệnh nhân không ăn uống được, đi tiêu ra máu, sốt cao, mệt thì nên đưa ngay đến bệnh viện để được bác sĩ khám, điều trị.

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI