Thêm khó khăn, áp lực vì định kiến sai lầm

28/05/2025 - 06:42

PNO - Có không ít trẻ rối loạn phổ tự kỷ (ASD) giậm chân tại chỗ, thậm chí thoái lui vì chương trình can thiệp không hiệu quả, không phù hợp.

Cô Phương Dung (quận 8) tình nguyện dạy cho trẻ tự kỷ là con em của những lao động nghèo
Cô Phương Dung (quận 8) tình nguyện dạy cho trẻ tự kỷ là con em của những lao động nghèo - Ảnh: Ngân Giang

Theo nghiên cứu của CDC Mỹ, tỉ lệ trẻ rối loạn phổ tự kỷ (ASD) tăng gấp đôi chỉ trong vòng 1 thập niên, từ tỉ lệ 1/120 vào năm 2014 lên khoảng 1/52 vào năm 2024. Việt Nam chưa có số liệu cập nhật nhưng tỉ lệ trẻ ASD không hề thua kém tỉ lệ chung của toàn cầu.

Trẻ rối loạn phổ tự kỷ có khó khăn về ngôn ngữ, giao tiếp, hành vi, rối loạn xử lý giác quan, kỹ năng sống, khả năng học tập… Có rất nhiều giả thuyết về nguyên nhân ASD, như: do ngộ độc thủy ngân, do ảnh hưởng của thuốc tiêm ngừa, của thiết bị điện tử, do ô nhiễm môi trường, do chất dinh dưỡng thời hiện đại… nhưng đến nay, vẫn chưa có căn cứ khoa học để khẳng định. Từ ẩn số về nguyên nhân, trong xã hội, dậy lên những định kiến. Họ đổ lỗi phụ huynh thiếu quan tâm, lạnh lùng, bỏ mặc trẻ hoặc chăm sóc sai cách, thậm chí do “đường ăn ở”.

Định kiến sai lầm, cay nghiệt này làm gia tăng khó khăn, thử thách, áp lực và sự bơ vơ, đơn độc vốn đã chất chồng ở các gia đình có con mắc chứng ASD.

Tỉ lệ ASD của trẻ sống ở đô thị cao hơn trẻ sống ở nông thôn. Tuy nhiên, trẻ ở nông thôn thường gặp rào cản lớn trong việc chẩn đoán và can thiệp do hệ thống trung tâm hỗ trợ nhìn chung vừa thiếu, vừa yếu. Trong việc chọn trường cho con, cũng không hẳn “tiền nào của nấy”. Vì thế, cần cảnh giác với các trung tâm hét giá học phí cao mà chất lượng không tương xứng với lời quảng cáo.

Với trên 25 năm thăm khám, đánh giá và can thiệp trẻ ASD, trong đó có 10 năm khám và đánh giá trẻ ASD tại Khoa Tâm lý, Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TPHCM), tôi nhận thấy, có không ít trẻ ASD giậm chân tại chỗ, thậm chí thoái lui vì chương trình can thiệp không hiệu quả, không phù hợp hoặc trung tâm không thiết kế được chương trình tiếp theo để trẻ duy trì thành quả và hấp thu bài học mới. Trong khi thầy cô loay hoay, phụ huynh khổ sở chuyển trường tới lui, trẻ đã bị chậm nhịp oan uổng trên hành trình hòa nhập, phát triển.

Để trẻ ASD có môi trường an toàn và tích cực cho sự phát triển, tôi đề xuất một số giải pháp:

Thứ nhất, gia tăng quản lý nhà nước đối với hệ thống trường học, trung tâm trẻ tự kỷ nói riêng, trẻ có khó khăn về phát triển nói chung. Bổ sung những cán bộ có chuyên môn sâu về thẩm định, nhất là thẩm định chương trình can thiệp cho trẻ.

Thứ hai, để gia tăng nguồn lực nhà chuyên môn cả về chất và lượng, nên linh hoạt, thông thoáng về cơ chế thừa nhận chuyên môn. Có thể huấn luyện bằng các khóa ngắn ngày về ASD cho cử nhân những ngành gần với ngành giáo dục đặc biệt (ngành tâm lý chẳng hạn) khi lực lượng nhà chuyên môn giáo dục đặc biệt đang quá mỏng.

Thứ ba, hỗ trợ về tài chính, pháp lý, tâm lý cho phụ huynh và trẻ ASD, giúp trẻ tiếp cận môi trường học tập an toàn, tích cực với mức học phí phù hợp. Tạo điều kiện cho phụ huynh và trẻ tự kỷ giao lưu sinh hoạt trong các câu lạc bộ để tăng cơ hội giao tiếp, tương tác. Làm sống lại các trò chơi dân gian để tăng vận động, trải nghiệm thực tế và kết nối người với người.
Cuối cùng, đang có các phương pháp can thiệp không đúng như châm cứu, bấm huyệt, cấy chỉ, điều trị tế bào gốc. Phương pháp can thiệp chính thống cho trẻ ASD là can thiệp bằng tâm lý, giáo dục. Chưa có bằng chứng khoa học nào về sử dụng hóa dược điều trị ASD. Cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức để phụ huynh, nhà trường, xã hội nhận diện và đưa trẻ đi khám sớm, phối hợp với chuyên gia để tối ưu hóa hiệu quả can thiệp.

Tiến sĩ Ngô Xuân Điệp (Phó chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục TPHCM, cố vấn Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Tường Minh)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI