Trách nhiệm chống hàng giả không thể vô danh

26/05/2025 - 06:46

PNO - Nói về hàng giả, Đại biểu Quốc hội Tô Thị Bích Châu (TPHCM) xót xa: “Dân mình còn nghèo, cha mẹ chắt chiu từng đồng để mua sữa cho con, lại mua trúng sữa giả; con còi cọc, đưa đi khám thì lại uống phải thuốc bổ giả”.

Sau nhiều vụ việc truy quét và thu giữ thuốc giả, thực phẩm chức năng giả, Bộ Y tế và các bộ liên quan đã ban hành hàng loạt văn bản chỉ đạo cũng như tổ chức hội nghị bàn về vấn đề này. Tuy nhiên, thay vì thẳng thắn nhìn nhận trách nhiệm, những chỉ đạo, những phát ngôn của lãnh đạo ngành có vẻ mang tính chất đối phó, xoa dịu dư luận hơn là nhìn thấy trách nhiệm và đưa ra giải pháp hữu hiệu. Ngay cả khi một cựu Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm bị bắt về hành vi nhận hối lộ để làm ngơ cho thực phẩm giả tuồn ra thị trường, Bộ Y tế cũng chỉ ban hành công văn nhắc nhở cán bộ tuân thủ pháp luật.

Không chỉ Bộ Y tế, Bộ Công Thương cũng không thể vô can. Lực lượng quản lý thị trường thuộc Bộ Công Thương có chức năng chính là giám sát chất lượng hàng hóa, chống gian lận thương mại nhưng lại không phát hiện hàng giả tập kết trên địa bàn do mình quản lý trong nhiều năm.

Trong phiên họp ngày 19/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nói thẳng: “Làm hàng trăm tấn hàng giả mà cơ quan chức năng không phát hiện được thì chỉ có 2 khả năng: hoặc không còn ý chí chiến đấu, hoặc đã bị mua chuộc, có tiêu cực”. Đây là lời cảnh tỉnh và cũng là mệnh lệnh rõ ràng: dù lý do là gì, đều phải xử lý nghiêm minh.

Đã đến lúc chấm dứt tình trạng “quả bóng trách nhiệm” cứ lăn mãi từ trung ương đến địa phương, từ ngành này sang ngành khác. Trong việc chống hàng giả, đặc biệt là các mặt hàng ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người như thuốc, sữa, thực phẩm chức năng, trách nhiệm phải được phân định rạch ròi chứ không thể “vô danh”.

Chỉ đạo của Thủ tướng rất rõ ràng. Việc cần làm lúc này là khẩn trương rà soát toàn bộ hệ thống kiểm nghiệm, hậu kiểm. Cần công khai hóa dữ liệu về nguồn gốc, chất lượng sản phẩm, lộ trình lưu thông và danh sách các cơ sở vi phạm để toàn dân cùng nắm, cùng giám sát.

Không thể không nhắc tới vai trò của Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam và các hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cấp địa phương. Đã đến lúc phải tái cấu trúc và nâng cao vai trò của tổ chức này, không để hoạt động mờ nhạt, chỉ có danh xưng như hiện nay. Hội cần được trao cơ chế tiếp nhận phản ánh, hỗ trợ pháp lý, trao chức năng giám sát thị trường, hỗ trợ điều tra các vụ việc có dấu hiệu vi phạm để thực sự là đại diện cho tiếng nói của người tiêu dùng.

Việc truy quét hàng giả phải đi vào thực chất và lâu dài. Các đợt cao điểm là cần thiết nhưng thường rầm rộ rồi hết đợt thì chìm. Chúng ta cần cơ chế giám sát thường xuyên, độc lập cùng những bản án nghiêm minh để tạo sức răn đe thực sự. Người dân có quyền đòi hỏi sự an toàn khi sử dụng thuốc, thực phẩm, sữa. Khi quyền ấy bị xâm phạm, cơ quan quản lý cần thẳng thắn nhận trách nhiệm và triển khai giải pháp đảm bảo quyền ấy thay vì đổ lỗi cho “lỗ hổng pháp lý”.

Minh Quang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI