Ô nhiễm không khí làm tăng tỷ lệ tự tử

05/12/2022 - 19:04

PNO - Nghiên cứu được hai nhà khoa học là Claudia Persico và Dave Marcotte của Đại học Mỹ báo cáo với Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia vào tháng trước.

Ô nhiễm không khí được biết là gây ra những tác động tiêu cực đến sức khỏe tim mạch và phổi, ảnh hưởng đến não và hành vi.

Các hạt vật chất nhỏ có thể xâm nhập vào phổi và ức chế dòng oxy vào máu và não, với mức độ ô nhiễm không khí cao có ảnh hưởng đến năng suất, các lựa chọn chiến lược và kết quả kém hơn trong các bài kiểm tra học thuật.

Hai nhà nghiên cứu Claudia Persico và Dave Marcotte lưu ý rằng mức độ cao của các cytokine, protein được tạo ra bởi các tế bào miễn dịch để đáp ứng với nhiễm trùng và viêm, đã được tìm thấy trong các mẫu mô của các nạn nhân sau khi tự sát.

Các tòa nhà bị bao phủ trong sương mù khi chính quyền ra lệnh hạn chế giao thông do ô nhiễm không khí ở Thành phố Mexico, Mexico, vào ngày 3 tháng 5 năm 2022. (Ảnh: EDGARD GARRIDO/ REUTERS)
Các tòa nhà bị bao phủ trong sương mù khi Mexico ra lệnh hạn chế giao thông do ô nhiễm không khí ở Thành phố Mexico vào ngày 3/5/2022. 

Mặc dù mối liên hệ giữa ô nhiễm không khí và tỷ lệ tự tử đã được nghiên cứu trong quy mô nhỏ trước đây, nhưng các nhà nghiên cứu đã quyết định triển khai mối liên hệ này trong một nghiên cứu quy mô lớn hơn bằng cách kiểm tra dữ liệu về tất cả các trường hợp tự tử ở Hoa Kỳ trong khoảng thời gian 8 năm.

Các nhà nghiên cứu đã ước tính tác động của từng chất ô nhiễm đối với tỷ lệ tự tử trên toàn quốc bằng cách sử dụng dữ liệu hàng ngày về số lượng tự tử khớp với dữ liệu chất lượng không khí từ Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh (CDC), dữ liệu thời tiết hàng ngày từ Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia (NOAA), dữ liệu ô nhiễm hàng ngày từ Cơ quan Bảo vệ Môi trường và CDC, và dữ liệu nhân khẩu học từ năm 2003-2010.

Hai nhà khoa học Persico và Marcotte phát hiện ra rằng sự gia tăng một microgam trên mét khối trong các hạt mịn gọi là PM2.5 có liên quan đến sự gia tăng 0,49% số vụ tự tử hàng ngày (mức tăng 0,5% trên mức trung bình). Họ cũng phát hiện ra rằng mức độ ô nhiễm không khí này có liên quan đến việc tăng 0,17% số ca nhập viện liên quan đến tự tử, tăng 50% so với mức trung bình.

Với tỷ lệ này, trung bình hàng ngày sẽ tăng khoảng 0,09 vụ tự tử trên một triệu cư dân khi có mức độ ô nhiễm không khí cao. Các kết quả nghiên cứu cho thấy rằng mức tăng PM2.5 một microgam trên mét khối mỗi ngày trong một năm sẽ dẫn đến thêm 153,8 vụ tự tử trong năm đó. 

Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng mức độ ô nhiễm không khí này có liên quan đến mức tăng 0,36% trong tất cả các trường hợp tử vong hàng ngày, mức tăng 0,4% trên mức trung bình. 

Theo các nhà nghiên cứu, vị trí địa lý cũng ảnh hưởng đến mức độ của ô nhiễm không khí đối với tỷ lệ tự tử, với các nơi nông thôn và có mức nghèo đói cao thì tỷ lệ tự tử cũng cao hơn. Các tác động dường như trở nên nghiêm trọng hơn theo tuổi tác, với những người trên 55 tuổi có tỷ lệ tự tử cao hơn liên quan đến ô nhiễm không khí. Ngoài ra, những ngày có mức độ ô nhiễm không khí cao cũng dẫn đến nhiều triệu chứng trầm cảm hơn.

Tổ chức Y tế Thế giới ước tính rằng ô nhiễm không khí xung quanh dẫn đến thêm 77.550 ca tử vong ở Mỹ vào năm 2016 do các bệnh tim mạch và phổi. Persico và Marcotte cũng lưu ý rằng bài báo của họ cho thấy con số của WHO đánh giá thấp tác động của ô nhiễm không khí xung quanh đối với tỷ lệ tử vong.

Các nhà nghiên cứu nói thêm rằng các biện pháp can thiệp để giữ những người có nguy cơ tự tử ở trong nhà hoặc ngăn họ hoạt động gắng sức ngoài trời có khả năng mang lại sự bảo vệ. Hệ thống lọc và làm sạch không khí cũng có thể bảo vệ bệnh nhân trầm cảm ở những nơi có nhiều người có nguy cơ mắc bệnh.

Thảo Nguyễn (theo JPost)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI